1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nữ chính khách và thách thức cân bằng sự nghiệp - con cái

(Dân trí) - Khi phụ nữ tham gia chính trường, câu chuyện gia đình không còn là vấn đề riêng tư. Quyết định sinh con hay không có thể là lợi thế thăng tiến, nhưng đôi khi lại trở thành vật cản cho sự nghiệp chính trị của họ.


Truyền thông Đức không bình luận về chuyện Thủ tướng Đức Angela Merkel và chồng không sinh con (Ảnh: Reuters)

Truyền thông Đức không bình luận về chuyện Thủ tướng Đức Angela Merkel và chồng không sinh con (Ảnh: Reuters)

Không sinh con để tập trung vào sự nghiệp chính trị

Bà Jacinda Ardern , lãnh đạo đảng chính trị mới ở New Zealand, đã tỏ ra giận dữ khi nhiều lần bị hỏi về chuyện con cái. “Đây là năm 2017 và điều đó không thể chấp nhận được”, bà cho biết.

Trên thế giới, một số nữ chính khách đã phải đối mặt với những cuộc công kích chính trị nghiêm trọng chỉ vì họ không có con. Điển hình là trường hợp cựu Thủ tướng Australia Julia Gillard. Trong suốt nhiệm kỳ, bà đã phải liên tục đấu tranh chống lại các đợt công kích cá nhân nhằm vào chuyện độc thân của bà, mà phổ biến nhất là cáo buộc chủ ý không sinh con.

Trong một bài xã luận, tờ Sydney Morning Herald viết: "Hình tượng truyền thông của bà không phải mẫu người lý tưởng với một bộ phận cử tri: phụ nữ độc thân, không có con và dành toàn bộ thời gian cho sự nghiệp.".

Chuyên gia chính trị học Jessica Smith cho biết mặc dù vai trò người phụ nữ trong xã hội đang thay đổi, quan niệm phổ biến về họ vẫn là những bà mẹ. “Khuôn mẫu của phụ nữ vẫn là người chăm sóc”, Smith nói với BBC. “Nếu một nữ chính khách không có con, bà ấy sẽ bị coi là hy sinh chuyện gia đình để theo đuổi đam mê. Với nam giới, dường như tồn tại quy ước là không tranh luận về vấn đề đó”.

Trong khi đó, tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đôi khi được gọi là "mutti" (mẹ), nhưng bà không có con dù đã 2 lần kết hôn. Chủ đề này không xuất hiện trên báo chí Đức; vì ở đây pháp luật bảo vệ quyền riêng tư rất nghiêm ngặt và truyền thông nước này không bình luận về đề tài này. Chỉ có một lần vào năm 2005, khi bà Merkel ra ứng cử đối đầu với đương kim Thủ tướng Gerhard Schröder, vợ ông đã bình luận rằng bà Merkel thiếu kinh nghiệm sống của đa số phụ nữ. Điều này dương như ám chỉ đến chuyện làm mẹ.

Tại Anh, một năm trước, hai nữ chính khách Andrea Leadsom và Theresa May cạnh tranh để trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ, vị trí sẽ dẫn đến chức vụ thủ tướng Anh. Trong một cuộc phỏng vấn, chính trị gia 3 con Leadsom nói rằng việc làm mẹ có nghĩa là sản sinh ra những mầm non tương lai cho đất nước.

Phát biểu đó được hiểu là bà Leadsom công kích đối thủ Theresa May khi hai vợ chồng bà không sinh con. Phản ứng của công luận là ngoài sự mong đợi của Leadsom. Bất chấp những lời thanh minh và cả xin lỗi sau đó, uy tín của bà sụt giảm nặng nề và đã buộc phải rút khỏi vị trí ứng viên chủ tịch đảng.

Cân bằng sự nghiệp chính trị và cuộc sống cá nhân

Bà Frauke Petry (Ảnh: Frauke Petry/Twitter)
Bà Frauke Petry (Ảnh: Frauke Petry/Twitter)

Theo chuyên gia Smith, quan niệm phổ biến về phụ nữ thường nhấn mạnh đến tính cộng đồng và chăm sóc, và việc làm mẹ có thể giúp họ khuếch trương hình ảnh đó. Một nữ chính khách giỏi sẽ biết cách khai thác giá trị của gia đình truyền thống cho mục tiêu chính trị.

Ví dụ tiêu biểu là bà Sarah Palin, cựu Thống đốc bang Alaska, người tiên trở thành ứng cử viên phó tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa năm 2008. Dù thua cuộc nhưng bà mẹ 5 con này đã gây ấn tượng mạnh với hình tượng người phụ nữ biết cách cân bằng sự nghiệp và cuộc sống.

Ngoài ra, có thể nhắc đến bà Frauke Petry, lãnh đạo đảng AfD Đức, nổi tiếng với hình tượng người mẹ làm chính trị. Bà thường xuyên xuất hiện trong các cuộc họp với bụng bầu, và vừa sinh đứa con thứ 5 ở tuổi 41. Trên mạng xã hội Twitter, hình ảnh bà Frauke Petry ôm con xuất hiện nổi bật với thông điệp “Điều gì khiến bạn chiến đấu cho nước Đức”?

Hay gần đây nhất là trường hợp của ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2016 Hillary Clinton. Bà Clinton đã sử dụng hình ảnh bà ngoại của mình để khiến hình ảnh “mềm mại” hơn trong mắt cử tri.

Tuy nhiên, không phải nữ chính trị gia nào cũng vừa có thể chăm sóc gia đình và vừa phát triển sự nghiệp chính trị. Trường hợp của bà Yuko Obuchi, Bộ trưởng phục trách công tác dân số Nhật, là một ví dụ. Trong cuộc phỏng vấn năm 2009, bà Obuchi cho biết bản thân mình rất lo lắng về việc giữa công việc và gia đình.

Năm 2011, Bộ trưởng Nội vụ Nga Zumrud Rustamova trước khi sinh con khoảng một tuần đã tham dự một cuộc họp quan trọng và nhận xét: "Mọi thứ đều có vẻ ổn, nhưng ai cũng nhìn lén bụng tôi".

Ở Anh, một nghiên cứu năm 2012 đưa ra kết luận là các nghị sĩ nữ có nguy cơ vô sinh cao gấp đôi người bình thường. Khi bước chân vào quốc hội, nam nghị sĩ có con lớn hơn trung bình là 4 tuổi khi so sánh với các đồng nghiệp nữ.

Gần đây, dường như sự thiệt thòi này đã được công nhận và có chính sách hỗ trợ. Ở một số nơi các nữ nghị sĩ được cho con bú ngay tại phiên họp quốc hội, hay có nhà trẻ để họ gửi con vào trong lúc làm việc. Nhưng, trở ngại lớn nhất có vẻ lại ở các cử tri.

Theo tổ chức Gia đình Barbara Lee ở Mỹ, những người đi bỏ phiếu đang nhận ra một tiêu chuẩn kép nhưng vẫn duy trì nó một cách có ý thức. Họ quan tâm đến công việc của một nữ chính khách cả ở văn phòng lẫn ở nhà. Nếu một ứng cử viên không có con, người ta lo lắng liệu cô ấy có thể hiểu được các vấn đề của gia đình. Còn nếu có con, rất dễ để đánh giá một người bỏ bê công việc hoặc không hoàn thành nghĩa vụ chăm sóc con cái, nhất là khi chúng còn nhỏ.

Đỗ Anh

Theo BBC