1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phần Lan có khiến Nga đau đầu

Dù vẫn có mối quan hệ khá tốt với Nga nhưng những bước chuyển mình nghiêng về phương Tây của Phần Lan đang khiến Nga đau đầu.

Thử thách "bằng hữu"

Mới đây, Phần Lan - nước không phải là thành viên của khối quân sự Bắc Đại Tây Dương và từ lâu nay vẫn giữ quan điểm trung lập, điều hòa khá tốt mối quan hệ với Nga và Liên minh châu Âu, đã tuyên bố để ngỏ khả năng đưa hồ sơ gia nhập NATO.

Bàn về việc Phần Lan gia nhập NATO, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh rằng, Moscow không có quyền phản bác và sẽ tôn trọng mọi quyết định của Helsinki về vấn đề này. Nhưng nếu Phần Lan gia nhập NATO, Nga sẽ buộc phải tái bố trí quân gần biên giới.

Đây là tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông thẳng thắn đề cập đến vấn đề Phần Lan gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương trong cuộc họp báo với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto.

Ông Putin nói rằng, hiện nay Nga đánh giá rất cao tình trạng trung lập của Phần Lan, tuy nhiên, nếu nước này gia nhập NATO thì chỉ sau một đêm các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Nga sẽ có mặt tại biên giới giữa hai nước, bởi Moscow phải bảo vệ an ninh quốc gia của mình.

Hệ thống tên lửa Iskander của Nga.
Hệ thống tên lửa Iskander của Nga.

Tổng thống Nga Putin lấy ví dụ ý kiến phát biểu của một trong những người bạn Phần Lan của ông rằng, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương là tổ chức giữ mối thù địch với Liên bang Xô Viết và sau này là Liên bang Nga suốt từ khi khối này được thành lập cho đến nay.

Ông Putin nhấn mạnh, NATO sẽ đấu tranh với Nga cho đến… người lính Phần Lan cuối cùng, cũng như họ đã lợi dụng nhiều người dân nước khác. "Các bạn có cần điều đó hay không? Chúng tôi thì không" - Tổng thống Nga cho biết.

Ông Putin lưu ý rằng NATO đang thực hiện các bước đi đầy nguy hiểm nhằm gia tăng căng thẳng ở khu vực châu Âu. Đặc biệt là việc bố trí ở Romania và Ba Lan các hệ thống radar và tên lửa đánh chặn được thiết kế để triệt tiêu tiềm năng hạt nhân của Nga, nhưng núp dưới danh nghĩa đối phó với các tên lửa đạn đạo từ tận Triều Tiên hay Iran.

Đồng thời NATO đang tiến về phía đông, tăng cường thêm quân lính và các thiết bị quân sự đến Ba Lan và Baltic, áp sát biên giới của Nga với lý do bảo đảm an ninh cho châu Âu, nhưng kỳ thực là siết chặt vòng vây xung quanh Nga nhằm làm Nga sụp đổ.

Do đó, nếu các nước láng giềng xung quanh Nga gia nhập NATO tức là đang mang hiểm họa đến sát biên giới nước Nga, gây nguy hiểm cho an ninh của Nga. Đương nhiên là Moscow không thể khoanh tay đứng nhìn và sẽ có những động thái đáp trả.

Được biết, quan hệ giữa Phần Lan và Liên Xô/Nga thuộc loại tốt nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay. Phần Lan là một trong số ít nước phương Tây không gia nhập NATO và duy trì quan hệ hợp tác kinh tế, kỹ thuật với Liên Xô trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Và Phần Lan vẫn tiếp tục duy trì quan hệ tốt với nước Nga sau khi Liên Xô tan rã. Thậm chí, sau cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine dẫn tới việc Mỹ và Liên minh châu Âu ban hành các lệnh trừng phạt Moscow, Helsinki vẫn giữ chính sách đối ngoại tương đối độc lập.

Phần Lan không đáp trả lệnh cấm nhập khẩu nông sản của châu Âu vào Nga mà Điện Kremlin đã ban bố, mặc dù họ cũng nằm trong phạm vi đối tượng đó. Nước này cũng đã tỏ rõ thái độ không ủng hộ gia hạn hay tăng thêm lệnh trừng phạt đối với Moscow.

Thậm chí, Helsinki còn khuyến cáo Liên minh châu Âu cần phải đánh giá lại tác dụng của lệnh trừng phạt hiện hành và tìm biện pháp thỏa đáng để giải quyết tình hình. Do đó, Nga vẫn cho phép các doanh nghiệp Phần Lan có cơ sở sản xuất ở nước này tiếp tục các hoạt động kinh doanh.

Mua sắm quốc phòng

Chính mối quan hệ tốt đẹp với Liên Xô trước kia và Nga hiện nay, Phần Lan đã trở thành một trong những quốc gia mua và sử dụng nhiều các loại vũ khí do Liên Xô sản xuất, trong số đó có máy bay chiến đấu MiG-21, trực thăng Mi-8, một số loại tên lửa không đối không.

Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ, quân đội Phần Lan đã tự sản xuất một phần nhỏ vũ khí và quay sang mua sắm các loại vũ khí do phương Tây sản xuất, điển hình trong đó là hợp đồng mua 64 chiếc F/A-18C Hornet D của Hãng McDonnell trong năm 1992...

Hệ thống pháo Nemo của Phần Lan.
Hệ thống pháo Nemo của Phần Lan.

Nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chính phủ Phần Lan có ý định quay trở lại sử dụng hệ thống tên lửa chiến thuật giá rẻ của Nga. Khả năng này có thể xảy ra sau khi chính phủ Phần Lan quyết định cắt giảm hơn 3 tỷ USD dành cho chi tiêu công nhằm chế ngự nguy cơ nợ công đang ngày càng tăng cao của quốc gia này.

Theo các quan chức Phần Lan, họ đang tìm giải pháp chi tiêu có hiệu quả hơn cho chương trình mua sắm các hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS MGM-140 của Tập đoàn Lockheed Martin, Mỹ.

Bộ Quốc phòng Phần Lan đã dành khá nhiều sự quan tâm cho chương trình mua sắm hệ thống ATACMS trong thời gian gần đây, vào đầu tháng 1 năm nay, bộ này đã dành riêng số tiền 140 triệu USD cho chương trình.

Koski cho biết, hiện tại chính phủ Phần Lan có thể sẽ tìm một giải pháp khác hiệu quả hơn cho chương trình mua sắm các tên lửa chiến thuật nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả trong sử dụng và giá thành hợp lý.

Nước này còn để ngỏ khả năng quay trở lại sử dụng các hệ thống vũ khí của Nga một phần là do có giá thành thấp cũng như sử dụng công nghệ tương tự so với tên lửa của Mỹ nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu đề ra.

Khả năng một quốc gia trung lập như Phần Lan sở hữu các loại vũ khí do Nga chế tạo hoàn toàn có thể thành hiện thực, sau khi một thỏa thuận được ký kết giữa hai nước vào tháng 6 năm ngoái trong khuôn khổ hợp tác mua bán vũ khí giữa hai bên. Ngoài ra, Phần Lan còn dành được một số hợp đồng phụ cho chương trình hiện đại hóa quân đội của Nga.

Thỏa thuận trên đã đạt được sau các cuộc đàm phán giữa Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong chuyến thăm vào tháng 5 năm ngoái.

Trong những tháng tiếp theo sau đó hai bên đều thành lập các nhóm nhóm làm việc riêng biệt ở mỗi nước để khảo sát và đánh giá tiềm năng hợp tác thương mại trong ngành công nghiệp quốc phòng giữa Nga và Phần Lan trong các lĩnh vực thế mạnh của mỗi nước.

Theo đó phiên bản xuất khẩu của tên lửa chiến thuật Iskander-E của Nga cũng nằm trong danh mục các hệ thống vũ khí mà nước này muốn bán cho Phần Lan và Iskander-E có đủ khả năng cạnh tranh với tên lửa ATACMS của Mỹ. Với chi phí và giá thành thấp hơn nhiều so với ATACMS, đây là một lựa chọn tốt cho Chính phủ Phần Lan trong bối cảnh hiện tại.

Quân đội Phần Lan trước đây đã có truyền thống sử dụng các hệ thống vũ khí do Liên Xô chế tạo nhất là sau khi Liên Xô sụp đổ.

Nước này đã mua lại một số lượng không nhỏ các máy bay chiến đấu MiG-21, trực thăng Mi-8 và hệ thống phòng không tầm trung BUK. Hiện tại các hệ thống phòng không BUK gần như đã lỗi thời và được thay thế bằng các hệ thống tên lửa phòng không NASAMS II do Na Uy phát triển được đưa vào sử dụng vào năm 2015.

Sau năm 1991, Phần Lan đã bắt đầu chuyển sang sử dụng các hệ thống vũ khí do Phương Tây chế tạo điển hình trong đó là hợp đồng mua 64 chiếc F/A-18C Hornet D của Hãng McDonnell trong năm 1992.

Cùng với mua sắm, công nghiệp quốc phòng Phần Lan cũng có những sản phẩm quốc phòng đình đám như hệ thống pháo Nemo đầy uy lực. Hệ thống pháo Nemo do công ty Công nghiệp Quốc phòng Patria của Phần Lan sản xuất. Nemo là hệ thống pháo cối tự động, thành phần chính của hệ thống này là một pháo cối 120mm nòng trơn.

Khả năng đặc biệt làm nên sức mạnh của Nemo là nòng pháo cối của nó có thể hoạt động như một khẩu pháo trên xe tăng (quay 360 độ và bắn ngang) nhằm tiêu diệt các loại xe thiết giáp hoặc phương tiện di chuyển khác của đối phương.

Chính đặc điểm này khiến các hệ thống Nemo trở thành thành tố quan trọng nếu cần thiết lập một hệ thống phòng ngự.

Clip hệ thống pháo Nemo của Phần Lan:

Theo Tuấn Hưng

Đất Việt