1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Putin đã bỏ sót điều gì ở Syria?

Khi Tổng thống Vladimir Putin can thiệp quân sự vào Syria hồi tháng 9/2015, ông có hai mục tiêu chính: Thiết lập Nga như một lực lượng quân sự và chính trị mạnh mẽ ở Trung Đông, và cầm chắc trong tay căn cứ hải quân ở Tartus, căn cứ không quân và trung tâm thu thập tình báo ở Latakia.

Theo bài viết của chuyên gia bình luận Eville Teller trên báo Jerusalem Post, Tổng thống Putin đã đạt được cả hai mục tiêu nên đã quyết định rút quân.

Eville Teller cho rằng, sự can dự của Nga vào Syria chắc chắn tiếp thêm sức mạnh cho Tổng thống Bashar al-Assad. Nhưng người đứng đầu chính quyền Damascus sẽ ảo tưởng nếu như ông kỳ vọng người đồng cấp Putin tiếp tục kề vai sát cánh trong cuộc xung đột kéo dài nhằm đánh thắng mọi lực lượng nổi dậy và Nhà nước Hồi giáo (IS).

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: National Interest)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: National Interest)

Với thành công của mình, Putin giờ đây muốn củng cố hai mục tiêu kể trên thêm vững chắc. Và để có được điều đó, các cuộc hòa đàm đang diễn ra ở Geneva cần phải mang lại những kết quả tích cực - có thể đặt dấu chấm hết cho nội chiến Syria. Đó là lý do Moscow - cùng với Washington - đã dồn sức thúc đẩy nối lại hòa đàm vào ngày 14/3. Nó cũng giải thích vì sao các dấu hiệu bất đồng giữa Nga và Syria ngày càng nhiều trong những tuần gần đây.

Assad và những người trung thành cương quyết với điều kiện cuộc bầu cử tổng thống mới không thể được đưa ra bàn bạc - một "ranh giới đỏ" mà Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem đặt ra hôm 12/3. Tuy nhiên, Tổng thống Nga vẫn tỏ ra nước đôi về tương lai của Assad. Ông chỉ bóng gió về một cuộc bầu cử Tổng thống mà ông Assad có thể ra tranh cử, một viễn cảnh mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không hoàn toàn phủ nhận nhưng Pháp, Anh thì phản đối thẳng thừng.

Ông Putin rút quân Nga khỏi Syria vào đúng thời khắc các cuộc hòa đàm sắp nối lại. Đây là quyết định khiến vị thế của Assad suy yếu một cách chủ ý. Chính phủ Syria đột nhiên trông có vẻ yếm thế hơn. Nhưng họ vẫn còn hy vọng. Bởi vẫn có lý do để toại ý nếu lệnh ngừng bắn tiếp tục được giữ vững, nếu một thỏa thuận có thể ra đời cho phép bắt đầu tiến trình tái thiết Syria và hồi hương hàng triệu người tị nạn.

Cuộc chiến Syria rất tồi tệ về số lượng thường dân thiệt mạng và làn sóng người di cư, tị nạn. Nhưng đây vẫn chưa phải là vấn đề chính mà thế giới văn minh phải đối mặt. Điều khiếp sợ nhất là một tổ chức thánh chiến, tàn ác và thú tính mang tên Nhà nước Hồi giáo (IS). Chúng đã chiếm được nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở cả Iraq và Syria, thực thi một dị bản luật Hồi giáo vô cùng hà khắc. Theo thống kê của tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh, IS đã giết tổng cộng gần 4.000 người kể từ tháng 6/2014.

Mặc dù ông Putin tuyên bố chiến dịch chống IS không nương tay ở Syria, song theo phương Tây, thực tế các cuộc không kích của Nga chủ yếu nhằm vào quân nổi dậy thù địch với Assad. Trong 6 tháng, kể từ khi Nga bắt đầu oanh tạc, họ đã giúp phe Assad giành lại được gần 10.400 km2 lãnh thổ từ tay quân nổi dậy. Chỉ rất ít chiến thắng đạt được trước IS.

Theo Eville Teller, tuyên bố sứ mệnh đã hoàn thành có nghĩa là, Tổng thống Putin thừa nhận tiêu diệt IS chưa bao giờ là mục tiêu quan trọng nhất của Nga. Ông "nhường" lại mục tiêu đó cho những nước khác - Mỹ, phương Tây và cả Ảrập Xêút - thực hiện. Vì IS vẫn bén rễ sâu ở miền bắc và miền đông Syria, và chúng vẫn tiếp tục hướng đến thành lập một Vương quốc Hồi giáo trên toàn Trung Đông.

Vấn đề IS cũng không hiện diện trong các cuộc hòa đàm ở Geneva. Mặc dù liên quân do Mỹ đứng đầu tuyên bố quyết tâm tiêu diệt IS, rõ ràng họ chưa sẵn sàng tận lực với cuộc chiến này.

Những gì công luận hiểu về IS vẫn chỉ là tổ chức khủng bố này muốn hủy diệt các giá trị và cách sống của phương Tây và rốt cuộc sẽ lập ra một vương quốc thánh chiến trên toàn thế giới. Một loạt hành động khủng bố tàn bạo ở Pháp, Bỉ, Copenhagen và Mỹ, các cuộc tấn công nhắm tới du khách ngoại quốc ở Libya, Tunisia và Ai Cập, vụ đánh bom máy bay khách Nga... tất cả cho thấy IS hiện nay vẫn đang rất mạnh.

Theo Thanh Hảo

Vietnamnet