1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

NSA giám sát tình báo Đức trong cuộc khủng hoảng con tin ở Yemen

Trong núi tài liệu mật được “người thổi còi” Edward Snowden tiết lộ, các chuyên gia phát hiện Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đánh chặn tín hiệu những cuộc giao tiếp điện tử nhạy cảm giữa các cơ quan an ninh Đức trong một vụ bắt cóc ở Yemen.

Bọn bắt cóc chạy ôtô đến thành phố Saada miền Bắc Yemen, nơi có đông du khách và bắt đi hai vợ chồng người Đức cùng với 3 đứa con nhỏ của họ và 4 người khác. Vụ việc xảy ra vào ngày 12/6/2009. Một nhóm nhân viên cứu trợ từ thành phố Bautzen (Đức) điều tra về những nạn nhân mất tích suốt 5 năm liền và cái chết của họ được xác định vào tháng 8/2014. Cho đến nay người ta vẫn chưa rõ bọn bắt cóc là tội phạm phi chính trị hay người Hồi giáo.

NSA giám sát tình báo Đức trong cuộc khủng hoảng con tin ở Yemen - 1
Cuộc biểu tình chống bắt cóc ở Saada năm 2009, trong ảnh là người cha và 3 đứa con.

Vụ bắt cóc diễn ra ở miền Bắc Yemen đã dẫn đến việc thành lập các ủy ban giải quyết khủng hoảng tại Đại sứ quán Đức ở Yemen và Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin. Các nhà ngoại giao và chuyên gia từ Cơ quan Chống tội phạm liên bang Đức (BKA) cũng như Cơ quan Tình báo đối ngoại BND đã làm hết khả năng để tìm cơ hội tiếp xúc với nhóm bắt cóc. Tuy nhiên, những tin xấu sau đó được lan truyền - 3 người trong số bạn đồng hành với cặp vợ chồng - 2 y tá Đức và một giáo viên Hàn Quốc - được tìm thấy bị bắn chết chỉ sau vài ngày vụ bắt cóc xảy ra. Lúc đó, không chỉ riêng có giới chức chính quyền Đức quan tâm đặc biệt đến vụ bắt cóc này. Các tài liệu mới do Edward Snowden tiết lộ chứa đựng bằng chứng xác định NSA âm thầm gián điệp những cuộc giao tiếp điện tử của các cơ quan an ninh Đức có nhiệm vụ điều tra vụ bắt cóc.

NSA giám sát tình báo Đức trong cuộc khủng hoảng con tin ở Yemen - 2
Thi thể 3 nạn nhân bị giết chết được đưa từ Saada về thủ đô Saana của Yemen.

Đội ngũ chuyên gia phân tích của NSA đánh dấu bộ hồ sơ về vụ bắt cóc là: "Đức-Yemen/ những con tin". Trong một báo cáo thuộc bộ hồ sơ này của NSA ghi: "Ngày 12/7/2009, BKA của Đức báo cáo các con tin phương Tây ở Yemen còn sống, trong khi giới chức Yemen trì hoãn việc tiết lộ thông tin". Và 3 ngày sau, thêm một báo cáo khác của NSA ghi nhận "những cuộc bàn cãi về số con tin Đức ở Yemen đã bước vào giai đoạn quan trọng, theo báo cáo BND ngày 14/7/2009". Những chi tiết báo cáo này chứng minh chính quyền Mỹ không chỉ sử dụng tình báo điện tử để theo dõi bọn khủng bố và buôn lậu vũ khí mà còn nhắm mục tiêu vào các cơ quan tình báo nước ngoài, bao gồm cả đồng minh người Đức.

Tuy nhiên, trong các tài liệu mới tiết lộ của Edward Snowden không nêu rõ công nghệ mà NSA sử dụng để do thám thông tin từ bên trong BND và BKA của Đức mà chỉ biết chương trình tình báo tín hiệu này có tên mã là "Fairview" có sự hợp tác từ Tập đoàn viễn thông AT&T của Mỹ. "Fairview" được phát triển để giám sát tín hiệu truyền dẫn qua hệ thống mạng cáp quang ngầm dưới biển - những động mạch xuyên lục địa của Internet - và thu thập nội dung các email cũng như những giao tiếp điện thoại. Điều đó cho thấy NSA kiểm soát hoàn toàn mọi thông tin liên lạc nội bộ của tình báo Đức.

NSA giám sát tình báo Đức trong cuộc khủng hoảng con tin ở Yemen - 3

Hai vợ chồng người Đức và đứa con nhỏ trước khi bị bắt cóc ở Yemen.

Thông tin mới này càng gây thêm căng thẳng cho chính quyền Berlin trước hoạt động gián điệp quy mô toàn cầu của Mỹ. Một mặt âm thầm gián điệp tình báo Đức, mặt khác NSA còn hợp tác với họ. Từ năm 2010, chính quyền Đức đã biết BND giúp NSA theo dõi công dân cũng như các tổ chức Đức và châu Âu. Mới đây, các công tố viên Liên bang Đức đã buộc tội một nhân viên BND nhận 95.000 euro để cung cấp thông tin mật của cơ quan mà mình phục vụ cho Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Sở dĩ chính quyền Mỹ quan tâm đặc biệt vụ bắt cóc ở Yemen vì Washington cho rằng, Berlin sẵn sàng trả tiền chuộc để đổi lấy tự do cho những công dân Đức. Người Mỹ luôn duy trì chính sách cứng rắn không khoan nhượng và hành động trả tiền chuộc được coi là điều cấm kị đối với họ. Theo lập luận của người Mỹ, những túi chứa đầy USD chỉ hà hơi tiếp sức cho hoạt động bắt cóc tống tiền phát triển lan rộng. Chính sự khác biệt quan điểm này khiến nỗ lực giải quyết tình huống khó khăn ở Yemen của người Đức trở thành mục tiêu gián điệp hợp pháp đối với tình báo Mỹ.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Đức tuyên bố, chính quyền nước này không có bằng chứng cho thấy người Mỹ gián điệp vụ khủng hoảng bắt cóc ở Yemen. Người này nhấn mạnh những giao tiếp điện tử của chính quyền Đức đều được mã hóa an toàn. Theo tài liệu của Edward Snowden, chương trình "Fairview" bao gồm 2 chương trình con có tên mã là "US-990" và "US-3150".

Ngoài ra, NSA còn có báo cáo về những cuộc hội đàm giữa Đức và Hàn Quốc trong đó ghi: "Giới chức Đức và Hàn Quốc bàn luận các vấn đề G8/G20". NSA cũng chia sẻ thông tin này với các đối tác ở Canada, Australia, New Zealand và Anh với dấu đóng "TS", hay "Top Secret".

Theo Trang Thuần (tổng hợp)

An ninh Thế giới

NSA giám sát tình báo Đức trong cuộc khủng hoảng con tin ở Yemen - 4