1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nỗi ám ảnh đi vào "vết xe đổ" Libya của Triều Tiên

(Dân trí) - Những gì từng xảy ra với Libya liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân gây tranh cãi khiến Triều Tiên không khỏi lo ngại rằng một ngày nào đó lịch sử sẽ lặp lại với chính nước này.

Các nhà báo Mỹ ghi hình tại lò phản ứng hạt nhân Tajura của Libya sau khi ông Gaddafi thông báo ý định hủy chương trình vũ khí hạt nhân năm 2004 (Ảnh: AP)
Các nhà báo Mỹ ghi hình tại lò phản ứng hạt nhân Tajura của Libya sau khi ông Gaddafi thông báo ý định hủy chương trình vũ khí hạt nhân năm 2004 (Ảnh: AP)

Khi Triều Tiên bất ngờ đưa ra tuyên bố dọa hủy hội nghị thượng đỉnh lịch sử với Mỹ hôm 16/5, nước này 5 lần nhắc tới số phận của một quốc gia và một nhà lãnh đạo ở cách Triều Tiên nửa vòng Trái Đất. Bình Nhưỡng xem quốc gia này như một hình mẫu cho sự mất niềm tin vào Mỹ trên con đường phi hạt nhân hóa.

Đất nước đó là Libya và nhà lãnh đạo đó là Đại tá Muammar el-Qaddafi - người từng đưa ra quyết định đánh cược sai lầm rằng, có thể đổi chương trình hạt nhân vừa mới manh nha để lấy viễn cảnh hội nhập kinh tế với phương Tây. Thỏa thuận giữa Libya với Mỹ cách đây 15 năm gắn liền với chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush và bây giờ đang lặp lại với Triều Tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore về vấn đề phi hạt nhân hóa, được xem là cơ hội hiếm có để chấm dứt hàng chục năm đối đầu giữa Mỹ và Triều Tiên. Theo suy tính của ông John R. Bolton, tân Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump đồng thời là “kiến trúc sư” của thỏa thuận Libya, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều sẽ phải đạt được một thỏa thuận tương tự thỏa thuận Libya. Theo thỏa thuận này, Triều Tiên sẽ từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân để đổi lấy cam kết hội nhập kinh tế.

Trong tuyên bố dọa hủy hội nghị thượng đỉnh với Mỹ, Triều Tiên đã chỉ trích những bình luận của ông Bolton và mô tả ý tưởng của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ là “mô hình từ bỏ vũ khí kiểu Libya”.

Câu chuyện tại Libya

Cố lãnh đạo Gaddafi, người nắm quyền tại Libya hơn 40 năm trước khi bị lật đổ và sát hại (Ảnh: SMH)
Cố lãnh đạo Gaddafi, người nắm quyền tại Libya hơn 40 năm trước khi bị lật đổ và sát hại (Ảnh: SMH)

Năm 2003, Đại tá Qaddafi chứng kiến cảnh Mỹ mang quân tới Iraq và lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein. Khi đó, ông Qaddafi hiểu rằng rất có thể ông sẽ là nhân vật tiếp theo bị lật đổ theo tính toán của Mỹ.

Sau một loạt cuộc đàm phán kéo dài và bí mật với Anh và Mỹ, ông Qaddafi đồng ý tự nguyện giao nộp trang thiết bị từng mua của A.Q. Khan - “cha đẻ” của chương trình hạt nhân Pakistan. Theo New York Times, Triều Tiên và Iran cũng từng là “khách hàng” của Khan - người bị chính quyền Pakistan quản thúc sau khi các hoạt động liên quan tới chương trình hạt nhân của ông này bị bại lộ.

Các vật liệu chế tạo vũ khí hạt nhân của Libya sau đó được đưa ra khỏi lãnh thổ và phần lớn trong số đó được chuyển tới một phòng thí nghiệm vũ khí của Mỹ tại Oak Ridge, Tennessee. Khi cựu Tổng thống Bush thông báo về thỏa thuận hạt nhân với Libya, ông bày tỏ hy vọng rằng “các nhà lãnh đạo khác sẽ lấy trường hợp của Libya làm gương”. Tuyên bố này của nhà lãnh đạo Mỹ dường như gửi thông điệp tới hai quốc gia khác bị nghi nuôi tham vọng hạt nhân là Triều Tiên và Iran.

Năm 2011, Mỹ và các đồng minh châu Âu bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm vào Libya với cớ là ngăn nhà lãnh đạo Gaddafi gây ra một cuộc thảm sát nhằm vào dân thường. Khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thuyết phục Tổng thống Barack Obama đồng ý tham gia vào sứ mệnh quân sự do châu Âu dẫn đầu tại Libya.

Theo thông tin từ các cuộc phỏng vấn được thực hiện với hơn 6 người từng tham gia vào các cuộc thảo luận về vấn đề Libya, không ai trong Phòng Tình huống khi đó tranh luận về việc liệu quyết định can thiệp quân sự tại Libya sẽ gửi thông điệp gì đến những nước mà Mỹ đang cố gắng thuyết phục từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Các động thái can thiệp quân sự tại Libya đã tạo điều kiện cho phiến quân chống chính phủ truy đuổi nhà lãnh đạo Gaddafi. Nhiều tháng sau đó, phiến quân đã kéo ông Gaddafi ra khỏi một rãnh hào và giết chết ông. Kể từ đó, Libya trở thành một quốc gia hỗn loạn và chìm trong bạo lực.

Những gì xảy ra tại Libya chắc hẳn đã gửi thông điệp nhất định tới Triều Tiên.

Nỗi sợ “vết xe đổ” Libya

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Trong suốt nhiều năm qua, Triều Tiên dường như bị ám ảnh bởi nỗi sợ lặp lại số phận như Libya, hoặc lo ngại rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể chịu chung cảnh ngộ với Đại tá Gaddafi. “Tấm gương” Libya cũng là nhân tố tác động tới tính toán của Triều Tiên trong chương trình phát triển vũ khí.

Năm 2011, sau khi Mỹ và các đồng minh tiến hành các cuộc không kích tại Libya, Ngoại trưởng Triều Tiên tuyên bố việc phi hạt nhân hóa quốc gia Bắc Phi là một “chiến thuật xâm lược” nhằm “tước bỏ vũ khí”. Sau khi Đại tá Qaddafi bị sát hại, Triều Tiên càng nhận thức rõ hơn một điều rằng: Nếu không từ bỏ chương trình hạt nhân thì nhà lãnh đạo Libya có lẽ vẫn còn sống.

Năm 2016, ngay sau khi Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân, hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) đã đề cập trực tiếp tới Libya và Iraq trong tuyên bố công khai.

“Lịch sử đã chứng minh rằng năng lực răn đe hạt nhân hùng mạnh là thanh gươm báu quyền lực nhất để đập tan mưu đồ xâm lược của các thế lực bên ngoài. Chính quyền Saddam Hussein ở Iraq và chính quyền Qaddafi ở Libya không thể thoát khỏi số phận bị hủy diệt sau khi bị lấy đi nền tảng phát triển hạt nhân và từ bỏ chương trình hạt nhân”, KCNA nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Triều Tiên cũng vạch rõ ranh giới giữa nước này với Iraq và Libya. Thông báo ngày 16/5 của Bình Nhưỡng khẳng định, một quốc gia “có phẩm giá” như Triều Tiên sẽ không thể chịu chung số phận với Libya hay Iraq - những nước “bị sụp đổ do nhún mình trước các cường quốc”.

“Thế giới hiểu rõ rằng đất nước chúng ta sẽ không thể như Libya hay Iraq - hai quốc gia chịu chung số phận đau khổ”, thông báo của Triều Tiên nêu rõ. Thông báo cũng nhắc tới một thành tựu của Bình Nhưỡng mà nhà lãnh đạo Gaddafi chưa bao giờ đạt được: đó là việc Triều Tiên đã trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Khác với Triều Tiên, Libya thực sự chưa phải là một quốc gia có trong tay vũ khí hạt nhân. Trong đợt thanh tra năm 2003, người Mỹ đã phát hiện Libya sở hữu các máy ly tâm có thể được sử dụng để sản xuất uranium làm giàu ở mức độ cao và đây chính là nhiên liệu để chế tạo bom hạt nhân.

“Thật nực cười khi dám so sánh Triều Tiên - một quốc gia hạt nhân với Libya - quốc gia mới chỉ đang ở giai đoạn manh nha phát triển hạt nhân”, thông báo của Triều Tiên nhấn mạnh.

Tính đến nay, Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân. Giới tình báo Mỹ tin rằng Bình Nhưỡng hiện có trong tay từ 20-60 vũ khí hạt nhân cùng các tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng bắn tới Mỹ.

Thành Đạt

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm