1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phản ứng của thế giới quanh thất bại của đảng Cộng hòa

(Dân trí)- Chiến thắng vang dội của đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Quốc hội là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc Mỹ cần thay đổi chiến lược tại Iraq và tập trung hơn nữa vào các chính sách thương mại.

Không ít người coi đây là đòn giáng mạnh vào những năm cầm quyền cuối cùng của tổng thống Bush. “Mặc dù nhiệm kỳ tổng thống chưa kết thúc vào năm tới, nhưng tôi nghĩ ông Bush đang phải đối mặt với thời gian còn lại hết sức khó khăn”, Yuzo Yamamoto, một nhà quản lý Nhật Bản đánh giá.

 

Nhiều nhà quan sát cũng nhận định cuộc chiến đẫm máu tại Iraq là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của đảng Cộng hoà. “Cử tri đã trừng phạt đảng Cộng hòa. Họ không bằng lòng với cách thức giải quyết tình hình Iraq của bộ máy lãnh đạo”, Chandra Muzaffar, chủ tịch tổ chức tư vấn chính trị Phong trào quốc tế vì một thế giới công bằng của Malaysia(International Movement for a Just World) phát biểu.

 

Dư luận một số quốc gia Hồi giáo chỉ trích mạnh mẽ chính sách mà tổng thống Bush và đảng của ông đã tiến hành trong mấy năm qua: “Đảng Cộng hòa đã thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội vì cử tri đã quá chán nản và mệt mỏi với chiến tranh”, giáo sỹ Vitaya Wisetrat, một người nổi tiếng vì quan điểm chống Mỹ tại Thái Lan, nói.  “Người Mỹ bây giờ đã hiểu ra rằng Bush là kẻ nói dối trắng trợn”.

 

Nghị sỹ quốc hội Indonesia, Ahmad Sumargono thì tỏ ý hy vọng kết quả bầu cử này sẽ thúc đẩy chính quyền Mỹ điều chỉnh chính sách về Iraq và các lĩnh vực khác. “Tôi lạc quan tin rằng người Mỹ đã nhận ra những sai lầm của ông Bush trong chính sách đối ngoại. Tôi hy vọng điều đó sẽ dẫn tới những thay đổi quan trọng, đặc biệt là đối với Trung Đông”.

 

Cựu Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Afghanistan, ông Abdul Hamid Mubarez thì bày tỏ tin tưởng chiến thắng của đảng Dân chủ sẽ dẫn tới việc nước  ông nhận được nhiều viện trợ tái thiết hơn.

 

Thế nhưng việc tái cơ cấu cán cân quyền lực trong giới lãnh đạo Mỹ có thể khiến cho một số đồng minh chủ chốt của họ tại châu Á lo ngại, đặc biệt là Nhật Bản và Australia, những nước ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến chống Iraq. Tuy vậy theo giáo sư Michael McKinley của ĐH quốc gia Australia, rất ít khả năng sẽ có một sự thay đổi lớn tại Iraq. “Nếu đảng Dân chủ nói: “Chúng ta sẽ rút quân trước dịp lễ Noel” thì có lẽ sẽ có một số thay đổi về chính sách. Thế nhưng là họ đã không hề nói như vậy”. Theo GS McKinley, thực tế thì “đảng Dân chủ đã nhận định rằng chưa thể có những thay đổi cơ bản trong một số lĩnh vực chiến lược và đối ngoại”.

 

Đối với vấn đề CHDCND Triều Tiên, chưa có gì chắc chắn chính sách của Mỹ sẽ có những thay đổi lớn. Chuyên gia về CHDCND Triều Tiên Kim Tae-woo của Viện phân tích quốc phòng Hàn Quốc đánh giá chính quyền Bush sẽ không điều chỉnh lập trường đối với nước này trong hai năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống, vì đây không phải là vấn đề được đề cập đến nhiều trong cương lĩnh tranh cử của cả hai đảng. “Chính quyền Bush sẽ không cần phải thay đổi quan điểm đối với vòng đàm phán sáu bên”, Kim nhận định.

 

Đối với nhiều nước, chiến thắng tại Hạ viện và có khả năng cả Thượng viện có thể thúc đẩy Mỹ tập trung hơn với các vấn đề gây tranh cãi như nhân quyền, thương mại và lao động. Về khía cạnh này, có lẽ Trung Quốc sẽ phải lo ngại hơn cả vì giữa hai nước đang tồn tại nhiều khúc mắc xung quanh việc xuất siêu quá lớn của Trung Quốc sang Mỹ. “Đảng Dân chủ sẽ bảo hộ quyền lợi nhiều hơn cho các doanh nghiệp cỡ nhỏ và trung bình. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh tới quan hệ thương mại Trung-Mỹ”, Zhang Guoqing, nhà nghiên cứu của Viện khoa học xã hội Trung Quốc nhận định.

 

Tại Nhật Bản, chính phủ nước này cho rằng kết quả bầu cử Quốc hội Mỹ sẽ không làm thay đổi mối quan hệ nồng ấm giữa hai nước. Tuy nhiên, vai trò của đảng Dân chủ trong chính quyền được củng cố sẽ buộc Tokyo phải có một số điều chỉnh nhất định. Trước kia, Nhật thiên về quan hệ với Nhà Trắng, thế nhưng, “đã đến lúc Nhật phải tập trung nhiều hơn cho Quốc hội”, Tsuneo Watanabe, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu Mitsui nói.

 

Ngọc Nhàn