Những thách thức về chính sách ngoại giao của Trung Quốc
(Dân trí) - Sự giận dữ ngày càng sôi sục của Trung Quốc trước việc Hàn Quốc nhất trí triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ là thách thức mới nhất trong hàng loạt thách thức về chính sách ngoại giao mà Chủ tịch Tập Cận Bình phải đối mặt trong bối cảnh Bắc Kinh chuẩn bị chủ trì hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9 tới.
Dưới đây một số thách thức ngoại giao lớn nhất mà Trung Quốc phải đang đối mặt hiện nay. Những thách thức này ít nhiều có ảnh hưởng tới vị thế Bắc Kinh trong việc tổ chức thượng đỉnh G20 tới đây.
Hàn Quốc
Hàn Quốc và Mỹ gần đây đã thông báo quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc để đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên. Trung Quốc đã phản đối gay gắt quyết định này, vì lo ngại hệ thống có thể "soi" vào lãnh thổ của mình.
Sự giận dữ của Trung Quốc đối với Hàn Quốc về quyết định triển khai THAAD dường như đang đe dọa mọi thứ, từ sự xuất hiện của các ngôi sao giải trí K-Pop tới sự hợp tác tương lai về vấn đề Triều Tiên tại Liên hợp quốc. Ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc bị ảnh hưởng đầu tiên, với việc hàng loạt sự kiện bị hủy, và các chương trình truyền hình có thể đối mặt với lệnh cấm hoàn toàn tại Trung Quốc. Sự lạnh nhạt cũng đã lan sang cả lĩnh vực chính trị, khi truyền thông nhà nước Hàn Quốc “tung” các cuộc công kích hàng ngày nhằm vào Hàn Quốc và Mỹ, thậm chí còn ám chỉ rằng Bắc Kinh có thể rút lại sự hợp tác với Mỹ về vấn đề Triều Tiên tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Biển Đông
Một phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hồi tháng trước, trong đó bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, đã gây ra phản ứng giận dữ từ Bắc Kinh. Trung Quốc khăng khăng không tham gia phiên tòa và cũng tuyên bố không chấp nhận phán quyết. Mặc dù không có cơ chế để thực thi phán quyết nhưng quyết định của tòa đã đặt nghi vấn về tính hợp pháp của yêu sách “đường chín đoạn” đối với hầu hết Biển Đông và đẩy Trung Quốc vào thế phòng thủ khi đối mặt với các quốc gia Đông Nam cũng có tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Việc Bắc Kinh từ chối công nhận phán quyết của tòa đã phủ bóng lên tham vọng của Bắc Kinh nhằm được coi là một cường quốc có trách nhiệm và tuân thủ luật pháp quốc tế. Phản ứng của Trung Quốc đã gây hiệu ứng ngược và càng làm tổn hại tới các yêu sách phi lý của nước này.
Triều Tiên
Các nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiềm chế hành động của Triều Tiên dường như đã không mang lại nhiều kết quả. Bình Nhưỡng dường như không lung lay trước các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc mà Trung Quốc ủng hộ, được kỳ vọng nhằm ngăn chặn tham vọng của Triều Tiên nhằm phát triển tên lửa và vũ khí nguyên tử. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng thất bại trong việc thuyết phục nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên cải cách kinh tế. Mặc dù Trung Quốc giờ đây không mạnh mẽ bảo vệ người hàng xóm và từng là đồng minh thân thiết nhưng nước này cũng quyết tâm ngăn chặn nguy cơ sụp đổ của Triều Tiên, điều có thể dẫn tới dòng người tị nạn khổng lồ và thậm chí là sự xuất hiện của các binh sĩ Mỹ đọc biên giới với Trung Quốc.
Đài Loan
Cuộc bầu cử hồi tháng 1 tại Đài Loan, vốn đưa bà Thái Anh Văn lên nắm quyền, đã khiến Trung Quốc không mấy hài lòng nhưng không có nhiều lựa chọn để hành động. Trung Quốc muốn phản ứng để cho thấy rằng nước này kịch liệt phản đối sự độc lập cho hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình. Nhưng nếu làm quá sẽ đe dọa những tiến bộ đạt được trong việc xây dựng quan hệ và có nguy cơ làm gia tăng tâm lý phản đối trên hòn đảo. Do đó, Bắc Kinh đã thực hiện cách tiếp cận kín tiếng hơn, bằng cách đóng băng các kênh thông tin và hạn chế số lượng du khách tới Trung Quốc như một hình thức trả đũa kinh tế.
Mỹ
Thách thức lớn nhất về chính sách ngoại giao của Trung Quốc là Mỹ, một đối tác kinh tế then chốt nhưng cũng là đối thủ toàn cầu chính của Bắc Kinh, và mối quan hệ tác động qua lại giữa hai nước là căn nguyên của hầu hết các thách thức ngoại giao khác của Trung Quốc. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 có thể là một thời khắc thử thách cho Bắc Kinh, đặc biệt nếu người thắng cuộc là ứng viên Hillary Clinton. Bắc Kinh xem bà Clinton là kiến trúc sư chính cho chính sách “xoay trục” sang châu Á của chính quyền Obama nhằm gia tăng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực và thách thức các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu làm tổng thống, bà Clinton có thể đưa ra khả năng Mỹ hiện diện mạnh mẽ hơn trong khu vực và gia tăng sự chỉ trích đối với các chính sách ngoại giao cũng như nhân quyền của Bắc Kinh.
An Bình