Pakistan cấm bộ trưởng rời nước, bác tin đồn đảo chính
(Dân trí) - Một phát ngôn viên của Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã phủ nhận những tin đồn về một vụ đảo chính, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng bị tòa cấm rời đất nước vì những cáo buộc tham nhũng.
Căng thẳng chính trị tại Pakistan tăng cao kể từ hôm thứ tư vừa qua, khi Tòa án Tối cao bác bỏ lệnh ân xá vào năm 2007, lệnh đã bảo vệ cho ông Zardari, nhiều bộ trưởng, và hàng ngàn người khác, khỏi những cáo buộc tham nhũng.
Một phát ngôn viên của cơ quan chống tham nhũng nhà nước hôm qua cho hay khoảng 248 người có tên trong danh sách những người bị cấm rời nước. Tuy người phát ngôn cơ quan chống tham nhũng không nói rõ tên của bất kỳ ai nhưng người phát ngôn của Tổng thống cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Chaudhry Ahmed Mukhtar nằm trong số đó.
“Tên của Bộ trưởng Quốc phòng không may có trong danh sách đó và ông không được phép rời nước”, người phát ngôn Farhatullah Babar cho hay. Ông Babar cho biết thêm Bộ trưởng Mukhtar đã bị chặn lại khi đang trên đường tới Trung Quốc vào cuối ngày hôm qua.
Tin đồn về một cuộc đảo chính có vẻ như bắt đầu “lan tỏa” khi đại sứ Pakistan tại LHQ, ông Husain Haqqani, cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn với CNN rằng, ông hi vọng sẽ không có đảo chính.
“Dĩ nhiên không có cuộc đảo chính nào”, Babar cho biết tại Islamabad, nơi cuộc sống vẫn diễn ra, không có dấu hiệu bất thường nào trong những giờ trước bình minh.
Quân đội, nắm quyền hơn một nửa thời gian trong lịch sử 62 năm của Pakistan, tiến hành cuộc đảo chính gần đây nhất là năm 1999.
Người đứng đầu quân đội, Tướng Ashfaq Kayani, đã cam kết đứng ngoài chính trường, nhưng giới phân tích cho rằng quân đội sẽ can thiệp nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mukhtar hiện chưa có bình luận gì về lệnh cấm nhưng người phát ngôn Babar cho hay Bộ trưởng phủ nhận cáo buộc đối với ông.
Bộ trưởng Nội vụ Rehman Malik cũng nằm trong danh sách những người được ân xá vào năm 2007.
“Động cơ chính trị”
Trong danh sách được ân xá vào năm 2007, còn có ông Zardari. Tuy nhiên, hiện ông không thể bị truy tố, do được bảo vệ bởi luật miễn trừ truy tố đối với tổng thống.
Lệnh ân xá được cựu Tổng thống Pervez Musharraf ban hành và nằm trong thỏa thuận chia sẻ quyền lực với người vợ quá cố của ông Zardari, cựu Thủ tướng Benazir Bhutto. Thỏa thuận được Mỹ và Anh ủng hộ.
Khi lệnh ân xá được ban hành, bà Bhutto đã trở lại Pakistan sau nhiều năm sống lưu vong. Nhưng bà đã bị ám sát vài tuần sau đó, trong khi đang tranh cử cho cuộc tổng tuyển cử mà bà có nhiều khả năng giành chiến thắng.
Sau đó, ông Zardari đã dẫn dắt đảng của bà Bhutto đến chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 2/2008 và trở thành Tổng thống sau khi ông Musharraf từ chức vào cuối năm đó.
Tuy nhiên, hình ảnh của ông từ lâu đã bị “lu mờ” bởi cáo buộc về những hợp đồng “đen” trong 2 nhiệm kỳ vợ ông làm thủ tướng những năm 1990.
Ông khẳng định những cáo buộc nhằm vào ông là mang động cơ chính trị. Ông chưa bao giờ bị kết tội mặc dù đã phải ngồi tù 11 năm.
Trong khi đó người phát ngôn Babar cũng khẳng định không có chuyện tổng thống sẽ từ chức.
Viễn cảnh chính trị ở Pakistan trở nên bất ổn đúng vào thời điểm Mỹ hối thúc nước này đối phó với tàn quân Taliban ở vùng biên giới Afghanistan.
Phan Anh
Theo Reuters