"Nội chiến" đảng Cộng hòa
Thượng nghị sĩ Ted Cruz hôm 5-3 đã chiến thắng tỷ phú địa ốc Donald Trump tại 2 trong số 5 bang tham gia lựa chọn ứng viên tổng thống.
Tờ New York Times bình luận, chiến thắng ngày “Siêu thứ Bảy” này không chỉ giúp ông Ted Cruz trở thành đối thủ chính của nhà tỷ phú trong cuộc đua giành đề cử từ đảng Cộng hòa mà còn khiến các ông nghị đảng này tạm thở phào nhẹ nhõm…
Hôm thứ bảy, ngày 5-3 (giờ Mỹ), đảng Cộng hòa có các cuộc bầu cử sơ bộ ở 4 bang gồm Cansas, Louisiana, Kentucky và Maine, trong khi bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ diễn ra tại các bang Nebraska, Kansas và Louisiana.
Ngày "Siêu thứ Bảy" đã kết thúc cho Đảng Cộng hòa, với kết quả Ted Cruz và Donald Trump mỗi người thắng ở hai bang. Điều đáng nói là ông Ted Cruz thắng áp đảo ở bang Maine và Kansas, trong khi ông Donald Trump chỉ giành chiến thắng sít sao trước chính ông Ted Cruz ở bang Kentucky và Louisiana.
Ngày “Siêu thứ Bảy” có thể coi là ngày thành công của nghị sĩ Ted Cruz khi có thêm 64 ghế đại biểu, so với 49 của ông Donald Trump và rút ngắn được khoảng cách về số ghế đại biểu. Hiện tại, số ghế đại biểu của ông Ted Cruz là 295, chỉ còn kém ông Donald Trump 83 phiếu (số phiếu của ông Trump là 378).
Kết quả này được cho là sẽ khiến các ông nghị đảng "Con voi" tạm thở phào với kỳ vọng ông Ted Cruz có thể đuổi kịp và cản đà chiến thắng của đối thủ Donald Trump. Trong các đợt bầu cử sơ bộ diễn ra tại 15 bang và vùng lãnh thổ trước đó, chiến thắng phần lớn thuộc về ông Donald Trump; đặc biệt, trong ngày “Siêu thứ Ba” (1-3), ông Donald Trump chiến thắng áp đảo tại 8 bang.
Những chiến thắng liên tiếp của tỷ phú Donald Trump trong cuộc đua trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới đang khiến đảng của ông trùm bất động sản này trở nên xáo trộn. Trong khi các đảng viên Dân chủ hợp nhất ủng hộ ứng cử viên tổng thống hàng đầu của họ là cựu Đệ nhất phu nhân, đồng thời là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, thì những từ như “hỗn loạn” hoặc “nội chiến” lại được giới truyền thông Mỹ sử dụng nhiều để mô tả tình cảnh của đảng Cộng hòa (GOP).
Các đảng viên cao cấp và kỳ cựu của GOP như ngồi trên đống lửa trước viễn cảnh tỷ phú Donald Trump đại diện đảng này trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Hai ứng viên tổng thống gần đây nhất của đảng Cộng hòa-ông Mitt Romney và thượng nghị sĩ John McCain-đều chê ông Donald Trump không đủ năng lực ngồi vào chiếc ghế trong Nhà Trắng, thậm chí là mối đe dọa quốc gia nói chung và đảng Cộng hòa nói riêng. Chỉ trích rất nặng lời, ông Romney cảnh báo dưới sự lãnh đạo của tỷ phú Donald Trump, nước Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái kéo dài.
Cùng đó là một loạt cựu lãnh đạo đảng Cộng hòa khác ký tên vào thư chống ông Donald Trump. Báo Washington Post đưa tin, danh sách ký tên vào lá thư công bố hôm 3-3 bao gồm hàng loạt cái tên nặng ký như: Robert Zoellick-cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới và cựu Ngoại trưởng Mỹ, Michael Chertoff-cựu Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Eric S.Edelman-Cố vấn cao cấp của cựu Phó tổng thống Dick Cheney, David R.Shedd-Giám đốc Cơ quan tình báo quốc phòng…
Ngay trước ngày công bố lá thư, các lãnh đạo đảng Cộng hòa như Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell… cũng đều gay gắt chống lại “người cùng nhà” Donald Trump.
Ngoài ra, một chiến dịch quảng cáo nặng “đô” chặn ông Donald Trump cũng đã bắt đầu. Nghe đâu, hai nhân vật “có trọng lượng” khác trong hàng ngũ đảng Cộng hòa là Thượng nghị sĩ Ben Sasse và Thống đốc bang Massachusetts, ông Charlie Baker đang dẫn đầu một chiến dịch với sự góp mặt của nhiều đảng viên Cộng hòa kỳ cựu khác nhằm công khai, mạnh mẽ và ầm ĩ chống lại việc chọn ông Donald Trump làm ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa cũng như không bỏ phiếu cho ông Donald Trump.
Tất cả những hoạt động kể trên đều nhắm tới một đích: Cản đà tiến đang như vũ bão của ông Donald Trump bằng cách gieo sự ngờ vực vào đầu những cử tri ủng hộ ông và tô đậm quyết tâm chống ông này trong hàng ngũ đảng Cộng hòa “chính quy”.
Cũng dễ hiểu tại sao tỷ phú địa ốc bị “người nhà” ghẻ lạnh. Dựa vào những phát biểu trong quá trình tranh cử, nhiều người lo ngại ứng viên này sẽ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, tăng thuế đối với người giàu, can thiệp vào chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang (FED)… nếu lên nắm quyền.
Khi đó, quan hệ giữa Nhà Trắng và quốc hội, vốn đã xấu lúc này, có thể đổ vỡ hoàn toàn. Không đâu ngán kịch bản này như Phố Wall, dù ông Donald Trump xuất thân là một doanh nhân. “Xét theo quan điểm kinh tế và thị trường, một nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump sẽ là thảm họa”, ông Barry Randall, nhà quản lý tại Công ty Quản lý đầu tư Covestor, nhận định.
Nhưng sau những bước tiến dài đầy bất ngờ của ông Donald Trump, liệu đảng Cộng hòa còn có thể cản ông? Báo Sydney Morning Herald bình luận mọi nỗ lực đều có thể đã là quá muộn, thậm chí chiến dịch chống ông Donald Trump sẽ phản tác dụng, làm đông đảo những người ủng hộ ông Donald Trump quay qua rút lại sự ủng hộ với đảng Cộng hòa nói chung.
Còn Báo Washington Post thì dẫn lời John Lehman, người từng làm cố vấn cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông McCain hồi năm 2008, cho rằng việc đặt ra vấn đề ông Donald Trump không thích hợp với cương vị tổng tư lệnh quân đội Mỹ là hợp lý, nhưng vấn đề là thời điểm. Theo ông, tất cả đã quá muộn, bởi trước đây đảng Cộng hòa và các ứng viên tổng thống đã không đoàn kết mà chống lại ông Donald Trump vì “không ai nghĩ ông ta có thể tiến xa đến thế”.
Tuy nhiên, còn tới hơn 30 tiểu bang trên toàn nước Mỹ sẽ tiến hành bầu cử sơ bộ trước khi diễn ra đại hội của hai đảng vào tháng 7-2016 để lựa chọn ứng viên đại diện cho đảng mình ra tranh cử tổng thống. Hiện ông Donald Trump còn thiếu 859 phiếu đại biểu, còn ông Ted Cruz thiếu 942 phiếu và không có gì là chắc chắn khi khoảng cách phiếu đại biểu giữa hai ứng viên là con số 83 mong manh. Do đó sẽ còn nhiều bất ngờ diễn ra trong cuộc đua.
Theo Ngọc Hà
Quân đội nhân dân