Ông Trump và những thành công của chiến lược “Nước Mỹ trên hết”
(Dân trí) - Chiến lược “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump đã gây ra những chuyển động lớn và gặt hái những thành công. Tuy nhiên, điều này chưa có gì đảm bảo chắc chắn cho cơ hội đắc cử nhiệm kỳ hai của ông.
Trong nhiệm kỳ gần 4 năm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ghi dấu ấn của riêng mình, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, với chính sách nhất quán “Nước Mỹ trên hết”. Đánh giá một cách công bằng, ông Trump đã đạt được những thành công trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại kể từ khi nhậm chức.
Với chính sách bảo hộ kinh tế, tăng chi tiêu cho xây dựng cơ sở hạ tầng và cho chính phủ, giảm thuế và nới lỏng quy định kiểm soát doanh nghiệp, rút khỏi hoặc bỏ qua các hiệp định thương mại đa phương…, ông Trump đã ghi được bảng thành tích kinh tế khá tốt. Kinh tế Mỹ được đánh giá là đang ở giai đoạn tốt nhất trong hai thập niên qua, niềm tin của người tiêu dùng, giới doanh nghiệp tăng lên, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán ở mức cao nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục.
Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 2,3%, cao hơn nhiều so với 1,5% năm 2016. Năm 2018, Mỹ tăng trưởng 2,9%, gần đạt so với mục tiêu đặt ra khi ông Trump tranh cử. Năm 2019, Mỹ tăng trưởng kinh tế 2,3%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm, vào tháng 10/2018, chỉ còn 3,7%, mức thấp nhất trong 50 năm.
Năm 2020, kinh tế Mỹ bước vào suy thoái do đại dịch Covid-19, nhưng các chuyên gia tin tưởng rằng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi mạnh mẽ trở lại từ năm 2021. Theo đó, GDP sẽ giảm 5,7% trong năm 2020, nhưng sau đó sẽ tăng 4% trong năm 2021 và tăng 2,8% trong năm 2022. Cùng với hồi phục tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm dần trong năm 2021 và các năm tiếp theo. Ước tính tỷ lệ thất nghiệp trong quý IV/2020 sẽ là 9,5% và đến cuối năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp có thể chỉ còn 7%.
Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Mỹ đang ở mức cao nhất, chỉ số công nghiệp Dow Jones cao hơn khoảng 33% so với đỉnh dưới thời Tổng thống Obama (10/2018). Ngay trong đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Chỉ số Dow Jones lập mức kỷ lục, tăng 454,84 điểm (1,59%), lên 29.100,5 điểm (vào tháng 9/2020). Cổ phiếu công nghệ của Mỹ hiện có giá trị lớn hơn toàn bộ thị trường chứng khoán châu Âu. Thành tích kinh tế này trái ngược với đà đi xuống của kinh tế Trung Quốc, cũng như thực trạng tương đối ảm đạm của hầu hết các nền kinh tế lớn khác.
Ông Trump có những thành công nhất định về chính trị, xã hội khi xác lập “giá trị bảo thủ” và tìm cách đẩy lui các “giá trị tự do” Mỹ. Ngay đầu nhiệm kỳ, ông Trump đã tiến hành cải cách bộ máy, bổ nhiệm thẩm phán mới, cách chức nhiều quan chức chính phủ, cải tạo bộ máy quan liêu, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Với tác phong và cách làm “phi truyền thống”, ông Trump chống lại đến cùng lợi ích nhóm vốn bám dễ quá sâu vào thiết chế đã định hình.
Ông Trump mạnh tay rút Mỹ khỏi các thiết chế/cam kết được cho là không cần thiết, vượt quá khả năng của Mỹ như Thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp định chống biến đổi khí hậu… Mặt khác, ông thúc đẩy tiến hành đàm phán các hiệp định/thoả thuận mới, như hiệp định thương mại giữa Mỹ với Mexico và Canada (USMCA), Mỹ-Hàn Quốc (KORUS), Mỹ-Nhật Bản, đàm phán song phương với Liên minh châu Âu...
Với Trung Quốc, trong khi các tổng thống tiền nhiệm hoặc né tránh, hoặc không có một chiến lược rõ ràng đối phó với nước này thì ông Trump lại có chiến lược hết sức rõ ràng, đặt Mỹ trong vai trò chủ động cạnh tranh chiến lược, đối đầu trực diện, tìm cách làm suy yếu đối phương về mọi mặt, duy trì được địa vị siêu cường số một thế giới của Mỹ.
Ông Trump cũng thành công trong việc yêu cầu quốc hội chi ngân sách xây tường biên giới với Mexico, kiểm soát rất chặt chẽ người nhập cư, hạn chế được người Hồi giáo đến Mỹ, gây sức ép với các đồng minh chủ chốt như Hàn Quốc, Nhật, và các nước đồng minh trong NATO tăng ngân sách quốc phòng để tạo sức mạnh cộng hưởng. Vì thế, một số nước thành viên NATO đẩy nhanh mức chi ngân sách quốc phòng từ mức trên dưới 1% hiện nay lên mức 2% tổng GDP trước năm 2024.
Một thành tích đối ngoại đáng kể của ông Trump là củng cố được đồng minh Trung Đông, bước đầu thực hiện kế hoạch hòa bình cho toàn khu vực bằng việc dàn xếp thỏa thuận bình thường hóa Israel với Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Bahrain. Ông Trump cũng thay đổi cách tiếp cận và xích lại gần Nga, làm dịu đối đầu Nga-Mỹ và Nga-Phương Tây, đây còn là cách để Mỹ tạo sức ép tối đa lên Trung Quốc.
Mặc dù chưa đạt được thỏa thuận vũ khí hạt nhân với Triều Tiên, nhưng ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên gặp gỡ trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau một thời gian dài. Việc Tổng thống Trump gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un 3 lần tại Singapore, Việt Nam và Khu phi quân sự Triều-Hàn chắc chắn sẽ là di sản chính sách ngoại giao gây chú ý nhất trong nhiệm kỳ của ông, giúp cho hai nước đến gần nhau hơn.
Những quan trọng đóng góp của Tổng thống Trump trong việc thiết lập quan hệ giữa Israel với UAE và Bahrain đã tạo điều kiện cho các bên xung đột tiếp xúc và tạo ra động lực mới trong các cuộc xung đột kéo dài khác, như tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan, căng thẳng Hàn-Triều cũng như đối phó với khả năng hạt nhân của Triều Tiên. Ông Trump được đề cử giải Nobel Hoà bình năm 2021.
Tựu chung, có thể thấy ông Trump đã thực hiện một chính sách tương đối nhất quán cả về đối nội lẫn đối ngoại: Đó là tìm cách làm nước Mỹ mạnh lên từ bên trong và đặt lợi ích quốc gia lên trên các cam kết quốc tế. Trump đã có những thành công không thể phủ nhận trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Dù vậy cho đến nay, chính Trump lại trở thành tổng thống bị nhiều chỉ trích hơn tất cả những người tiền nhiệm, từ Regan đến Barack Obama, cả về quan điểm, chính sách lẫn phong cách và những phát ngôn “gây sốc”, trong khi cuộc bầu cử tổng thống 2020 đang cận kề. Điều đó khiến giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, chưa có gì đảm bảo chắc chắn cho cơ hội đắc cử nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.