Phân tích khả năng 2 tàu Mistral “đi đường vòng” về Nga
Một nhà báo Pháp vừa đưa ra một tuyên bố là Paris sẽ phải bán hạ giá tàu Mistral, đồng thời có khả năng nó sẽ “đi đường vòng” về Nga.
Người thực sự muốn mua không nhiều, Pháp sẽ bị ép giá?
Ngày 9-8, nhà báo nổi tiếng của Pháp Jacques Martin viết trên tờ Boulevard Voltaire của Pháp rằng, rất có thể chính phủ Pháp sẽ buộc phải bán lại các tàu đổ bộ trực thăng Mistral với mức giá hạ thấp hơn rất nhiều giá trị thực của nó, sau khi hợp đồng với Moscow bị hủy.
Ông Martin chỉ ra rằng, trái ngược tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Jean-Yves Le Drian về việc có nhiều ứng viên muốn mua Mistral, chẳng thấy ai trong họ “đang chen chân trên bến tàu”. Theo nhà báo Pháp thì điều này hoàn toàn hợp qui luật.
“Câu hỏi đáng được đặt ra là làm thế nào để bán những con tàu với các khoảng trống lớn vì thiết bị của Nga được tháo dỡ, đồng thời phải sửa lại toàn bộ ký hiệu, chữ viết trên trang thiết bị, ngôn ngữ trong phần mềm phù hợp với ngôn ngữ khách hàng mới?” - ông Martin viết.
Nhà báo Jacques Martin nhận định, Pháp sẽ không thể bán nổi 2 tàu đổ bộ trực thăng Mistral nếu không có sự giảm giá mạnh.
Trên thực tế mặc dù có thể nhiều nước nhắc đến Mistral nhưng số nước thực sự muốn mua chúng sẽ không nhiều, bởi ngoài những vấn đề ông Martin nói ở trên, khách hàng mua Mistral còn cần rất nhiều yếu tố khác mà không nhiều nước trên thế giới có thể đáp ứng.
Điều quan trọng nhất là những nước này phải có chiến lược quân sự toàn cầu chiến lược xây dựng lực lượng hải quân biển và dĩ nhiên là có một ngân sách quốc phòng dồi dào, bởi họ cần mua ngay lập tức 16 chiếc trực thăng tấn công và vận tải, cùng các tàu đổ bộ cao tốc và đệm khí…
Mistral sẽ phải có 1 biên đội tàu hộ tống khá lớn
Đồng thời, việc Mistral cơ bản không có khả năng tự bào vệ buộc các nước này phải sắm thêm 1 biên đội tàu hộ vệ, tàu khu trục, tàu bổ trợ viễn dương có khả năng chống ngầm, chống hạm và phòng không để bảo vệ nó. Ngoài ra, việc xây dựng các cơ sở hạ tầng để làm căn cứ tàu cũng tốn khoản tiền kha khá.
Tất cả những khoản chi này cùng với chi phí mua và sửa chữa tàu có thể khiến khách hàng của Mistral phải bỏ ra tới 5 tỷ USD. Đây là con số rất lớn đối với các quốc gia nghèo và hoàn toàn không nhỏ đối với cả những cường quốc, do xu hướng cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Bởi vậy, cái danh sách “hàng chục nước muốn mua Mistral” mà Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố là quá ảo. Thực sự chỉ có Canada, Ấn Độ, Trung Quốc, Saudi Arabia, Brazil… là có đủ tiềm lực.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những thông tin từ trước đến nay truyền thông đã đồn thổi chứ các quốc gia lớn mà Pháp đề cập đều đã lên tiếng phủ nhận khả năng mua lại 2 tàu đổ bộ trực thăng loại này. Xét theo logic kinh tế, đây là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Những quốc gia này có tiềm lực tài chính dồi dào, tiền không phải là vấn đề đối với họ, nếu thực sự cần họ đã tự đặt mua những tàu Mistral phù hợp với yêu cầu tác chiến của mình, chứ không dại gì mua 2 chiếc tàu “dở dở ương ương” đóng cho Nga về rồi phải sửa.
Các nước có điều kiện kinh tế mới có thể sắm được Mistral
Giả thiết về việc các tàu này “đi đường vòng” trở về Nga
Nhà báo Jacques Martin cũng đưa ra một giả thuyết là, rất có thể người mua mới có khả năng bán lại các tàu đổ bộ này cho Moscow.
Ông Martin cho rằng, giả sử là Canada, một thành viên của NATO, họ sẽ giữ lại Mistral nhưng nếu người mua mới là Trung Quốc, nước cùng với Nga đã lập ra SCO vào năm 2001 nhằm đối phó những ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á, rất có thể họ có khả năng sẽ bán lại các tàu cho Moscow với giá hời.
Nhà báo này nhận định, rất có khả năng Nga sẽ mua được 2 tàu Mistral này với mức giá còn thấp hơn như dự kiến trong hợp đồng ký với Pháp, nếu như trong tương lai gần Moscow vẫn chưa tự đóng các tàu tương tự. Tuy nhiên, xét về bản chất, khả năng này rất khó có thể xảy ra.
Thứ nhất là nếu đồng minh của Mỹ như Canada, Saudi Arabia mua Mistral, lẽ tất nhiên là họ sẽ không bán và không được phép bán lại cho Nga. Ngay cả Pháp cũng phải chấm dứt hợp đồng với Nga thì ai dám bán “sang tay” cho Moscow?
Theo Thiên Nam
Đất Việt