1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Trump cố chặt đứt kết dính giữa kinh tế Trung Quốc và Mỹ?

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng khốc liệt hơn, theo hướng hai nền kinh tế này ngày càng tách biệt nhau.

Ông Trump cố chặt đứt kết dính giữa kinh tế Trung Quốc và Mỹ? - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)

Dường như đã qua rồi cái thời Mỹ coi quan hệ thương mại gia tăng với Trung Quốc là con đường cao tốc để mang lại thịnh vượng quốc gia và lợi nhuận cao cho họ cũng như đóng góp cho sự giàu có của thế giới.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào giữa năm 2018, đã có đồn đoán cho rằng ông Trump làm vậy với mục đích chính không phải là tạo thế cho việc đạt được một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh có lợi cho phía Mỹ, mà là để thúc đẩy quá trình tách biệt giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Ý đồ tách biệt này có logic như sau: Tổng thống Trump kết tội Trung Quốc đang “cưỡng bức” Mỹ về mặt thương mại. Việc giảm bớt thương mại với Trung Quốc sẽ giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào một quốc gia mà chính quyền ông Trump xem là một đối thủ chiến lược ngày càng mạnh mẽ và quyết đoán.

Đoàn đàm phán Trung Quốc mới đây đã trở lại Washington để nối lại thương thuyết và ngăn ngừa khả năng tăng vọt thuế quan do phía Mỹ áp. Nhưng các con số thương mại chính thức mới công bố vào hôm 9/5 cho thấy một thông điệp rõ ràng về xu hương quan hệ kinh tế Mỹ-Trung: Quá trình chia ly đang diễn ra mạnh mẽ.

Các con số biết nói về thương mại và FDI

Quý 1 năm 2019 chứng kiến hàng hóa mà Mỹ nhập từ Trung Quốc đã giảm ở mức cao nhất (tới 26,8%, tính từ năm 1985).

Thâm hụt thương mại của Mỹ vào tháng 3/2019 dừng ở mức 20,75 tỷ USD – đây là mức thấp nhất trong tháng, tính từ tháng 3/2014 (khi đó thâm hụt của Mỹ là 20,49 tỷ USD). Lưu ý là tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Mỹ hiện nay cao hơn năm 2014 tới 23%.

Trong gần 20 năm sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào đầu năm 2002, hàng hóa Mỹ xuất sang và nhập từ Trung Quốc đã tăng nhanh hơn đáng kể tốc độ tăng trưởng kinh tế tổng thể của Mỹ. Năm 2002, con số này đứng ở mức 1,35% GDP của Mỹ. Đến năm 2007 – năm bắt đầu xảy ra Đại suy thoái kinh tế Mỹ, con số trên đã tăng gần gấp đôi lên mức 2,66%.

Trong suốt thời kỳ kinh tế Mỹ phục hồi (bắt đầu vào giữa năm 2009), thương mại song phương 2 chiều giữa Mỹ và Trung Quốc dao động trong khoảng từ 3 đến 3,4% GDP Mỹ. Trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Obama, con số này là 3,09%.

Trong quý 1 năm 2018, thương mại hai chiều Mỹ-Trung thực sự giảm xuống mức 2,7% GDP Mỹ. Nhưng trong 2 quý tiếp theo, con số này tăng lên thành 3,11% và 3,38%. Tổng cộng trong 3 quý đầu tiên của năm 2018, hàng hóa nhập từ Trung Quốc vào Mỹ tăng vọt thêm 29,53% - nhanh hơn gần 8 lần mức tổng cộng 2,64% của toàn cầu. Thậm chí đến quý 4/2018, thương mại 2 chiều vẫn ở mức 3,29% GDP Mỹ.
Nhưng theo số liệu mới công bố thì trong quý 1 năm 2019, xuất nhập khẩu của Mỹ với Trung Quốc đã giảm “toàn tập” xuống mức 2,51% GDP Mỹ - mức thấp nhất kể từ năm 2006 (2,47%).

Tuy vậy, hoạt động kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ giảm nhiệt trên lĩnh vực thương mại trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, kể từ năm 2016, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hai chiều đã giảm sâu tới 70%. Đa phần sự sụt giảm này là do đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm tới 80%. Trong khi đó, đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc chưa phục hồi hoàn toàn từ sau năm 2008, từ năm 2012 lại giảm nhẹ nữa.

Liệu có hy vọng Mỹ-Trung mặn nồng trở lại?

Tất nhiên các dòng chảy kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn lớn và sẽ không cạn kiệt ngay. Trung Quốc còn có lợi thế ở nhiều ngành công nghiệp chế tạo, giúp nước này duy trì doanh số bán hàng cho các hộ và doanh nghiệp Mỹ. Và Trung Quốc chưa thể tìm kiếm được thị trường nước ngoài khác có khả năng thay thế hiệu quả cho thị trường Mỹ.

Nhưng các động lực cho cuộc chia ly 2 nền kinh tế vẫn còn đó.

Bên phía Mỹ, các động lực đó là tâm lý khó chịu ngày càng gia tăng trong giới lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị về những rào cản thương mại và đầu tư mà phía Trung Quốc tạo ra ngày càng nhiều, về các áp lực buộc doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao tài sản trí tuệ giá trị nhất của họ cho đối tác Trung Quốc, về tình trạng ăn cắp bí mật công nghệ và thương mại. Ngoài ra còn có yếu tố mối đe dọa ngày càng lớn từ phía Trung Quốc đối với các lợi ích của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên khắp thế giới.

Về phía Trung Quốc, các động lực chia ly yếu hơn do Bắc Kinh vẫn rất cần cả công nghệ Mỹ lẫn thị trường thương mại Mỹ. Nhưng Trung Quốc đang quyết tâm phát triển các ngành công nghệ cao của riêng mình “bằng mọi phương thức có thể”. Và nếu đại dự án Vành đai và Con đường thu được các thành công lâu dài, Trung Quốc sẽ có được nhiều mối khách hàng mới để xuất khẩu sang.

Theo Trung Hiếu

Vov.vn