1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Trump dọa không bảo vệ đồng minh khỏi nguy cơ tấn công từ Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa tuyên bố, nếu ông tái đắc cử, Washington sẽ không bảo vệ thành viên NATO khỏi nguy cơ tấn công từ Nga nếu thành viên đó không đóng góp đủ ngân sách.

Ông Trump dọa không bảo vệ đồng minh khỏi nguy cơ tấn công từ Nga - 1

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Trả lời phỏng vấn truyền thông Anh ngày 19/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng viên tổng thống sáng giá của đảng Cộng hòa, khẳng định Washington sẽ chỉ hỗ trợ bảo vệ các thành viên NATO khỏi nguy cơ các cuộc tấn công trong tương lai của Nga nếu nước đó chi tiêu thêm cho quốc phòng theo quy định của liên minh.

"Tại sao chúng ta phải bảo vệ những quốc gia nhiều tiền trong khi Mỹ phải chi trả phần lớn cho NATO", ông Trump nói.

Khi được hỏi liệu Mỹ có bảo vệ các đồng minh NATO hay không nếu họ bắt đầu "thanh toán các hóa đơn của mình một cách hợp lý", ông cho biết: "Có. Nhưng Mỹ chỉ nên trả phần công bằng của mình chứ không phải gánh thay người khác".

Hồi tháng 2, ông Trump cũng đưa ra tuyên bố tương tự và từng hứng chỉ trích của các đồng minh. Cựu chủ nhân Nhà Trắng khi đó nói rằng: "Tôi sẽ không bảo vệ các vị. Trên thực tế, tôi sẽ khuyến khích Nga làm bất cứ thứ gì mà họ muốn. Các vị phải trả tiền trước".

Phát ngôn viên Nhà Trắng Andrew Bates chỉ trích: "Khuyến khích quốc gia khác tấn công các đồng minh thân cận nhất của chúng ta là hành động kinh khủng và điên rồ, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và nền kinh tế của Mỹ cũng như ổn định toàn cầu".

Theo Điều 5 về phòng thủ tập thể nêu trong Hiệp ước NATO, bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào một thành viên của khối cũng bị coi là đòn tấn công nhằm vào cả liên minh và NATO sẽ phối hợp đáp trả.

Tuy nhiên, khi còn tại nhiệm, ông Trump nhiều lần tuyên bố sẽ không tuân thủ Điều 5 nếu các thành viên NATO không đáp ứng mục tiêu chi tiêu tối thiểu 2% gDP cho quốc phòng. Ông cũng cảnh báo rút Mỹ khỏi liên minh quân sự này vì nó đã quá lỗi thời và ngốn nhiều nguồn lực của Washington.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nhấn mạnh, bất kỳ ý kiến nào cho rằng các thành viên của khối không bảo vệ lẫn nhau sẽ làm suy yếu sức mạnh của liên minh quân sự này, đẩy lực lượng vào tình cảnh nguy hiểm. Mặt khác, ông kêu gọi và hy vọng toàn bộ thành viên NATO sẽ đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng trong năm 2024.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas hôm 19/3 thậm chí kêu gọi các đồng minh NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên hơn 3% GDP. Bà cho biết, Estonia hiện đã dành hơn 3% GDP cho quốc phòng và các thành viên khác của NATO cũng nên làm như vậy.

Vấn đề chi tiêu quốc phòng của NATO càng được quan tâm hơn sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Giới chức châu Âu cảnh báo, nếu Nga giành chiến thắng trong cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine, các thành viên NATO có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nhận định, đến năm 2026, Nga có thể có đủ năng lực quân sự để tấn công NATO. "Có thể đến năm 2026 hoặc 2027, bằng cách đặt nền kinh tế vào tình trạng thời chiến, Nga có thể sẽ đạt được sức mạnh quân sự để tấn công NATO", ông Duda nói.

Ông nhấn mạnh: "Chúng ta chỉ còn 2-3 năm nữa để tăng cường nỗ lực, dự trữ đạn pháo, sản xuất vũ khí nhằm tối đa an ninh của châu Âu, sẵn sàng đối phó kịch bản xung đột". Ông cũng hối thúc Mỹ tiếp tục viện trợ cho Ukraine.

Theo Reuters, Pravda