1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ông Trump có sai lầm khi phóng Tomahawk vào Syria?

Tổng thống Donald Trump đã mắc phải nhiều sai lầm và đang phải gánh chịu hệ quả khi đột nhiên tiến hành phóng tên lửa Tomahawk vào Syria.

Mỹ không được tham gia đàm phán về Syria

Sau khi chính phủ Syria bị cáo buộc tấn công vũ khí hóa học vào ngày 4/4 làm thiệt mạng ít nhất 86 người dân ở tỉnh Idlib, ngày 6/4 Hoa Kỳ đã không kích 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat của Syria.

Quyết định bất ngờ của Tổng thống Donald Trump đã gây ra nhiều tranh cãi, khiến Nga, Syria và nhiều quốc gia khác trong khu vực lên tiếng bày tỏ quan ngại, phẫn nộ.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không được tham gia đàm phán về Syria
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không được tham gia đàm phán về Syria

Đặc biệt đến thời điểm này, những toan tính của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã không đạt được mà lại càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Trong một tuyên bố phát đi ngày 20/4, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về vấn đề Syria - ông Staffan de Mistura cho biết sẽ có cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov vào ngày 24/4 để thảo luận về tình hình Syria.

Nội dung cụ thể của cuộc thảo luận là nối lại lệnh ngừng bắn vốn mong manh ở Syria, đồng thời mở đường cho một cuộc đàm phán thực sự vào tháng 5 này.

Đáng chú ý, vị đặc phái viên khẳng định, đại diện phía Mỹ sẽ không dự bất kì cuộc họp 3 bên nào, ít nhất là vào lúc này.

Việc không góp mặt của Mỹ trong đàm phán hòa bình ở Syria trở thành một điều dễ hiểu khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đã có nhiều chính sách mâu thuẫn trong việc tiếp cận vấn đề Syria.

Thực tế, trước khi xảy ra vụ khí độc hóa học tại Idlib ngày 4/4, Tổng thống Trump vẫn khẳng định: “Ưu tiên số một là chống khủng bố” và “không nhất thiết phải thay đổi chính quyền Assad”.

Tuy nhiên ngay sau cuộc không kích vào Syria, Tổng thống Trump tuyên bố, “chính quyền Assad đang đi đến hồi kết” và “nước Mỹ có thể sẽ điều động thêm quân tới chiến trường Syria” trong khi hiện tại Syria đã có khoảng hơn 1.000 lính đặc nhiệm Mỹ.

Sau đó, tới ngày 9/4, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Halley làm rõ hơn quyết định này khi khẳng định, “thay đổi chế độ ở Syria giờ là ưu tiên của chúng tôi”.

Vũ khí Mỹ bộc lộ nhiều điểm yếu

Đặc biệt, trong lần phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat của Syria, Hoa Kỳ cũng vô tình để lộ những điểm yếu về vũ khí khi độ chính xác được đánh giá ở mức thấp.

Cụ thể, ngày 10/4, trong một tuyên bố phát đi, ông James Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định đợt tấn công tên lửa hôm 7/4 của nước này vào căn cứ không quân Shayrat đã phá hủy 20% máy bay chiến đấu của Syria.

“Cuộc tấn công đã phá hủy hoặc làm hư hại các kho nhiên liệu, kho đạn dược và khoảng 20% phi đội chiến đấu cơ, làm giảm năng lực phòng không của Syria”, ông Mattis nhấn mạnh.

Hình ảnh tên lửa Tomahawk được cho là bị bắn hạ ở Syria
Hình ảnh tên lửa Tomahawk được cho là bị bắn hạ ở Syria

Dù Hoa Kỳ lên tiếng về sức mạnh hủy diệt từ đợt tấn công hôm 7/4 vào căn cứ không quân Shayrat ở tỉnh Homs, tuy nhiên các thông tin từ truyền thông Nga và Syria lại không hoàn toàn như vậy.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời Trung tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết, chỉ có khoảng 40%, tức 23 trong số 59 quả tên lửa hành trình bắn từ tàu chiến Mỹ nhằm vào căn cứ không quân của Syria là trúng mục tiêu.

“Hiệu quả chiến đấu của cuộc tấn công tên lửa ồ ạt của Mỹ vào căn cứ của Syria như vậy là rất thấp”, ông Konashenkov nhấn mạnh.

Vị tướng người Nga cũng khẳng định, theo dữ liệu của thiết bị ghi nhận, chỉ có 23 tên lửa đến được căn cứ không quân.

“Vị trí rơi của các tên lửa khác vẫn còn chưa rõ”, ông Konashenkov khẳng định.

Nguồn tin quân sự Syria trước đó cũng khẳng định với Interfax, trong số 59 tên lửa được phóng đi thì có không quá một nửa trong số đó đến được lãnh thổ của Syria.

Trong khi đó, phóng viên Evgeny Poddubny của kênh truyền hình Nga Rossiya 24, người có mặt tại hiện trường và ghi lại video về căn cứ Shayrat, thì ước tính chỉ có 9 chiếc máy bay của quân đội Syria bị phá hủy.

Tuy nhiên, rất nhiều bức ảnh được ông đăng lên mạng xã hội cho thấy một vài kho vũ khí của quân đội Syria tại đâykhông bị thiệt hại gì, đường băng của sân bay cũng không hề bị phá.

Quan hệ Nga – Mỹ - Syria “rối như tơ vò”

Đặc biệt, sau quyết định tấn công vào lãnh thổ Syria, mối quan hệ vốn được cải thiện ít nhiều trước đó giữa Mỹ với Nga và Syria đã bị phá bỏ.

Chính phủ của Tổng thống Assad đã gọi hành động của Mỹ là “cuộc tấn công xâm lược” và quan hệ giữa 2 nước đang dần trở lại trạng thái đối đầu.

Đại sứ Syria tại Triều Tiên Tammam Sulaiman đã lên án những sự gây hấn và lịch sử can thiệp của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng việc gửi thông điệp tới Triều Tiên thông qua vụ tấn công tại Syria là hành động vô trách nhiệm.

“Bất kể họ làm những gì, đây rõ ràng là sự gây hấn. Nếu họ muốn tiếp tục gửi đi những thông điệp, nghĩa là họ không đàm phán với một quốc gia hay chính quyền có trách nhiệm”, ông Sulaiman nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Putin ngay sau đó lên án Mỹ là có hành động hung hăng nhắm vào một quốc gia có chủ quyền.

Những hệ quả mà chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể gặp phải khi can thiệp vào Syria đã từng được Thượng nghị sĩ Mỹ Rand Paul cảnh báo không lâu trước đó.

"Theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống cần được sự cho phép của Quốc hội trước khi phát động hành động quân sự ở Syria”, ông Paul tuyên bố trên Twitter hôm 6/4.

"Những hành động can thiệp của chúng ta trước đây vào khu vực này chẳng đem lại điều gì giúp chúng ta an toàn hơn và ở Syria cũng sẽ chẳng có khác biệt nào”, Thượng nghị sĩ Paul nhấn mạnh thêm.

Theo Hoàng Sơn

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm