1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nobel Hòa bình 2017 xướng tên Chiến dịch xóa bỏ vũ khí hạt nhân

(Dân trí) - Vào đúng 4 giờ chiều ngày 6/10 giờ Việt Nam, Ủy ban Nobel đã công bố chủ nhân của Giải Nobel Hòa bình 2017. Theo đó, giải thưởng danh giá này đã thuộc về Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN).


ICAN - chủ nhân của giải Nobel Hòa bình 2017 (Ảnh: The Indian Express)

ICAN - chủ nhân của giải Nobel Hòa bình 2017 (Ảnh: The Indian Express)


Các thành viên của ICAN ăn mừng chiến thắng giải Nobel Hòa bình 2017 tại Geneva, Thụy Sĩ (Ảnh: Reuters)

Các thành viên của ICAN ăn mừng chiến thắng giải Nobel Hòa bình 2017 tại Geneva, Thụy Sĩ (Ảnh: Reuters)

Trong cuộc họp báo ở Oslo, Na Uy diễn ra lúc 11 giờ ngày 6/10 giờ địa phương (4 giờ chiều giờ Việt Nam), Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, bà Berit Reiss-Andersen, đã thông báo chủ nhân của giải Nobel Hòa bình 2017 là Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN).

ICAN là một liên minh gồm các tổ chức phi chính phủ từ hơn 100 quốc gia trên khắp thế giới. Nhóm này bắt đầu tại Australia và chính thức ra đời tại Vienna, Áo vào năm 2007. Hiện nhóm có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ.

Bà Berit Reiss-Andersen cho hay, ICAN đã và đang là chiến dịch xã hội dân sự đi đầu trong nỗ lực nhằm cấm phổ biến vũ khí hạt nhân theo luật pháp quốc tế.

“Trong năm qua, ICAN đã thổi vào các nỗ lực nhằm thúc đẩy một thế giới không vũ khí hạt nhân với một đường hướng và sức mạnh mới”, tuyên bố của Ủy ban Nobel cho biết.

Loại bỏ 15.000 vũ khí hạt nhân trên thế giới


Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, bà Berit Reiss-Andersen, thông báo giải Nobel Hòa bình 2017 (Ảnh: Reuters)

Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, bà Berit Reiss-Andersen, thông báo giải Nobel Hòa bình 2017 (Ảnh: Reuters)

Giải Nobel Hòa bình 2017 cũng kêu gọi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khởi động các cuộc đàm phán để dần loại bỏ 15.000 vũ khí hạt nhân hiện có trên thế giới.

Ủy ban Nobel nhấn mạnh rằng các bước đi tiếp theo tiến tới việc đạt được một thế giới không vũ khí hạt nhân phải có sự tham gia của các quốc gia sở hữu loại vũ khí nguy hiểm này.

Vào tháng 7, 122 quốc gia đã ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng các quốc gia sở hữu vũ khí trong đó có Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp lại không tham gia các cuộc đàm phán.

“Chúng ta sống trong một thế giới nơi nguy cơ về vũ khí nhân được sử dụng đang lớn hơn trước đây”, bà Berit Reiss-Andersen nhấn mạnh.

Giải Nobel muốn tìm cách thúc đẩy việc giải trừ vũ khí hạt nhân trong bối cảnh các căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên, và sự bấp bênh về số phận thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran.

Năm ngoái, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đã giành Nobel Hòa bình nhờ các nỗ lực to lớn của ông nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm tại nước này.

Nobel Hòa Bình là giải Nobel thứ 5 trong số 6 được công bố trong mùa giải năm nay, sau các giải Nobel Vật lý, Y học, Hóa học và Văn học được công bố từ 2-5/10. Giải Nobel cuối cùng của mùa năm nay - Nobel Kinh tế - sẽ được công bố vào ngày 9/10.

Các giải Nobel do Alfred Nobel, một doanh nhân và là nhà phát minh người Thụy Điển sáng lập. Giải Nobel đầu tiên được trao tặng lần đầu tiên vào năm 1901, năm năm sau khi ông Nobel qua đời.

Ban đầu giải thưởng chỉ có 5 hạng mục bao gồm các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y học, Văn học và Hòa bình. Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đã đưa thêm vào một giải về lĩnh vực kinh tế.

Theo nguyện vọng của Nobel, giải Nobel Hòa bình được quyết định bởi Ủy ban Giải Nobel Na Uy do Quốc hội Na Uy lập ra. Trong khi đó, các giải Nobel khác được trao tại Thụy Điển và do Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển quyết định.

Giải Nobel Hòa bình được trao hàng năm vào ngày 10/12, ngày mất của Alfred Nobel, tại thủ đô Oslo của Na Uy, trong khi các giải khác được trao ở Stockholm, Thụy Điển.

Mỗi giải thưởng Nobel bao gồm một huy chương vàng, một giấy chứng nhận và số tiền thưởng trị giá 8 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 930.000 USD).

An Bình