1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nóng bỏng cuộc chiến trên vùng biển Bắc cực

(Dân trí) - Cuộc chiến giành chủ quyền tại Bắc cực đang trở nên nóng khi ngày 10/8 Canada đã khẳng định quyền sở hữu vùng biển này và công bố kế hoạch xây dựng một hải cảng, một căn cứ huấn luyện và hiện đại hoá lực lượng bán quân sự hiện đang tuần tra tại khu vực.

Tuyên bố này được đưa ra nhân chuyến thăm 3 ngày tới Bắc Băng Dương của Thủ tướng Canada Stephen Harper. Mặc dù Ottawa khẳng định chuyến thăm này được lên kế hoạch từ nhiều tháng trước nhưng nó bỗng nhiên có ý nghĩa rất quan trọng sau khi Nga tuyên bố cắm cờ ở độ sâu hơn 4.000m dưới đáy Bắc cực - vùng biển đang gây tranh cãi về chủ quyền mà Canada cũng có phần, vào tuần trước.

Ông Harper tuyên bố, Canada sẽ xây dựng một cảng biển nước sâu trị giá 95 triệu USD tại Nanisivik gần lối vào phía đông của Tuyến đường biển Tây Bắc. Đây sẽ là nơi tiếp nhiên liệu cho các tàu tuần tra quân sự của nước này. Tháng trước, Ottawa dự định chi khoảng 3 tỉ USD để mua ít nhất 6 tầu tuần tra cho vùng Bắc Băng Dương.

Ngày 10/7, chính phủ Canada cũng cho biết sẽ chi gần 4 triệu USD nhằm hiện đại hoá một căn cứ ở vịnh Resolute, cho phép huấn luyện các lực lượng quân sự tại Bắc cực.

Ngày 9/8, chính phủ Đan Mạch cho biết, các nhà nghiên cứu của nước này đang lên kế hoạch tới Bắc Băng Dương để thu thập các dữ liệu địa chất học trong một chuyến đi tương tự như cuộc thăm dò của Nga vào tuần trước.

 

Chuyến thám hiểm kéo dài một tháng của Đan Mạch sẽ nghiên cứu dãy núi Lomonosov mà nhiều nhà khoa học của nước này tin rằng nó là phần kéo dài của Greenland. Trong khi đó, Nga cũng tuyên bố sẵn sàng chứng minh rằng dãy núi Lomonosov là phần kéo dài của thềm lục địa Siberia.

 

Chuyến đi mang tên Lomrog sẽ có sự tham gia của các nhà nghiên cứu hàng đầu như Martin Jakobsson từ Đại học Stockholm và Christian Marcussen từ Trung tâm địa chất học của Đan Mạch và Greenland. Họ sẽ nghiên cứu tỉ mỉ Lomonosov để xác định xem dãy núi này có liên hệ về mặt địa lý với Greenland, một lãnh thổ của Đan Mạch hay không.

 

Cuộc chiến vì quyền lợi

 

Ngày 2/8, sự kiện Nga cắm cờ dưới đáy biển Bắc cực ở độ sâu hơn 4.000 m đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ những quốc gia đang tranh chấp chủ quyền tại vùng biển này. Bình luận sau động thái mới của Matxcơva, Thủ tướng Canada Stephen Harper nói: “Đây đâu phải thế kỷ 15. Nga không thể đi khắp nơi, cắm cờ và sau đó tuyên bố sở hữu lãnh thổ đó”.

 

Việc Nga cắm cờ tại Bắc Băng Dương đã khơi mào cho một cuộc chiến vốn âm thầm bấy lâu nay về chủ quyền tại vùng biển này.

 

Ngoài Nga, Canada, Đan Mạch, 2 quốc gia khác là Mỹ và Na Uy cũng đấu tranh khẳng định chủ quyền tại Bắc Băng Dương, nơi trữ khoảng 25% dầu mỏ và khí đốt của thế giới, theo một nghiên cứu của Mỹ.

 

Khu vực này hiện tại không được xem là một phần lãnh thổ của quốc gia đơn lẻ nào và thay vì đó được kiểm soát bởi một loạt các hiệp định quốc tế phức tạp.

 

VTH

Theo BBC