1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nỗi oan của chim di cư

(Dân trí) - Năm nay, khi dịch cúm gia cầm H5N1 khởi phát, cả thế giới đã lo ngại về nguy cơ đại dịch lan rộng qua các loài chim di cư. Nhưng cho đến nay, khi gần kết thúc mùa di cư, hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó xảy ra.

Chim di cư hoang dã không phải vật truyền bệnh

 

Theo những ghi nhận của Birdlife - trong vài tháng vừa qua, hàng triệu con chim nước rời khỏi nơi sinh sản của mình ở phía bắc, di chuyển trên những lộ trình truyền thống theo những tuyến di cư rộng lớn và phức tạp.

 

Chim di cư phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy: những đợt gió mạnh có thể thổi bay chúng, động vật ăn thịt và thợ săn chờ sẵn chúng khi hạ cánh để nghỉ ngơi và kiếm ăn, thêm vào đó chúng phải vượt qua những khoảng cách lớn trong điều khắc nghiệt như sa mạc hoặc đại dương. Năm nay, chúng còn phải đối mặt với một mối hiểm nguy nữa, đó là chủng vivus cúm gia cầm gây chết người và chim.     

 

Chim nước di cư không phát tán virus cúm gia cầm có tính sinh bệnh cao H5N1 ra diện rộng, và có lẽ không phải là nguyên nhân gây ra bất cứ đợt bùng phát cúm gia cầm được ghi nhận nào trong thời gian vừa qua - Birdlife khẳng định. Quan trọng hơn, loại virus này đến nay vẫn chưa có ghi nhận nào ở các vùng trú đông chính của chim nước tại Ấn Độ và Châu Phi.

 

Đáng tiếc là việc báo cáo thiếu cân nhắc của một số cơ quan chính phủ, qua phản ánh của một số phương tiện thông tin đại chúng, đã gieo rắc sự hoảng sợ thiếu căn cứ, làm nhiễu thông tin và tạo ra nỗ lực sai định hướng là tiêu diệt chim hoang dã.

 

Tất cả các bằng chứng thu thập được cho thấy virus H5N1 có khả năng gây tử vong cao đối với các loài chim hoang dã và giết chết chúng một cách nhanh chóng. Vì vậy, các cá thể chim bị nhiễm bệnh không thể di chuyển qua những chặng dài. Đồng thời loại virus này chỉ tập trung ở những phạm vi hẹp, quanh nơi phát hiện chim tử vong. 

 

Hình thức và lịch trình phát tán virus cúm gia cầm có tính sinh bệnh cao H5N1 trong các đàn gia cầm - từ đông nam đến tây bắc Trung Quốc và tiếp đến phía nam của nước Nga - không trùng với hình thức và lịch trình di cư của các đàn chim hoang dã.

 

Tất cả những điều này cho thấy chim hoang dã đang là nạn nhân, chứ không phải vật truyền  bệnh của virus cúm gia cầm H5N1.

 

Nhưng nếu các loài chim di cư không làm phát tán virus H5N1, thì nguyên nhân phát tán của chủng virus này là gì? Có ít nhất 3 con đường có khả năng truyền bệnh: Việc vận chuyển các đàn gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý; Việc buôn bán chim hoang dã; Việc sử dụng phân của gia cầm bị nhiễm bệnh để làm phân bón trong nông nghiệp và làm thức ăn cho cá và lợn.

 

Nguy cơ đối với con người

 

Mặc dù virus H5N1 có thể gây bệnh nguy hiểm đối với con người, chủng virus này khó có thể nhiễm sang người và cho đến nay hầu như chưa truyền từ người sang người. Mối lo hiện nay là chủng virus này có thể biến đổi thành dạng mới có khả năng truyền bệnh dễ dàng từ người sang người.

 

Trong vòng 100 năm trở lại đây, đã có 4 đại dịch lớn do cúm tuýp A ở người gây chết nhiều người trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy việc nhiễm virus H5N1 ở người là từ chim hoang dã. Các trường hợp nhiễm bệnh ở người xảy ra ở những người có tiếp xúc trực tiếp với gia cầm. Nếu so số lượng và phạm vi của các đợt bùng phát dịch ở gia cầm và thuỷ cầm ở địa phương thì số lượng các trường hợp nhiễm bệnh ở người là rất ít, cho thấy khả năng truyền virus từ gia cầm sang người vẫn còn thấp.

 

Các hoạt động như xem chim và cho chim vườn ăn là hoàn toàn an toàn, nếu tuân thủ các biện pháp phòng ngừa đơn giản như: tránh chạm vào xác chết của chim hoang dã, và rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi cho chim ăn và rửa khay thức ăn của chim.

 

Các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm do virus H5N1 xảy ra gần đây ở chim hoang dã

 

Nhật Bản, Hàn Quốc: 2004

Tìm thấy xác quạ và giẻ cùi  ở gần các ổ dịch cúm gia cầm

 

Hồng Kông: 2004 & 2005

Ba cá thể chim chết trong hai đợt, lần đầu tiên có liên hệ giữa chim bán hoang dã trong công viên và các đợt bùng phát cúm gia cầm.

 

Hồ Qinghai, Trung Quốc: từ tháng 5 - tháng 7/2005

Khoảng 6.000 cá thể chết, gồm chủ yếu là Ngỗng Ấn Độ, ngoài ra có một số vịt, mòng bể và cốc, được phát hiện trong hơn 2 tháng ở một khu vực nhỏ tại hồ Qinghai. Kiểu gen của virus có liên hệ với một đợt bùng phát cúm gia cầm ở miền nam Trung Quốc.

 

Nga/Kazakhstan: tháng 7-8 và 11/2005

Một số cá thể chim hoang dã được báo cáo là bị chết, cùng lúc với các đợt dịch cúm gia cầm dọc theo các tuyến giao thông chính. Kiểm gen của virus này có liên hệ với chủng virus tương tự ở hồ Qinghai.

 

Hồ Erhel, Mông Cổ: tháng 8/2005

80 cá thể ngỗng và thiên nga chết chỉ trong vài ngày. Kiểu gen của virus này có liên hệ với chủng virus tương tự như ở hồ Qinghai.

 

Romani: tháng 10/2005

Chết cục bộ (một đợt 537 con thiên nga trong vài ngày, một đợt khác là 2 con ngỗng, 1 con thiên nga và một con diệc) các đợt chim chết đều trùng với các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm. Kiểu gen của virus có liên hệ với chủng virus tương tự ở hồ Qinghai.

 

Croatia: tháng 10/2005

Chết cục bộ ở các ao nuôi cá (một đợt 15 cá thể trong một đàn 1500 con thiên nga, và một đợt khác 15 cá thể trong một đàn khác 244 con, cả hai trường hợp này đều xảy ra chỉ trong một vài ngày). Không rõ chúng nhiễm virus ở các ao nuôi cá này hay từ nơi khác, vì chúng bị bệnh ngay sau khi đến.

 

Một con Thiên nga rõ ràng là khỏe mạnh khi được đeo vòng ở Hungary 5 tuần trước đó cũng đã bị chết ở một trong các ao cá này. Không có ổ bùng phát dịch cúm gia cầm nào được báo cáo tại thời điểm đó. Kiểu gen của virus này  gần với kiểu gen của các loại virus đã được phân lập ở Trung Quốc và Siberia hơn là kiểu gen của loại virus trong các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm ở Romani và Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Tất cả các mẫu khác ở Croatia (lấy ở khoảng 2000 cá thể chim hoang dã và gia cầm, bao gồm các loài vịt, cốc đế và sâm cầm cũng tại các ao cá này) đều cho kết quả âm tính đối với H5N1.

 

Kuwait: tháng 11/2005

Một con hồng hạc, theo một thông tin không chính thức thì là chim nuôi nhốt: báo cáo chính thức của OIE mô tả là các mẫu lấy ở “trang trại gần đấy”. Theo các thông tin trên các phương tiên truyền thông đại chúng, một vài tuần trước đó, Kuwait  đã cho phép nhập khẩu một lô hàng có các con chim rõ ràng đã bị nhiễm chủng cúm gia cầm.

 

Nguyễn Hiền - Phương Thảo