1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Núi” thách thức chờ đón tân Thủ tướng Nhật Bản

(Dân trí) - Tân Chủ tịch đảng Dân chủ Nhật Bản Yoshihiko Noda đã trở thành thủ tướng thứ 6 của Nhật Bản trong 5 năm qua. Nhưng chỉ hai con số vừa kể thôi cũng đã cho thấy thách thức với vị cựu Bộ trưởng Tài chính 54 tuổi này là rất lớn.

 
“Núi” thách thức chờ đón tân Thủ tướng Nhật Bản - 1
Ông Yoshihiko Noda sẽ trở thành thủ tướng thứ 6 của Nhật Bản trong 5 năm qua.

Chính trị gia có tư tưởng cải cách

Không phải là ứng cử viên nổi bật nhất trong cuộc đua vào vị trí chủ tịch đảng DPJ cầm quyền một ngày trước đây, nhưng nhà hoạch định tài chính Yoshihiko Noda nổi lên là một trong những đảng viên trẻ có tư tưởng cải cách và được giới tài chính ủng hộ.

Ông Noda cũng nhận được hậu thuẫn từ Tổng Thư ký DPJ Katsuya Okada và quyền Chủ tịch Yoshito Sengoku.

Và ông Noda đã chiến thắng trong cuộc đua quyết định, mở đường cho ông đến với vị trí thủ tướng- chiếc ghế được báo chí quốc tế ví von là “nóng nhất hành tinh”, ngụ ý đến núi thách thức về chính trị và kinh tế mà người kế nhiệm ông Naoto Kan phải trải qua.

Tân Thủ tướng Nhật Bản bắt đầu sự nghiệp chính trị với tư cách ủy viên Hội đồng tỉnh Chiba năm 1987.

Ông Noda được bầu vào Quốc hội Nhật Bản từ năm 1993, khi còn là thành viên đảng Nhật Bản Mới (JNP - chính đảng do cựu Thủ tướng Morihiro Hosokawa thành lập).

Ông Noda được bầu lại làm hạ nghị sỹ vào năm 2000 với tư cách đảng viên DPJ. Chính trị gia này ra tranh cử chức chủ tịch DPJ lần đầu tiên vào năm 2002 với sự hậu thuẫn của Cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Seiji Maehara.

Nhận chức vụ Bộ trưởng Tài chính đầy khó khăn vào tháng 6/2010, ông Noda là một đồng minh thân cận của cựu Thủ tướng Kan.

Trong danh sách ứng viên có thể tiếp quản chiếc ghế Thủ tướng, ông Noda được coi là người có thể đảm bảo tính liên tục của những chính sách từ thời ông Kan: ông là ứng cử viên duy nhất trong cuộc bầu cử Chủ tịch DPJ lần này ủng hộ việc tăng thuế, trong khi cũng ủng hộ việc giảm dần sự phụ thuộc của Nhật Bản vào điện hạt nhân trong giai đoạn trung và dài hạn.

Những hiểu biết của ông về các vấn đề tài chính phức tạp mà Nhật Bản đang phải đối mặt - từ việc huy động tiền để tái thiết vùng đông bắc bị thảm họa kép, tới việc tái thiết hệ thống an sinh xã hội quốc gia - được đánh giá là một ưu thế lớn trong quá trình tranh cử.

"Núi" thách thức

Ông Yoshihiko Noda trở thành thủ tướng tạm thời và đảm nhiệm cho đến khi hết nhiệm kỳ ông Naoto Kan đúng vào lúc đồng yen của Nhật đang cao giá so với đồng USD và euro, gây bất lợi cho khu vực xuất khẩu.

Các doanh nghiệp Nhật lợi dụng đồng yen cao giá để chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài và mua lại các doanh nghiệp ở ngoại quốc. Việc này gây ra nhiều lo ngại.

Nhưng đó chỉ là một phần. Những thách thức lớn nhất đến từ việc tái xây dựng đất nước bị tàn phá bởi thảm họa sóng thần khủng khiếp, kéo theo đó là khủng hoảng hạt nhân sau tai nạn nhà máy điện Fukushima tới việc kiểm soát khoản nợ công khổng lồ của nước này

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's vừa hạ mức xếp hạng nợ công của Nhật Bản xuống một nấc với lý do việc nước này liên tục thay đổi nhà lãnh đạo đã làm ảnh hưởng tới các chiến lược kinh tế hiệu quả để giải quyết vấn đề nợ công. Như vậy, ông Noda cũng sẽ phải giảm nợ công của Nhật, hiện đang ở mức gấp đôi giá trị nền kinh tế 5.000 tỷ USD và dự tính đến cuối năm nay sẽ tương đương với 230% GDP của nước này.

Ông Noda sẽ phải thực thi đúng chính sách của Bộ Tài chính, phải tìm cách tăng thuế, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng, hiện không vượt quá 5%, để tài trợ cho việc tái thiết những vùng bị động đất và sóng thần tàn phá hôm 11/03.

Chưa hết, ông Noda sẽ tiếp quản việc lãnh đạo đảng cầm quyền đang rạn nứt. Ông đã chiến thắng nhờ sự hậu thuẫn từ những người chỉ trích cựu Chủ tịch DPJ Ichiro Ozawa, người vẫn nắm quyền dù đang chuẩn bị phải ra tòa vì một vụ tai tiếng về ngân quỹ. Tuy nhiên, ông Ozawa và những người ủng hộ ông vẫn là một lực lượng đáng kể và có thể cản trở những nỗ lực của nhà lãnh đạo mới.

Ông Noda hiện đang kêu gọi thành lập một liên minh rộng lớn với các đảng đối lập chủ chốt để phá vỡ thế bế tắc tại Quốc hội. Nếu tỷ lệ ủng hộ ông Noda tăng lên, thì điều này càng có thêm cơ hội để thành lập đại liên minh, vì khi 1 vị thủ tướng được sự ủng hộ của quần chúng kêu gọi thành lập chính phủ liên hiệp, thì cánh đối lập khó có thể từ chối.

Nhưng vấn đề là các đảng đối lập lại tỏ ra lạnh nhạt với lời kêu gọi này.

Về đối ngoại, thách thức với ông Noda sẽ là những nỗ lực nhằm thắt chặt quan hệ với đồng minh an ninh Mỹ, trở nên căng thẳng sau khi đảng Dân chủ lần đầu tiên nắm quyền vào năm 2009, đã bị gác lại do sự tê liệt và rối ren về chính trị ở Nhật Bản.

Quan hệ với Bắc Kinh trong năm qua lạnh nhạt do xảy ra tranh chấp lãnh thổ và các nhà lập pháp có ít cơ hội để đưa ra một chiến lược đối phó với nước láng giềng khổng lồ của Nhật Bản.

Có một thực tế là việc đảng Dân chủ lên nắm quyền vào năm 2009 là một sự chuyển đổi đầu tiên kể từ hơn 50 năm nay, nhưng đã không cứu vãn được sự sa lầy chính trị và kinh tế của Nhật Bản.

Ngoài ra, 5 vị thủ tướng trước ông Noda đã phải chật vật thực thi các chính sách của mình tại Quốc hội - nơi mà đảng đối lập có thể phản đối các dự luật, và nguy cơ lớn nhất có thể xảy ra là ông Noda cuối cùng cũng sẽ sớm phải kết thúc nhiệm kỳ của mình.

Nguyễn Viết
Tổng hợp