1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ông Putin sẽ quay lại G7 nếu Nga rút quân khỏi Syria?

(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin được cho là sẽ có cơ hội quay trở lại bàn nghị sự của Nhóm 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) nếu Nga đồng ý rút quân khỏi Syria.

Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: Getty)
Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: Getty)

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dự kiến sẽ đáp chuyến bay bay tới Moscow vào cuối tuần này và mang theo một “tối hậu thư” của G7, trong đó yêu cầu Tổng thống Putin rút lực lượng vũ trang của Nga tại Syria, đồng thời chấm dứt sự ủng hộ của Moscow với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Những lời đe dọa về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga có thể sẽ được đưa ra nếu ông Putin từ chối nghe theo tối hậu thư này.

Tuy nhiên, bên cạnh cách tiếp cận cứng rắn mà Mỹ và các đồng minh phương Tây đang áp dụng đối với Nga, các nhà ngoại giao cũng đang tích cực làm việc “phía sau hậu trường” và để ngỏ khả năng mời Tổng thống Putin quay trở lại bàn nghị sự của G7. Đây cũng là điều mong muốn của ông chủ Điện Kremlin lâu nay, theo Telegraph.

Trước đó, nhóm các quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu thế giới G7 được thành lập vào thập niên 1970 gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật, Anh, Mỹ và Canada. Sau đó, Nga gia nhập vào nhóm này và đưa G7 trở thành G8. Tuy nhiên, lãnh đạo 7 nước G7 ban đầu đã quyết định loại Nga ra khỏi G8 vào năm 2014 sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea để trừng phạt Moscow.

Các nhà ngoại giao Anh và Mỹ tin rằng Tổng thống Putin rất “khao khát” được tái gia nhập G7. Họ cũng tin rằng sự nhiệt huyết của nhà lãnh đạo Nga dành cho chế độ của Tổng thống Assad đang “nguội lạnh” dần và ông Putin đang tìm kiếm một hướng đi hợp lý để bước ra khỏi cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông này.

“Tôi nghĩ ông Tillerson sẽ tới thăm Nga với một hướng tiếp cận rất rõ rằng nếu ông Putin muốn quay trở lại bàn nghị sự của một nhóm hàng đầu thế giới để thảo luận về các vấn đề quốc tế thì ông ấy phải rời xa ông Assad”, một nguồn tin của chính phủ Anh cho biết.

“Chúng tôi sẽ bày cho ông ấy một chiến lược thoái lui mà vẫn giữ được thể diện. Các tối hậu thư thường tỏ ra không có hiệu quả với Nga, nhưng ông ấy (Putin) cũng có thể thấy rằng Syria đang trở thành một món nợ đối với Nga hơn là một nhân tố có lợi”, nguồn tin cho biết thêm.

Ngoại trưởng Tilerson ngày 8/4 đã rất cẩn trọng khi không đổ lỗi cho Nga về việc có liên quan trực tiếp tới vụ tấn công bằng khí độc gây tranh cãi khiến ít nhất 86 người thiệt mạng tại Syria gần đây, đồng thời khẳng định Moscow không phải là mục tiêu của vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào căn cứ không quân của Syria.

“Tôi không tin rằng người Nga muốn mối quan hệ với Mỹ bị xấu đi, thay vào đó họ muốn có nhiều cuộc đối thoại để hiểu thêm về mối quan hệ mà Nga muốn xây dựng với Mỹ”, ông Tillerson nói.

Trong khi đó, mặc dù tuyên bố sẽ “đáp trả bất kỳ sự gây hấn nào” từ phía Mỹ nhưng các chuyên gia quân sự tin rằng ông Putin vẫn muốn tránh đối đầu trực diện với Mỹ. Tuần trước, Điện Kremlin đã cho thấy sự “dịu giọng” khi nói rằng sự ủng hộ của Nga dành cho chính quyền của Tổng thống Assad “không phải là vô điều kiện”.

Tuyên bố trên của Điện Kremlin có thể diễn giải rằng mặc dù Nga có thể sẽ vẫn tiếp tục can dự để bảo vệ các lợi ích của nước này tại Syria, nhưng Moscow cũng sẵn sàng nới lỏng sợi dây liên kết với chính quyền Assad về lâu dài.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm