1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nữ nhân viên phá mã 100 tuổi và lời tuyên thệ nghề nghiệp

Một nữ nhân viên phá mã thời Thế chiến II để săn lùng các tàu ngầm U-boat của Đức Quốc xã cho biết, thành công của bà được hỗ trợ rất nhiều bởi sự kiêu ngạo của Bộ Chỉ huy Tối cao Đức khi tin rằng phe Đồng minh không thể giải các mật mã của chúng.

Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của cụ bà Julia Parsons

Nhân sinh nhật lần thứ 100 của cụ bà Julia Parsons, vào ngày 23/2/2021, Câu lạc bộ Bữa sáng Cựu chiến binh (Veterans Breakfast Club - VBC) phi lợi nhuận của thị trấn Pittsburgh - nơi cung cấp một diễn đàn cho các cựu chiến binh gặp gỡ, giao lưu và kể những câu chuyện của mình - đã tổ chức một cuộc diễu hành của cảnh sát địa phương, lính cứu hỏa, các cựu chiến binh và các thành viên hiện câu lạc bộ, qua trước nhà cụ.

Cũng có một bữa tiệc sinh nhật ảo mở dành cho bất kỳ ai quan tâm hay muốn tham dự. "Câu chuyện của Julia đơn giản là không thể tin được, và với tư cách là một thành viên lâu năm và đã tham gia VBC, chúng tôi rất vinh dự được kỷ niệm cột mốc quan trọng này cùng cụ", Todd DePastino - người sáng lập và giám đốc điều hành của VBC - cho biết trong một tuyên bố. Những ai muốn chúc cụ Julia sinh nhật thứ 100 vui vẻ có thể tham gia bữa tiệc sinh nhật ảo của cụ bắt đầu lúc 6:30 chiều.

Có ai ở đây nói tiếng Đức không?

Cụ Parsons - vào những năm Thế chiến II là Julia Potter - một phụ nữ được tuyển chọn để tham gia Đội Phụ nữ Sẵn sàng cho Dịch vụ Tình nguyện Khẩn cấp (Women Accepted for Volunteer Emergency Service - WAVES) của Hải quân Mỹ và Quân đoàn Phụ nữ (Women's Army Corps - WAC), nhằm hỗ trợ công tác tình báo siêu bí mật chống lại cỗ máy chiến tranh của Đức và Nhật.

Câu chuyện bị lãng quên của họ đã được Liza Mundy kể lại trong cuốn sách của mình - "Code Girls - the Untold Story of the American Women Code Breakers of World War II" (tạm dịch: "Các cô gái mật mã - Câu chuyện chưa kể về những người phụ nữ Mỹ phá mã trong Thế chiến II"), nói về những người được tuyển dụng từ các trường cao đẳng nữ có truyền thống lịch sử như Bryn Mawr, Wellesley và Cao đẳng Goucher ở Baltimore, có hiệu trưởng là Dorothy Stimson - em họ của Bộ trưởng Chiến tranh Henry Stimson.

Cụ Parsons đến với công việc bằng một con đường khác. Cụ lớn lên ở Pittsburgh vào thời kỳ nhà máy thép nơi xây dựng nhiều nhà kiên cố trên thành phố. Học tại Carnegie Tech, cụ nhận bằng cử nhân nhân văn và tự nguyện tham gia WAVES vào năm 1942. "Nếu chiến tranh không xảy ra, có lẽ tôi đã đi học thư viện và trở thành một thủ thư", Parsons nói. Nhưng cụ thấy trên các tờ báo ở Pittsburgh rằng Hải quân đã bắt đầu nhận phụ nữ; nếu họ có bằng cấp, họ sẽ được gửi đến Đại học Smith ở Massachusetts trong ba tháng đào tạo chuyên ngành.

Vào cuối khóa đào tạo, một trong những giáo viên nói chuyện với những người phụ nữ và hỏi: "Có ai ở đây biết tiếng Đức không"? "Tôi đã giơ tay và nói rằng tôi đã học trong hai năm học trung học", cụ Parsons nói. Cụ là người duy nhất giơ tay và được điều về một cơ sở được bảo vệ chặt chẽ ở Washington D.C - nơi nghiên cứu về hoạt động giao thông của tàu ngầm Đức. "Chúng tôi không được đào tạo đặc biệt về bất kỳ loại mật mã nào. Họ đã dạy chúng tôi tất cả, từ sử dụng máy đánh chữ...".

Hạnh phúc

Những người phụ nữ đã phải thề giữ bí mật, và không có thời gian cho cuộc sống xã hội. Nhưng cụ Parsons thừa nhận đã tiết lộ với một người bạn để tham dự một bữa tiệc tại một trong những khách sạn lớn để tiếp đón một nhóm thanh niên từ Oklahoma sắp nhập ngũ; và bất kỳ ai từ Oklahoma cũng được mời tham dự. Parsons có một người bạn gái đến từ Oklahoma, cô bạn không muốn đi một mình, vì vậy đã làm cho cụ một bảng tên giả, nói rằng cụ đến từ Duncan, Oklahoma.

Một trong những viên trung úy trẻ tên Donald Parsons đã gặp và hỏi cụ về những người quen nhau ở Duncan. Cụ đã cố gắng tảng vờ, nhưng anh ta đã phát hiện ra điều đó…. Sau đó, cụ đã kết hôn với Donald Parsons trước khi chiến tranh kết thúc. Chồng cụ tiếp tục phục vụ ở Philippines và New Guinea và rời quân ngũ với quân hàm Đại úy, cụ nói. Trong những năm sau đó, anh ta luôn trêu chọc cụ về việc cụ tự nhận mình đến từ Oklahoma...

Nghề nghiệp

Cụ và các "cô gái mật mã" khác đã nghiên cứu ra các phiên bản của cái được gọi là máy "Bombe" - một trong những máy tính sớm nhất, được phát triển bởi thiên tài toán học người Anh Alan Turing để phá mã Enigma của người Đức với sự hỗ trợ của hơn hai nghìn phụ nữ được tuyển dụng cho nhiệm vụ tại công viên Bletchley nổi tiếng hiện nay, ở phía tây bắc London.

Nữ nhân viên phá mã 100 tuổi và lời tuyên thệ nghề nghiệp - 1

Cụ Julia Parsons và tấm ảnh cụ chụp thời Thế chiến II; Nguồn: military.com

Lục quân và Hải quân sau đó đã phát triển phiên bản riêng của cỗ máy Bombe dựa trên công trình ở Bletchley Park, có mật danh là "Ultra" - chủ đề của một số bộ phim. Parsons nói: "Alan Turing và nhóm của ông ấy đã làm một công việc tuyệt vời với chiếc máy tính đó. "Giữa máy tính và Enigma, cuối cùng chúng tôi đã hoàn thành hầu hết các tin nhắn, nhưng phải mất rất nhiều công sức và rất nhiều người. Và tôi yêu thích công việc này".

Quá tự tin và chủ quan, Đức đã phải trả giá đắt

Trong buổi giao lưu tại câu lạc bộ VBC, cụ Julia Parsons cho biết, thành công của cụ và cộng sự được hỗ trợ rất nhiều bởi sự kiêu ngạo của Bộ Chỉ huy Tối cao Đức khi tin rằng các đồng minh không thể phá vỡ mã "Bí ẩn" ("Enigma") được tung hô của họ mặc dù có cảnh báo từ chính một viên chỉ huy tàu ngầm U-Boat. Cụ nói với Military.com về việc giải mã các tin nhắn từ một chỉ huy U-boat nổi lên để liên lạc với cấp trên của y.

Ý chính của thông điệp của y là, "mỗi khi tôi nổi lên, trong khoảng nửa giờ đều có máy bay vo ve trên đầu. Tôi nghĩ họ (quân Đồng minh) đang đọc được mã của chúng ta", Parsons nói. Giải mã là cách cụ và các đồng đội có được manh mối tốt nhất của mình. "Chính sự bướng bỉnh của họ (Đức) không tin rằng ai đó có thể đọc được mã của mình, đã hại họ. Họ tiếp tục sử dụng nó - điều mà chúng tôi rất mừng".

Lời tuyên thệ nghề nghiệp

"Nó giống như thực hiện đảo chữ mỗi ngày hoặc giải ô chữ hay gì đó," cụ nói. "Thật vui nhưng cũng thật bực mình" vì ở chỗ cụ làm việc, mọi người đều tuyên thệ không nói về nó. Cụ cho biết đã giữ lời tuyên thệ của mình rất lâu sau chiến tranh. Công việc giải mã tại Bletchley Park và ở Mỹ đã được giải mật vào những năm 1960, nhưng cụ Parsons đã không biết về điều đó cho đến năm 1997, khi cụ đã có thể nói với chồng về những gì mình đã làm trong chiến tranh trước khi ông qua đời.

"Nhưng cha mẹ tôi không bao giờ biết về những gì tôi đã làm," cụ nói. Cụ Parsons cho biết, cuối cùng, bí mật này hiện đã được chia sẻ với 3 người con, 8 người cháu và 11 người chắt của cụ. Cụ vẫn biết ơn về cơ hội mà Hải quân đã cho cụ được phục vụ. "Hải quân không bao giờ ngừng tạo điều kiện," cụ nói. "Tôi gặp chồng mình ở đó và có công việc của cuộc đời mình nhờ họ; và bây giờ, tôi được tiêm phòng Covid-19 cũng nhờ họ".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm