1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhà tư tưởng hàng đầu thế giới Robert D. Kaplan:

Phải nhìn nhận âm mưu của Trung Quốc ở Biển Đông thế nào?

Tờ Globe and Mail (Canada) vừa đăng tải một bài phỏng vấn Robert D. Kaplan - nhà phân tích và nhà hoạch định chính sách nổi tiếng về Biển Đông và tham vọng của Trung Quốc.

PetroTimes xin lược dịch và trân trọng giới thiệu với bạn đọc quan điểm của vị học giả từng được Tạp chí Chính sách đối ngoại (The Foreign Policy) của Mỹ bình chọn là một trong 100 nhà tư tưởng hàng đầu về những vấn đề có tầm vóc toàn cầu (Top 100 Global Thinkers), tác giả của những cuốn sách “Chảo dầu sôi của châu Á”, "Bóng ma Balkan"...

Robert D. Kaplan và bìa cuốn sách Chảo dầu sôi của châu Á của ông

Robert D. Kaplan và bìa cuốn sách "Chảo dầu sôi của châu Á" của ông

Tại sao ông lại coi Biển Đông là một mảnh ghép quan trọng hơn của bức tranh địa chính trị toàn cầu?

Biển Đông đối với Trung Quốc cũng giống như Caribbean mở rộng (Greater Caribbean) đối với Mỹ trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Mỹ đã trở thành một siêu cường có sức mạnh địa chính trị rất lớn nhờ thống trị được vùng biển Caribbean. Một khi họ có thể làm được điều đó, họ có thể thống trị cả Tây Bán cầu, và thống trị được Tây Bán cầu là họ có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng quyền lực ở Đông bán cầu. Những điều đó đã được thể hiện qua các cuộc chiến tranh thế giới và Chiến tranh Lạnh.

Nếu Trung Quốc giành được sự thống trị ở vùng biển này, họ có thể vươn ra ngoài Thái Bình Dương rộng lớn hơn, qua eo biển Malacca và nhập vào Ấn Độ Dương – huyết mạch giao thương năng lượng toàn cầu, nơi dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Trung Quốc đi qua để đến các khu vực của châu Á. Vì vậy, Biển Đông là một công cụ thực sự lớn. Ngoài ra, nếu Trung Quốc có thể thống trị Biển Đông, họ có thể sẽ tiến hành hiệu quả chiến lược kiểu “Phần Lan hóa” (Finlandize) các quốc gia như Việt Nam và Philippines, từ đó ảnh hưởng đến cân bằng quyền lực ở châu Á.

Xin ông nói rõ hơn là chiến lược kiểu “Phần Lan hóa”. Phải chăng đó là chiến lược lớn của Trung Quốc?

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã thực hiện thành công chiến lược “Phần Lan hóa”. Về cơ bản, Phần Lan vẫn là nước dân chủ, tự do nhưng lại bị hạn chế về chính sách đối ngoại do ảnh hưởng của Liên Xô. Vì vậy mà Phần Lan không thể gia nhập NATO hay làm những việc khác mà có thể làm suy yếu lợi ích của Liên Xô.

“Phần Lan hóa” trong trường hợp của Việt Nam, Philippines và Malaysia sẽ vẫn tồn tại trên danh nghĩa độc lập, nhưng các thông số chính sách đối ngoại của họ về cơ bản sẽ được hoạch định ở Bắc Kinh. Chiến lược này cũng sẽ mang lại cho Trung Quốc hai đến ba bước tiến dài để thống trị Đài Loan.

Tại sao Trung Quốc bất ngờ leo thang căng thẳng với các nước láng giềng?

Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai và trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các quốc gia ven Biển Đông tập trung vào các vấn đề nội bộ. Trong nhiều thập kỷ, các nước này không thể triển khai sức mạnh ra bên ngoài. Nhưng tất cả đã thay đổi. Bây giờ họ đang xây dựng lực lượng không quân và hải quân lớn hơn. Họ bắt đầu xung đột với nhau về việc ai sở hữu cái gì ở Biển Đông.

Một nguyên nhân khác dẫn đến việc vấn đề tranh chấp Biển Đông trở nên căng thẳng là Trung Quốc. Như chúng ta đã biết, Bắc Kinh không còn giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế hai con số hết năm này qua năm khác như thời gian trước nữa. Kết quả là Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một số vấn đề bất ổn hơn ở trong nước và một trong những cách để một nước đối phó với sự bất mãn về kinh tế và chính trị là khơi lên chủ nghĩa dân tộc. Đó chính là những gì mà Bắc Kinh đang làm. Càng có thái độ quyết đoán (hung hăng), các nhà lãnh đạo Trung Quốc càng gặt hái được nhiều sự ủng hộ hơn từ công chúng. Bạn biết đấy, thậm chí cả những kẻ chuyên quyền cũng phụ thuộc vào quan điểm của công chúng trong thế kỷ 21 này.

Như vậy, không thể tránh khỏi một thực tế là nước Mỹ sẽ quay trở lại khu vực này?

Vâng. Những gì mà chính sách của Mỹ đã làm là điều hướng giữa hai thái cực. Một mặt Mỹ phải ra sức ngăn chặn việc Trung Quốc “Phần Lan hóa” các quốc gia ven Biển Đông, nhưng mặt khác, Washington cố gắng tránh một chiến tranh đối đầu với Trung Quốc, bởi vì mối quan hệ Mỹ - Trung là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới và vẫn sẽ là như thế trong tương lai gần.

Điều này giải thích tại sao Mỹ phải bảo vệ các đồng minh hiệp ước của mình, như là Philippines, nhưng lại không cho phép Manila lôi kéo mình vào một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc. Đây là một khó khăn và là một thách thức hiện tại với Mỹ, đặc biệt là với Bộ Quốc phòng Mỹ.

Liệu có phải Mỹ đang có chiến lược sắp xếp các quốc gia ven Biển Đông thành một khối chống Trung Quốc không?

Mỹ phải cho thấy là hải quân của họ sẽ không rút lui, mà thậm chí sẽ còn tăng cường sự hiện diện ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Washington phải cho thấy là họ đang chuẩn bị đẩy lùi ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực đến một mức độ nào đó mà không lún vào một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc. Một thách thức thực sự với Lầu Năm Góc là làm chậm lại quá trình trở thành một cường quốc quân sự thống trị của Trung Quốc ở Nam Á. Đơn giản là vì bạn không thể ngăn chặn một điều gì đó đang xảy ra không có nghĩa là bạn không thể trì hoãn nó trong 10 đến 15 năm. Trong thời gian một hoặc một thập niên rưỡi đó, toàn thế giới có thể thay đổi. Ở Trung Quốc có thể sẽ xảy ra một cuộc nổi loạn nội bộ do khủng hoảng kinh tế, hay tính chất của hệ thống cầm quyền Trung Quốc có thể sẽ thay đổi.

Ông nghĩ sao về việc nguy cơ căng thẳng trong tương lai có thể xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc, chứ không phải là Mỹ và Trung Quốc?

Điều này có thể xảy ra.Philippines có thể là một đồng minh hiệp ước của Mỹ, như Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng Philippines rất yếu về mặt thể chế và thực lực quân sự. Nhưng Việt Nam thì khác, họ mạnh mẽ hơn. Vả lại Việt Nam có một truyền thống lâu đời và lịch sử xung đột với Trung Quốc. Những gì Việt Nam đang cố gắng làm là tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế cả về quan điểm lẫn các sự hỗ trợ khác, trong trò chơi quyền lực với Trung Quốc.

Theo Linh Phương (lược dịch)
PetroTimes