1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phe nổi dậy Libya bác kế hoạch ngừng bắn

(Dân trí) - Lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Libya, tưởng đã được khơi thông sau tuyên bố của nhà lãnh đạo Gadhafi, lại rơi vào bế tắc khi người đứng đầu chính phủ lâm thời của phe nổi dậy tại Libya bác bỏ kế hoạch ngừng bắn do Liên minh châu Phi (AU) đề xuất.

 
 
Phe nổi dậy Libya bác kế hoạch ngừng bắn - 1
Xung đột tiếp diễn giữa lực lượng ủng hộ nhà lãnh đạo Gadhafi và lực lượng nổi dậy ở nhiều thành phố

Sau khi thảo luận với phái đoàn các nhà lãnh đạo châu Phi tại Benghazi, ông Mustafa Abdul-Jalil, người đứng đầu chính phủ lâm thời của phe nổi dậy, nói rằng phe này sẽ không chấp nhận bất cứ đề nghị gì mà không bao gồm đòi hỏi ông Moammar Gadhafi và gia đình ông ta phải rời khỏi Libya.

Abdul-Jalil gọi đây là kế hoạch “đã lỗi thời”.

Theo các quan chức AU, kế hoạch này đã được ông Gadhafi chấp thuận sau các cuộc thảo luận vào cuối tuần.

Ngoài kêu gọi lập tức ngừng bắn, đề nghị còn kêu gọi mở thảo luận giữa phe nổi dậy và phe chính phủ, đề nghị lập tức chấm dứt mọi hành động thù nghịch, kể cả các cuộc không kích do NATO thực hiện, và khẩn cấp phân phối các vật phẩm cứu trợ nhân đạo, bảo vệ người nước ngoài, và khởi sự các cải cách chính trị.

Tuy nhiên, lãnh đạo phe nổi dậy nói rằng sự can thiệp này đến quá muộn. “Ông Gadhafi đã làm ngơ trước nghị quyết của quốc tế đến hơn 1 tháng đòi ông ta phải tôn trọng an toàn sinh mạng của thường dân”, Abdul-Jalil nói với báo giới.

Ông nói quân nổi dậy “sẽ hoặc thà chết cùng với những người đã bị lực lượng của ông Gadhafi hạ sát hoặc là phải chiến thắng”.

Các giới chức chính phủ Libya đã bác bỏ đòi hỏi của phe nổi dậy muốn ông Gadhafi phải ra đi.

Cùng ngày hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Mỹ muốn nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi của Libya từ bỏ quyền lực và rời Libya. Bà nói với báo giới rằng Mỹ đã nói rõ muốn có một ngưng bắn và muốn các lực lượng của ông Gadhafi rút khỏi các vị trí mà họ đã tiến vào bằng vũ lực.

Cùng lúc, tại Washington, Tổng thống Obama có cuộc họp kín về Libya với các giới chức cao cấp.

Cũng trong lĩnh vực ngoại giao, Nhóm liên lạc về Libya bao gồm Mỹ, Anh, Pháp và nhiều nước Arập như Qatar, Maroc, Jordan cũng nhiều tổ chức đa quốc gia như LHQ hay Liên đoàn các nước Arập và NATO sẽ mở lại cuộc họp vào ngày mai, 13/4, tại Doha để tìm kiếm một giải pháp chính trị và ngoại giao cho Libya.

Hà Khoa
Tổng hợp