1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phát hiện bất ngờ khi Trung Quốc nghiên cứu hài cốt 14.000 năm tuổi

Thanh Thành

(Dân trí) - Các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm thấy mối liên hệ giữa ADN của một hài cốt người cổ đại trong hang động Vân Nam với tổ tiên người Mỹ bản địa, sau khi giải trình tự gen của hài cốt 14.000 năm tuổi.

Phát hiện bất ngờ khi Trung Quốc nghiên cứu hài cốt 14.000 năm tuổi - 1

Phân tích di truyền hộp sọ của người phụ nữ Mông Tự đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ với tổ tiên của những người Mỹ đầu tiên (Ảnh: SCMP).

Nội dung nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí trực tuyến Current Biology ngày 14/7.

Theo SCMP, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành giải trình tự bộ gen hài cốt 14.000 năm tuổi của người Mông Tự (MZR), vốn được khai quật vào năm 1989 trong một hang động ở Mông Tự, thuộc tỉnh Vân Nam. Người Mông Tự được xác định là người sinh sống khu vực phía Nam Đông Á và có bộ gen truyền lại tới dân số ngày nay.

Hơn 30 hóa thạch của con người, các loài động vật như hươu đỏ, khỉ đuôi dài và gấu đen, cũng được tìm thấy trong hang.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra sự phân chia gen rõ ràng trong các cư dân sinh sống tại Đông Á và Đông Nam Á, và sự phân hóa Nam - Bắc trong suốt giai đoạn cuối kỷ Pleistoscen.

Giáo sư Su Bing, thuộc Viện Động vật học Côn Minh ở Vân Nam thuộc Viện Khoa học Trung Quốc và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết đây là trình tự gen đầu tiên của ADN cổ đại từ Đông Á, có niên đại từ khi con người hiện đại di cư đến châu Mỹ khoảng 14.000 năm trước.

Ông Su và các đồng nghiệp đã thu thập các mẫu gen từ một hộp sọ được tìm thấy trong hang Red Deer ở Mông Tự vào năm 1989.

Hộp sọ này là của một phụ nữ trẻ Mông Tự cao khoảng 155 cm và nặng 46 kg, người "thực sự có mối quan hệ sâu sắc với những người đầu tiên đặt chân đến châu Mỹ", ông Su nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Trung Quốc.

Các cuộc khảo sát về gen của các quần thể hiện đại cho thấy người Mỹ bản địa ngày nay có khả năng đến từ Đông Á, nhưng bằng chứng trực tiếp ủng hộ lý thuyết này vẫn còn khan hiếm.

Ji Xueping, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết trong cùng cuộc phỏng vấn: "Hộp sọ có một số đặc điểm độc đáo, hơi khác với suy nghĩ của người Homo Sapiens vào thời điểm đó".

Hầu hết các mẫu ADN cổ đại đã bị hư hại nghiêm trọng. Nhóm của ông Su đã dành 3 năm để thu thập tài liệu từ hơn 100 điểm trên hộp sọ để có đủ số liệu cho việc giải trình tự gen.

Họ so sánh bộ gen của người phụ nữ trẻ Mông Tự với ADN cổ đại được thu thập trên khắp thế giới và nhận thấy cô có mối liên hệ chặt chẽ nhất với người châu Á hiện tại và người Mỹ bản địa.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy người Homo Sapiens đến Đông Nam Á từ châu Phi khoảng 60.000 năm trước và sau đó di chuyển lên phía bắc đến phần còn lại của Trung Quốc, thay thế các cộng đồng người sơ khai tại địa phương.

Nhà nghiên cứu Tabita Hunemeier tại Viện Sinh học Tiến hóa ở Tây Ban Nha, nói với trang New Scientist: "Công việc nghiên cứu này rất thú vị, vì nó cho thấy khu vực Đông Á có mối liên hệ với châu Mỹ thế nào".

Nhưng bà nói thêm rằng, có thể có một khả năng khác rằng một số thành viên của cộng đồng người sáng lập ở châu Mỹ đã tràn sang phía tây trở lại Đông Á.

Theo SCMP