1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phe ly khai nhận dạng nhầm MH17 vì thiếu radar?

(Dân trí) - Nếu phe ly khai gây ra vụ rơi máy bay chở khách của Malaysia, khiến 298 người thiệt mạng, đó có thể là do họ đã không có các hệ thống phù hợp để phân biệt giữa một máy bay quân sự và dân sự, các chuyên gia nhận định.

Một máy phóng tên lửa Buk được trưng bày tại triển lãm hàng không MAKS ở Mátxcơ va năm 2013.
Một máy phóng tên lửa Buk được trưng bày tại triển lãm hàng không MAKS ở Mátxcơ va năm 2013.

Giới chức Mỹ ngày 18/7 cho hay họ tin rằng chiếc Boeing 777 đã bị bắn rơi bởi một tên lửa Buk (SA-11), được bắn đi từ một khu vực do phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine. Đại sứ Mỹ Samantha Power tại Liên hợp quốc cáo buộc rằng Nga có thể đã trợ giúp kỹ thuật cho phe ly khai để vận hành các hệ thống.

Hệ thống Buk gồm 2 radar, một thiết bị chỉ huy và một máy phóng tên lửa. Giới chuyên gia nhận định rằng phe ly khai có thể không có đủ 2 radar khi vận hành hệ thống Buk, dẫn tới việc nhận dạng nhầm chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Ailrines.

Để hoạt động một cách chính xác, một bệ phóng Buk phải kết nối với một radar chỉ huy trung tâm để nhận dạng đúng loại máy bay mà hệ thống sẽ bắn.

Từ các thông tin có được cho tới nay, lực lượng ly khai dường như không có các hệ thống radar như vậy, Pavel Felgenhauer, một nhà báo quốc phòng uy tín của tờ Novaya Gazeta tại Mátxcơva, nhận định.

"Họ có thể dễ dàng mắc sai lầm nghiêm trọng và bắn hạ một máy bay chở khách, trong khi trên thực tế họ muốn bắn một hạ một máy bay vận tải Ukraine", ông Felgenhauer nói thêm.

Hãng tin RIA Novosti ngày 18/7 cũng dẫn lời ông Konstantin Sivkov, giám đốc Viện các vấn đề địa chính trị, cho hay các tên lửa Buk "cần được cung cấp với các hệ thống ngoài về nhận dạng mục tiêu, đó là các hệ thống định vị radio. Khi đó mới là một hệ thống toàn diện. Và phe ly khai chắc chắn không có hệ thống định vị radio".

Khi không có hệ thống như vậy , một tên lửa có thể được những người vận hành bắn đi mà hoàn toàn không chắc chắn đang nhắm vào cái gì.

"Chỉ nhìn thấy một đốm sáng trên màn hình radar là không đủ để đưa ra quyết định về mục tiêu", Keir Giles, một chuyên gia về các chương trình của Nga và Á-Âu tại Viện hoàng gia các vấn đề quốc tế, cho biết.

"Bạn cần một hệ thống radar bổ sung mà hệ thống vũ khí để kết nối để có thêm thông tin", ông Giles nói thêm.

Các thông tin trên mạng xã hội do phe ly khai đăng tải ngay sau vụ rơi máy bay cũng cho thấy họ tin rằng các máy bay dân sự đều tránh khu vực này và rằng mọi thứ trên không đều là của lực lượng thù địch.
 
Một máy phóng tên lửa Buk được trưng bày tại triển lãm hàng không MAKS ở Mátxcơ va năm 2013.
Hệ thống Buk gồm 2 radar, một thiết bị chỉ huy và một máy phóng tên lửa. Giới chuyên gia nhận định rằng phe ly khai có thể không có đủ 2 radar khi vận hành hệ thống Buk, dẫn tới việc nhận dạng nhầm MH17.

Nếu một tên lửa được bắn đi mà không cố gắng nhận dạng máy bay, việc phá hủy MH17 là một hành động bất cẩn tội ác, Tướng Robert Latiff, một quan chức về hưu của không quân Mỹ, cho hay.

Ông Latiff cho hay, các hãng hàng không thương mại thường hoạt động trên các tần số liên lạc công khai và phát các tín hiệu để nhận dạng chúng và cung cấp thông tin về độ cao cũng như tốc độ.

"Dường như phe nổi dậy không sử dụng các thông tin", ông Latiff nói.

"Tôi đoán rằng radar của hệ thống Buk nhìn thấy một máy bay "vận tải" lớn đang bay ở độ cao 4.500 m, và tự động bắn vì không muốn lỡ cơ hội. Có vẻ như họ đã không tìm kiếm các dữ liệu bổ sung trước khi khai hỏa", ông Latiff nói.

Ít cơ hội sống sót

Một quan chức NATO giấu tên cho hay một máy phóng Buk - phương tiện bánh xích tự đẩy giống xe tăng - thường nhận lệnh của một phương tiện chỉ huy riêng rẽ.

"Về lý thuyết, một phương tiện chỉ huy ấn định mục tiêu và ra lệnh cho các đơn vị bắn - máy phóng 1 hoặc máy phóng 2", quan chức NATO nói.

Khi bị bắn bởi một vũ khí mạnh như vậy, một chiếc máy bay Boeing thân rộng như vậy có rất ít cơ hội sống sót.

Edward Hunt, nhà tư vấn cấp cao tại tạp chí quốc phòng IHS Jane's, cho hay máy bay thương mại không phải là mục tiêu khó khăn cho ai biết vận hành một hệ thống tên lửa đất đối không.

"Một máy bay dân sự thường bay theo đường thẳng, không cố gắng thực hiện hành động trốn tránh. Thậm chí nó có thể còn không biết bị đưa vào tầm ngắm", ông Hunt nói.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Mỹ Samantha Power tại Liên hợp quốc cho hay một phóng viên đã nhìn thấy một hệ thống tên lửa Buk vào sáng sớm ngày 17/7 tại một khu vực do phe ly khai kiểm soát gần Snizhne và lực lượng ly khai được nhìn thấy vài giờ trước vụ rơi máy bay cùng một hệ thống Buk gần địa điểm máy bay gặp nạn.

Bà Power không tiết lộ danh tính phóng viên. Nhưng vào ngày 17/7, các phóng viên của AP đã nhìn thấy một máy phóng rocket gần Snizhne.

Lực lượng ly khai hôm 29/6 cũng khoe rằng họ đã thu giữ một số hệ thống hệ thống tên lửa Buk từ các kho vũ khí của Ukraine, mặc dù không cho biết số lượng và miêu tả tình trạng của chúng.

Chỉ vài tuần trước đó, lực lượng ly khai đã bắn rơi một máy bay vận tải quân sự Antonov 26 của Ukraine bay ở độ cao tới 7.500 m.

Nếu thảm họa MH17 là do bị nhận dạng nhầm, thì đây cũng không phải trường hợp đầu tiên như vậy.

Vào năm 1983, Liên Xô đã bắn một máy bay chở khách của hãng hàng không Hàn Quốc Korean Airlines, làm 269 người chết.

Năm 1988, một tàu chiến của Mỹ đã bắn rơi một máy bay của hãng hàng không Iran Air, làm 290 người chết, vì nhầm nó với một máy bay chiến đấu tấn công.

Vào tháng 10/2001, quân đội Ukraine đã vô tình bắn rơi một máy bay chở khách của hãng hàng không Siberian Airlines (Nga) trong một cuộc diễn tập, khiến 78 người thiệt mạng.

An Bình
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm