1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ông Trump đi nước đôi, khẳng định gỡ trừng phạt Nga

Tổng thống Donald Trump cam kết 100% ủng hộ NATO, đồng thời bày tỏ hy vọng được hợp tác đặc biệt với Nga

Theo RT, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh Theresa May vào ngày 27/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định quan điểm rằng, ông vẫn giữ những cam kết với NATO nhưng đồng thời muốn phát triển quan hệ với Nga.

Tổng thống Donald Trump bày tỏ hy vọng được hợp tác đặc biệt với Nga
Tổng thống Donald Trump bày tỏ hy vọng được hợp tác đặc biệt với Nga

Cuộc gặp mặt bà May là lần đầu tiên ông Trump tọa đàm trực tiếp với một lãnh đạo thế giới kể từ sau khi nhậm chức.

Trong những vấn đề được đưa ra bàn luận, bà May có nhắc tới việc chiến đấu với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đối phó với Nga và Syria, đồng thời bà cũng mời ông Trump thăm Anh theo lời mời của Nữ hoàng Elizabeth vào cuối năm nay.

Bà khẳng định rằng, ông Trump đã cam kết 100% ủng hộ NATO và giữ mối quan hệ ngoại giao, quân sự đặc biệt với Anh.

Một số lời tuyên bố đáng chú ý của ông Trump được đưa ra trong cuộc họp báo bao gồm việc bày tỏ hy vọng được hợp tác với mọi quốc gia, đặc biệt là Nga, trong việc tiêu diệt IS.

Ông Trump cho biết, chính quyền Washington hiện đang ở trong giai đoạn đầu của việc cân nhắc gỡ bỏ trừng phạt Nga. Trong khi đó, bà May cho rằng, trừng phạt chỉ nên được gỡ bỏ khi thỏa thuận Minsk về khủng hoảng Ukraine được thực hiện.

Ở đây ta có thể thấy được hai vấn đề được Tổng thống Mỹ nhấn mạnh đến, thứ nhất là lời cam kết 100% ủng hộ NATO, thứ hai là mối quan hệ Nga-Mỹ.

Để mở khả năng gỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga

Đầu tiên, việc gỡ bỏ trừng phạt Nga với điều kiện tiên quyết là thỏa thuận Minsk như Thủ tướng Anh đề cập dường như không nằm trong kế hoạch của Tổng thống Donald Trump. Điều mà Mỹ cần không giống cái mà NATO muốn ở Ukraine.

Thứ nhất, tân Tổng thống Mỹ từng tuyên bố rằng, ông sẽ lựa chọn cách tiếp cận thực dụng trong các sáng kiến chính sách đối ngoại, tận dụng kỹ năng thương lượng của mình vốn đã được mài sắc trong suốt thời gian kinh doanh. Ukraine có gì cho Mỹ sẽ là câu hỏi đầu tiên vị Tổng thống đặt ra trong đầu.

Nhà phân tích chính trị Boris Mezhuev nhận định: "Tôi nghĩ rằng, Ukraine nên chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất. Mỹ sẽ không còn hỗ trợ nhiều cho Ukraine như trước kia. Mối liên kết giữa Kiev và Washington hiện quá tốn kém cho Mỹ. Đó là một sự kết thúc tiêu cực".

Thứ hai, việc Nga chấp nhận thỏa thuận Minks là không thể, đây sẽ là nút thắt trong mối quan hệ Nga-Mỹ. Trong khi đó, bản thân ông Trump là người luôn cố gắng xây dựng mối quan hệ với Nga.

Hơn nữa, ông Trump từng nói rằng người dân Crimea muốn sống dưới sự lãnh đạo của Nga và khẳng định bản thân sẽ xem xét liệu Mỹ có công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo này hay không.

Hiện tại, đối với Tổng thống Donald Trump mà nói, một chiếc "tàu há mồm" như Ukraine sẽ chẳng còn quan trọng nếu như Mỹ và Nga bắt tay với nhau.

Hành động ngược?

Vấn đề thứ hai chính là lời cam kết 100% ủng hộ NATO, đây được coi là một động thái gây bất ngờ của Tổng thống Donald Trump.

Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo The Times of London của Anh và báo Bild của Đức hôm 16/1, Tổng thống Mỹ nhận định rằng, NATO đã lỗi thời so với nhiệm vụ và chức năng của nó.

"Trước đây nhiều lần tôi cho rằng NATO đã có vấn đề. Vấn đề của NATO thể hiện ở hai khía cạnh. Thứ nhất, NATO đã lỗi thời, vì nó được thiết kế bởi nhiều thành phần, trong thời điểm cách đây đã rất lâu. Thứ hai, trong NATO tồn tại sự phi lý là có nhiều nước đang được sử dụng miễn phí những thứ mà đúng ra họ phải trả tiền", ông Trump nói.

Ông Trump cam kết 100% ủng hộ NATO
Ông Trump cam kết 100% ủng hộ NATO

Ngoài ra, ông Donald Trump cũng nhiều lần bày tỏ sự thất vọng về hệ thống cấu trúc an ninh chung Mỹ - châu Âu được thể hiện qua NATO. Ông thể hiện sự bức xúc với khoảng chênh lệch giữa trách nhiệm và quyền lợi của nước Mỹ so với các đồng minh trong NATO.

Ngay trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump đã lên tiếng cáo buộc các đồng minh NATO không chi đủ tiền 2 % GDP cho quốc phòng, trong khi Mỹ phải trả quá nhiều.

Ông Trump tuyên bố, dưới sự lãnh đạo của ông, Washington sẽ không nhất thiết phải triển khai viện trợ cho NATO nếu các nước thành viên bị tấn công. Yếu tố đầu tiên là phải xem xét mức độ đóng góp của những nước thành viên NATO cho liên minh này.

"Tôi rất mệt mỏi khi nghĩ về NATO. NATO đã lỗi thời khi nó không thể làm được gì trong cuộc chiến chống khủng bố", ông Trump bày tỏ.

Việc Tổng thống Mỹ đột nhiên thay đổi quan điểm về NATO đã khiến giới phân tích phải đau đầu tính toán, ông Trump đang toan tính điều gì.

Để mở khả năng gỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga như ông đã tuyên bố, đồng thời cũng khẳng định trung thành với NATO. Có lẽ tân Tổng thống Mỹ chờ đợi một điều gì đó trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin ngày 28/1.

Theo Thành Phong

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm