1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nút thắt trong đàm phán hạt nhân Iran liệu có được tháo gỡ?

Cuối tuần qua, Iran và IAEA đã nhất trí về lộ trình nhằm tháo gỡ những vướng mắc nổi cộm hiện nay liên quan chương trình hạt nhân Iran đến cuối tháng 6 tới.

Đây được xem là đòn bẩy mới nhất nhằm góp phần nhanh chóng khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Phát biểu với báo giới ngay sau khi đạt được sự nhất trí với phía Iran, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Grossi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm kiếm nhận thức chung cho vấn đề này trong nỗ lực tháo nút thắt trong đàm phán hạt nhân Iran. Trước đó, các bên liên quan cho rằng, các cuộc đàm phán đang ở "các bước quan trọng cuối cùng" và do đó cần thể hiện quyết tâm chính trị để đạt được thỏa thuận.

Nút thắt trong đàm phán hạt nhân Iran liệu có được tháo gỡ? - 1

Iran và IAEA tháo nút thắt liên quan tới vấn đề hạt nhân (Ảnh: IRNA).

Động thái mới nhất này của phía Iran?    

Cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran với Mỹ và các nước phương Tây nhằm phục hồi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Mỹ đơn phương rút lui năm 2018 đang được đánh giá là tiến triển tốt. Tuy nhiên để đi tới thỏa thuận cuối cùng, các bên vẫn còn một số vấn đề phải giải quyết. Chính vì vậy, chuyến thăm Iran của Giám đốc IAEA ngày 5/3 được cho là nhằm mục đích tháo gỡ nút thắt và những hoài nghi của phương Tây về chương trình hạt nhân của Iran, lượng uranium làm giàu và cả các cơ sở hạt nhân mà họ cho là Iran bí mật phát triển. v.v. Trước những lo ngại này của phương Tây, Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của mình là vì mục đích năng lượng, công nghiệp, y tế đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân Iran.

Mới đây nhất, trong cuộc gặp với người đứng đầu IAEA, phía Iran cũng tái khẳng định sẵn sàng mở rộng hơn nữa hợp tác để sử dụng hạt nhân một cách hòa bình, đồng thời nhấn mạnh IAEA cần tiếp cận khách quan đối với các hoạt động hạt nhân của Iran, xem xét các chương trình hạt nhân với con mắt của một chuyên gia chuyên môn. Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã ban hành việc cấm sản xuất và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Ngay cả IAEA cũng đã xác minh rằng không có dấu hiệu cho thấy bất kỳ chương trình hạt nhân phi hòa bình nào của Iran trong những năm qua.

Chính vì thế việc Iran và IAEA đạt được cam kết mở rộng, tăng tốc đối thoại và hợp tác trong tương lai là tín hiệu đáng mừng, đồng thời cho thấy sự cởi mở hợp tác cũng như mong muốn đàm phán của Iran để đưa khu vực đi tới ổn định, hòa bình. Những điểm còn nghi hoặc dần được giải quyết vốn bị đình trệ khá lâu do các bên chưa tìm được tiếng nói chung. Đáng chú ý là các điểm mà Iran và IAEA đã nhất trí làm rõ các hoài nghi với lịch trình thời gian cụ thể. Vấn đề sẽ được báo cáo chậm nhất là tháng 6 tới.

Vướng mắc tồn đọng?

Dù vậy, cuộc đàm phán còn một số vấn đề. Phía Iran cho rằng cuộc đàm phán đã đạt tới 97% và chỉ còn chờ quyết định chính trị từ phía Mỹ. Trong khi Mỹ và các nước phương Tây nói rằng đã đạt được nhiều tiến triển tốt. Dù còn 1% hay một vấn đề, vẫn còn quá sớm để nói về hình dạng của thỏa thuận.

Trước hết, việc các bên trở lại đàm phán là một dấu hiệu tích cực và được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, việc đàm phán không đơn giản khi các bên đưa ra điều kiện ràng buộc lẫn nhau. Thứ nhất là vấn đề "Mỹ đảm bảo với Iran sẽ không rút khỏi thỏa thuận một lần nữa". Iran cho rằng cần quyết định chính trị từ phía Mỹ và phải được quốc hội Mỹ phê duyệt mới có thể tin tưởng bởi các nhà lãnh đạo Iran vẫn lo ngại Mỹ có thể rút lui khỏi thỏa thuận đơn phương lần nữa như đã làm năm 2018. Nhưng điều đó là không thể với các nhà đàm phán Mỹ, bởi vì Điều hai của Hiến pháp Mỹ quy định quyền của tổng thống từ bỏ bất kỳ thỏa thuận bên ngoài nào tùy thuộc vào sự chấp thuận của Quốc hội và các tiêu chuẩn là không có Quốc hội phản đối. Trong khi đó, phía Mỹ cho rằng Iran đàm phán chỉ để "cầu giờ" nhằm tiếp tục phát triển hạt nhân và gây sức ép với Mỹ cũng như phương Tây trong các vấn đề khu vực, người di cư, an ninh, chiến tranh ủy nhiệm.v.v…

Vấn đề khác là Iran muốn Mỹ phải dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt. Trong khi đó, Mỹ chỉ đồng ý dỡ bỏ từng phần các lệnh trừng phạt, cũng như cho rằng trong những năm qua Iran đã làm giàu uranium lên quá mức cho phép trong thỏa thuận 2015, phá vỡ nhiều điều khoản của thỏa thuận.v.v… Ngoài ra, các bên còn đưa các điều kiện khác mà được cho là cản trở tiến trình đàm phán.

Đàm phán liệu có lạc quan?

Trong những ngày qua, các quan chức châu Âu hy vọng về kết quả đàm phán đạt được trong cuối tuần này để hồi sinh thỏa thuận năm 2015 nhưng nhấn mạnh rằng vẫn còn đó điểm tranh chấp. Các bên châu Âu tham gia đàm phán tại Vienna xác nhận rằng thỏa thuận là "gần gũi". Phía Mỹ xác nhận đàm phán đã đạt được "tiến bộ quan trọng", đồng thời cảnh báo sẽ không có một thỏa thuận trừ khi các vấn đề còn lại được giải quyết nhanh chóng. Pháp nhấn mạnh rằng việc ký kết một thỏa thuận "trong tuần này" là "khẩn cấp".

Theo quan điểm cá nhân, mặc dù các bên tham gia đã thông báo về tiến bộ trong vòng đàm phán cuối cùng, nhưng họ chưa đạt đến đỉnh điểm đồng thuận để ký một thỏa thuận và sẽ đưa Mỹ trở lại thỏa thuận, đưa Iran trở lại thực hiện các nghĩa vụ quy định trong thỏa thuận để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Nếu không đạt được thỏa thuận vào cuối tuần này, giới quan sát cho rằng phương Tây có thể rời khỏi cuộc đàm phán. Điều này đồng nghĩa với việc đổ vỡ đàm phán và các bên lại quay trở lại vạch xuất phát, căng thẳng có thể lại leo thang ở Trung Đông liên quan tới vấn đề hạt nhân, những tác động về kinh tế, an ninh , dầu khí của khu vực và toàn cầu cũng bị ảnh hưởng.

Theo Ngọc Thạch/VOV-Cairo