1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông Trump nhắm đến cuộc chiến thương mại lớn hơn nếu tái đắc cử

An Hoàng

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại về tác động tiêu cực mà một cuộc chiến thương mại có thể gây ra nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử.

Ông Trump nhắm đến cuộc chiến thương mại lớn hơn nếu tái đắc cử - 1

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã thực hiện chính sách tăng thuế lớn nhất của Mỹ kể từ cuộc Đại suy thoái, nhằm vào Trung Quốc, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Mexico, Ấn Độ và nhiều nền kinh tế khác.

Các quốc gia này cũng đáp trả bằng cách áp thuế lên đậu nành, rượu, nước cam và xe máy của Mỹ.

Hậu quả là xuất khẩu nông sản của Mỹ giảm mạnh, khiến chính quyền của ông Trump phải dành 23 tỷ USD để giúp nông dân bù lỗ.

Giờ đây, trong chiến dịch tái tranh cử, tỷ phú Mỹ hứa hẹn sẽ đẩy mạnh cuộc chiến thương mại với quy mô lớn hơn nhiều.

Trong nhiều cuộc phỏng vấn, ông Trump hé lộ kế hoạch đánh thuế 10% đối với hầu hết hàng nhập khẩu và đánh thuế 60% trở lên đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Theo lập luận của ông Trump, thuế quan sẽ thúc đẩy các nhà máy của Mỹ, thu hẹp khoảng cách giữa nhập khẩu và xuất khẩu, đồng thời tăng cơ hội việc làm cho người Mỹ.

Cựu Tổng thống tin rằng thuế nhập khẩu sẽ phục hồi ngành sản xuất của Mỹ, giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài và tạo lợi thế cạnh tranh cho các công ty Mỹ trước các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc và các nước khác.

Tuy nhiên, các nghiên cứu lại cho thấy chính sách của ông Trump đang khiến giá cả tăng cao cho cả người tiêu dùng lẫn các nhà máy Mỹ phụ thuộc nguồn hàng đầu vào từ nước ngoài, đồng thời làm giảm lượng hàng xuất khẩu đối với một số mặt hàng bị trả đũa.

Trong một bức thư gần đây, 16 chuyên gia kinh tế đoạt giải Nobel đã bày tỏ lo ngại về những rủi ro mà một chính quyền Trump tái đắc cử sẽ gây ra cho nền kinh tế và pháp quyền.

Về mặt thực tế, giới điều hành lĩnh vực như bán lẻ và rượu lo ngại thuế quan có thể khiến bùng phát căng thẳng, tăng chi phí sản xuất và một lần nữa khiến họ phải đóng cửa các thị trường quan trọng ở nước ngoài.

Xuất khẩu rượu của Mỹ sang châu Âu đã giảm 20% ngay sau khi EU áp đặt mức thuế trả đũa 25% đối với rượu whisky. Đây được xem là đòn đáp trả của khối liên minh dành cho chính sách thuế quan mà chính quyền ông Trump áp đặt lên ngành thép và nhôm.

Ngoài ra, thuế quan của Trung Quốc khiến các nhà bán lẻ bị đội chi phí nhập hàng đầu vào, buộc họ hoặc tăng giá bán ra, hoặc cắt giảm lợi nhuận của công ty.

Ông David French, Phó Chủ tịch điều hành Quan hệ Chính phủ tại Liên đoàn bán lẻ quốc gia, nhận xét: "Chúng tôi cần một chính sách thương mại chứ không phải nhiều thuế quan hơn. Tất cả những gì đội ngũ của ông Trump đã làm là gây trở ngại cho chuỗi cung ứng và khiến người tiêu dùng thiệt hại 220 tỷ USD".

"Cựu Tổng thống Trump coi thương mại như một trò chơi có tổng bằng 0, bạn thắng thì tôi thua và ngược lại. Đó chắc chắn không phải là cách mà nền thương mại hoạt động", ông French phân tích.

Theo New York Times