1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nước cờ chiến lược của Ấn Độ ở Việt Nam

New Delhi muốn xây dựng quan hệ với các nước như Việt Nam để có thể gây áp lực đối với Bắc Kinh…

Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi đã không còn che giấu tham vọng thể hiện vai trò quyết đoán hơn tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong bài phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội Mỹ tuần trước, ông Modi đã nhấn mạnh: “Quan hệ đối tác mạnh mẽ Ấn – Mỹ có thể đem lại hòa bình, thịnh vượng và ổn định từ châu Á đến châu Phi, từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Mối quan hệ này cũng có thể giúp đảm bảo an ninh của các tuyến đường thương mại và tự do hàng hải trên các vùng biển”.

Do đó, hẳn không có gì ngạc nhiên nếu Ấn Độ sẵn sàng bán tên lửa siêu thanh BrahMos (do liên doanh Ấn – Nga sản xuất) cho Việt Nam sau khi Hà Nội lên tiếng đặt mua từ năm 2011. Mặc dù quan hệ Ấn – Việt đã phát triển những năm qua nhưng thương vụ này được xem là một bước tiến quá xa, có vẻ sẽ đối lại Trung Quốc.

Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ của ông Modi đã yêu cầu nhà sản xuất tên lửa BrahMos Aerospace xúc tiến thương vụ này cho Việt Nam cùng 4 nước khác gồm Indonesia, Nam Phi, Chile và Brazil. Ấn Độ đã cung cấp gói tín dụng trị giá 100 triệu USD cho Việt Nam mua sắm thiết bị quốc phòng và đầu tiên, nước này đã bán 4 tàu tuần tra ngoài khơi cho Việt Nam, có thể được sử dụng để tăng cường khả năng phòng thủ tại khu vực giàu năng lượng trên Biển Đông.

Tên lửa siêu thanh BrahMos. (Nguồn: Hindustan Times)
Tên lửa siêu thanh BrahMos. (Nguồn: Hindustan Times)

Động thái này của Ấn Độ diễn ra vào thời điểm Mỹ đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Rõ ràng là mối quan tâm lâu dài của Ấn Độ tại Việt Nam được đặt nhiều vào lĩnh vực quốc phòng. Ấn Độ muốn xây dựng quan hệ với các nước như Việt Nam để có thể gây áp lực đối với Trung Quốc. Vì điều này, New Delhi đang hỗ trợ Hà Nội tăng cường năng lực hải quân và không quân.

Việt Nam và Ấn Độ đều có lợi ích trong việc đảm bảo an ninh đường biển cũng như mối quan tâm chung về sự can thiệp của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và Biển Đông. Do đó, Ấn Độ đang giúp Việt Nam xây dựng khả năng sửa chữa và bảo trì các cơ sở quốc phòng. Đồng thời, các lực lượng vũ trang của hai nước đã bắt đầu hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin và đào tạo tiếng Anh cho cán bộ quân đội Việt Nam.

Hai nước cùng có một người bạn chung là Mỹ.... Khi cùng suy nghĩ làm thế nào để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, ba nước này đã xích lại gần nhau hơn.

Việc công ty nhà nước Ấn Độ ONGC Videsh Ltd nhận lời mời của Việt Nam thăm dò khai thác dầu khí ở lô 127 và 128 cho thấy khao khát của New Delhi trong việc làm sâu sắc quan hệ hữu nghị với Hà Nội. Không chỉ vậy, Ấn Độ còn... làm ngơ răn đe của Trung Quốc là hãy tránh xa khu vực này. Sự phô diễn cứng rắn này đã giúp Ấn Độ tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Nếu Bắc Kinh muốn mở rộng sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương và Nam Á thì New Delhi có thể làm tương tự ở Đông Á. Và nếu Trung Quốc có thể có quan hệ đối tác chiến lược với Pakistan mà thờ ơ với các mối quan tâm của Ấn Độ, thì Ấn Độ cũng có thể phát triển mối quan hệ mạnh mẽ với những nước như Việt Nam ở khu vực ngoại vi của Trung Quốc…

Hà Nội đang dần trở thành then chốt trong chính sách hướng Đông của New Delhi. Hà Nội cũng trải qua cuộc chiến ngắn với Bắc Kinh trong năm 1979 và đang... cảnh giác với ảnh hưởng quân sự và kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc. Đó là lý do tại sao Việt Nam được Ấn Độ xem là đối trọng cũng giống như cách Trung Quốc dành cho Pakistan.

Quyết định bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam của Chính phủ Modi đã mở ra một cuộc cách mạng trong chính sách của Ấn Độ đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. New Delhi dường như đã sẵn sàng thách thức Bắc Kinh trên chính sân nhà của mình. Và ít nhất, tại thời điểm này, lập trường này được các nước như Việt Nam chào đón. Một Ấn Độ can dự nhiều hơn cũng sẽ đem đến sự cân bằng quyền lực ổn định hơn tại khu vực.

Theo LiveMint

Thế giới và Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm