Pháp - phao cứu đắm cuối cùng của Hy Lạp?
Tờ Le Figaro đưa tin, một nhóm 10 người thuộc Bộ Tài chính Pháp đã có mặt ở Athens để giúp Chính phủ Hy Lạp soạn ra các đề xuất phút chót, nhằm tránh nguy cơ phải rời khỏi khu vực đồng Euro.
Báo này còn cho hay, sáng ngày 8/7, một người thân cận với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã gọi điện cho các phóng viên Pháp ở Athens, tìm kiếm thông tin nội bộ về những gì Tổng thống Pháp Francois Hollande dự định sẽ thực hiện.
Sẽ không có gì ngạc nhiên khi ở thời điểm quan trọng này, Hy Lạp hướng về Pháp như một cơ hội cuối cùng còn lại. Và khi các chính phủ khác trong EU dần chấp nhận nguy cơ chia tay với Hy Lạp thì Pháp vẫn tin tưởng về một sự thỏa hiệp.
Ngày 8/7, ngay khi ông Tsipras phát biểu trước Quốc hội Châu Âu ở Strasbourg, Thủ tướng Manuel Valls đã nói tại một cuộc tranh luận ở Quốc hội Pháp rằng, giữ cho Hy Lạp ở EU là việc có "tầm quan trọng địa chính trị tối thượng", và rằng một thỏa thuận "nằm trong tầm tay".
Bộ trưởng Pháp Michel Sapin là người duy nhất trong những người cùng cấp của mình nêu ra vấn đề nợ Hy Lạp vốn rất gai góc. Đối với Tổng thống Hollande, những ngôn từ thường trực là "trách nhiệm và đoàn kết".
Tại sao như vậy?
Đối với phe đối lập chính trị ở Paris, câu trả lời rất rõ. Tổng thống Hollande "chiều chuộng" những người Hy Lạp vừa thoát khỏi khuynh hướng cánh tả, và bởi vì ông biết rằng Pháp cũng là một nước tài chính khó khăn.
Vì vậy, khi phần còn lại của châu Âu hô khẩu hiệu "Cải cách! Cải cách!" với Hy Lạp, thì Pháp chỉ nói những câu từ kiểu như trên.
Ít nhất, đó cũng là một trách nhiệm. Nhưng còn có điều sâu xa hơn thế.
Theo nhà bình luận Arnaud Leparmentier của báo Le Monde, Hy Lạp đã tạo ra những "cú rung siêu nhạy cảm trong tâm hồn phương Tây - đặc biệt là Pháp". Nói cách khác, một Hy Lạp mà các nhà hoạch định chính sách đang phải chịu khổ sở không phải là một nước thực sự, mà là một vùng đất tưởng tượng - "một chiếc gương phản chiếu những ảo ảnh của chính Pháp".
Một phần điều này mang tính văn hóa.
Khi Hy Lạp được chấp nhận vào năm 1981, EU lần đầu tiên vươn ra khỏi ranh giới của một châu Âu Công giáo cổ - Châu Âu của Charlemagne - để tiếp nhận chiếc nôi tiền Kitô giáo của lý trí và dân chủ. Lúc đó, Tổng thống Valery Giscard d'Estaing từng nói: "Bạn đừng để Plato phải chờ ở trước cửa".