Nữ nhà báo chạy khỏi Afghanistan sau cuộc phỏng vấn lịch sử với Taliban
(Dân trí) - Từng gây tiếng vang lớn với cuộc phỏng vấn chưa từng có trong lịch sử với một đại diện của Taliban trong tháng này, nữ phóng viên Afghanistan Beheshta Arghand lại đang phải trốn chạy khỏi đất nước.
Giữa tháng này, Beheshta Arghand, nữ phát thanh viên của kênh truyền hình TOLO News ở Afghanistan, thu hút sự chú ý khi trở thành nữ phóng viên Afghanistan đầu tiên phỏng vấn người phát ngôn của Taliban trên sóng truyền hình. Cuộc phỏng vấn được đề cập đến trên truyền thông khắp thế giới.
Hai ngày sau, Arghand tiếp tục thực hiện một cuộc phỏng vấn gây sự chú ý không kém với Malala Yousafzai, một nhà hoạt động từng thoát âm mưu ám sát của Taliban. Đó cũng là lần đầu tiên Yousafzai trả lời phỏng vấn trên truyền hình Afghanistan.
Tuy nhiên, sau đó Arghand quyết định rời Afghanistan với lý do những mối nguy hiểm mà rất nhiều nhà báo và dân thường khác ở Afghanistan đang phải đối mặt. "Tôi phải rời đất nước bởi vì như hàng triệu người khác tôi lo sợ Taliban", Arghand chia sẻ.
Saad Mohseni, giám đốc kênh truyền hình TOLO News, cho rằng trường hợp của Arghand có thể coi là trường hợp tiêu biểu cho thấy tình hình ở Afghanistan hiện nay. "Gần như tất cả phóng viên, nhà báo có năng lực của chúng tôi đều phải rời đi. Chúng tôi đang phải cùng lúc đối mặt với hai thách thức là đưa người của mình rời đi vì họ cảm thấy không an toàn, vừa xoay sở để tiếp tục hoạt động".
Arghand, 24 tuổi, từng làm việc ở một số hãng truyền thông khác nhau trước khi gia nhập đội ngũ của TOLO News. "Tôi làm việc ở đó mới được một tháng 20 ngày thì Taliban tràn đến". Cuộc phỏng vấn hôm 17/8 của cô với người phát ngôn của Taliban đánh dấu "lần đầu tiên trong lịch sử Afghanistan một đại diện cấp cao của Taliban đồng ý tham gia trả lời phỏng vấn một nữ phát thanh viên trên truyền hình".
Arghand tâm sự, với cô, cuộc phỏng vấn này rất thử thách, nhưng cô vẫn quyết định thực hiện "vì quyền lợi của phụ nữ Afghanistan". Cô nói: "Tôi tự nhủ, nếu chúng tôi cứ ở trong nhà, không đến cơ quan, họ sẽ nói rằng phụ nữ Afghanistan không muốn đi làm. Tôi đã tự nhủ phải bắt đầu làm việc. Và tôi đã nói với thành viên của Taliban rằng: Chúng tôi muốn có quyền lợi của chúng tôi. Chúng tôi muốn làm việc. Chúng tôi muốn và chúng tôi phải có sự hiện diện và tiếng nói trong xã hội. Đó là quyền lợi của chúng tôi".
Tuy nhiên, cứ mỗi ngày trôi qua, lại có tin Taliban đe dọa giới truyền thông. Hai ngày sau cuộc phỏng vấn nhà hoạt động Yousafzai, cô đã tìm đến nhà hoạt động này để nhờ sự giúp đỡ. Tuần trước, cô đã lên một chuyến bay của Không quân Qatar để sơ tán khỏi Afghanistan cùng với một số thành viên trong gia đình.
Arghand nói, cô hy vọng, một ngày nào đó có thể trở lại đất nước. "Nếu Taliban thực hiện những điều mà họ nói, điều mà họ cam kết, tình hình sẽ tốt hơn, khi đảm bảo không còn mối đe dọa nào, tôi sẽ trở lại đất nước, cống hiến cho đất nước, cho người dân", Arghand cho biết.
Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan hôm 15/8. Kể từ đó đến nay, Taliban liên tục đưa ra những thông điệp ôn hòa như khuyến khích phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội, thậm chí tham gia vào chính quyền mới. Tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi giành quyền kiểm soát Afghanistan, người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid cam kết, phụ nữ Afghanistan sẽ không chịu sự phân biệt đối xử và có cơ hội học tập, làm việc "trong khuôn khổ" luật Hồi giáo. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn hoài nghi về những cam kết này.