1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những sự thật trước Hội nghị khí hậu quốc tế Copenhagen

(Dân trí) - Lãnh đạo 192 nước hôm nay bắt đầu 12 ngày họp tại thủ đô Đan Mạch về một hiệp ước khí hậu thay thế Nghị định thư Kyoto. “Không để cho cuộc họp ở Copenhagen thất bại” - đó chỉ là khẩu hiệu.

 
Những sự thật trước Hội nghị khí hậu quốc tế Copenhagen - 1

Một bức ảnh cổ vũ cho Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tại Copenhagen.
 
Những con số biết nói

Hiệu ứng nhà kính là một hiện tượng tự nhiên có tác dụng duy trì nhiệt độ trên bề mặt trái đất. Còn hiện tượng toàn cầu ấm lên, như trong hoàn cảnh hiện nay, là để chỉ việc nhiệt độ toàn cầu bị tăng lên bởi các hoạt động do con người gây ra. Chính những hoạt động này lại tác động hiệu ứng nhà kính làm trầm trọng thêm quá trình biến đổi khí hậu.

Điều đáng quan ngại là các hoạt động con người càng ngày càng làm tăng mức độ tích tụ khí CO2 trong bầu khí quyển. Mặc dù Nghị định thư Kyoto đã đưa ra con số yêu cầu cắt giảm, nhưng khí thải CO2 vẫn liên tục tăng. Theo cơ quan Năng lượng quốc tế, từ nay đến năm 2050, khí thải CO2 sẽ còn tăng 130%. Với, mục tiêu đề ra cho thế giới cắt giảm 50% khí thải dioxit cácbon thì lượng khí gây hiệu ứng phát thải vào bầu khí quyển vẫn còn rất cao.

192 quốc gia trên thế  giới sẽ tham gia Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu với mục tiêu là đạt đồng thuận thay thế nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2012. Từ 2 ngày trước đó, tại nhiều thành phố lớn ở châu Âu - ở London, đến Brussel, qua Paris và Copenhagen, hàng chục nghìn người đã cùng nhau biểu tình thúc giục các nhà lãnh đạo chính trị phải có hành động đối phó với thảm họa diệt chủng.

Các nước nghèo bị ảnh hưởng mạnh nhất, nhưng nước giàu vẫn lưỡng lự

Hội nghị lần này có ba mục đích rất rõ rệt: những nước giàu giảm khí thải, những nước đang phát triển phải trình bày rõ ràng cơ cấu phát triển của mình, và thứ ba - là điểm chính yếu và bế tắc mà các cuộc họp trước Copenhagen đã nêu ra - đó là những người giàu phải chia sẻ gánh nặng với các nước lớn mới nổi về việc hạn chế bớt lượng khí thải của nhiên liệu hóa thạch - "thủ phạm" làm cho Trái Đất ấm dần lên. 

Các nhà khoa học cho rằng để chăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu, nhiệt độ không được phép tăng hơn 2 độ C. Các nước giàu chỉ chiếm 20% dân số thế giới, nhưng thải tới 80% lượng khí thải toàn cầu. Theo Nghị định thư Kyoto, họ đã đồng ý cắt giảm lượng khí thải xuống ít nhất 5% dưới mức năm 1990 vào năm 2012. Nhưng bà Margot Wallstrom, Phó Chủ tịch của Ủy ban châu Âu, một cơ quan của Liên minh châu Âu chịu trách nhiệm đề xuất và triển khai các điều luật, cho rằng trước năm 2012, các nước phát triển phải cam kết hành động mạnh mẽ hơn nữa nhằm đạt mức 20 hoặc thậm chí 45% dưới mức của những năm 90. 
 
Vấn đề then chốt của hội nghị này đó là các nước đang trỗi dậy đề nghị các nước phát triển, vốn là nhân tố lịch sử gây ô nhiễm môi trường, giúp họ đối phó với những tác động của sự nóng lên toàn cầu. Mặc dù EU đã ấn định khoản đóng góp tài chính là 100 tỷ euro mỗi năm để giúp đỡ các nước nghèo nhất trong giai đoạn 2013-2020, nhưng cho đến nay, không một quốc gia giàu có nào chịu đặt tiền lên trên bàn. 

Ngay trước Hội nghị, một giới chức hàng đầu của Liên Hợp Quốc một lần nữa đã kêu gọi một khoản hỗ trợ nhanh chóng trị giá 30 tỷ USD nhằm giúp các nước nghèo tăng cường nỗ lực kiểm soát khí thải CO2. Nhưng sự thật là các cuộc đàm phán trước đó không đạt được một thỏa hiệp quanh chuyện các nước giàu nên hỗ trợ các nước nghèo bao nhiêu để phát triển các ngành công nghiệp sạch.

“Lùng bùng” triển vọng và thất bại

Trong những ngày cuối cùng trước khi các nhà lãnh đạo thế giới tụ tập về Copengagen, chúng ta đã chứng kiến một số dấu hiệu - lúc sáng sủa, lúc tối tăm.

Trung Quốc và Ấn  Độ đều đã bắt đầu thảo luận một cách nghiêm túc về các cam kết quốc gia, nhưng họ chưa sẵn sàng cam kết tuân thủ các mục tiêu quốc tế. 

Với hy vọng đưa các cuộc thương thuyết ra khỏi bế tắc, chính phủ các nước lớn đã tăng cường  cam kết kiểm soát khí thải, nguyên nhân chính làm trái đất ấm lên. Nhưng mọi người vẫn đang chờ xem Mỹ sẽ làm gì. Mỹ phản đối Nghị định thư Kyoto, cho rằng những biện pháp giảm khí thải bắt buộc của hiệp ước là vô lý và quá khắt khe đối với nền kinh tế Mỹ, trong khi việc cắt giảm đó lại không được áp dụng đối với Trung Quốc và các nước lớn mới trỗi dậy khác vốn đang thải lượng lớn khí CO2.   

Tuần trước, triển vọng Hội nghị Copenhagen đã bất ngờ trở nên "sáng sủa" hơn do hai nước thải CO2 nhiều nhất nhì thế giới - Trung Quốc và Mỹ - cuối cùng đã tuyên bố lập trường của họ đối với việc hạn chế lượng khí thải. Tuy nhiên, ngay sau đó tình hình đã trở nên xấu đi do các vấn đề khác nảy sinh. Trong một cuộc họp kín giữa các quan chức cao cấp diễn ra tại Bắc Kinh, bốn nước lớn đang phát triển - Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi - cùng với Sudan đã nhắc lại yêu sách đòi các nước công nghiệp hóa ký kết thỏa thuận giảm mạnh lượng khí thải. 

Saleemul Huq, thành viên cấp cao tại Viện Môi trường và phát triển quốc tế (IIED), một cơ quan nghiên cứu ở Anh, đã không loại trừ khả năng các nước đang phát triển bỏ về trước khi kết thúc Hội nghị. Nhưng có ý kiến cho rằng với những dấu hiệu tích cực từ phía Mỹ, kỳ vọng đang đang lên cao rằng các cuộc thảo luận có thể tiến triển. Eileen Claussen từ Trung tâm PEW về Biến đổi khí hậu toàn cầu lạc quan rằng các nhà đàm phán sẽ đi tới một thỏa thuận mà ít nhất sẽ đặt ra toàn bộ các tham số mục tiêu mà một số chi tiết sẽ được hoàn thiện sau đó. 

Cho đến nay, các nước giàu nói chung đã chấp nhận cam kết từ nay đến năm 2020 giảm từ 11% đến 15% lượng khí thải khí  nhà kính của họ so với mức của năm 1990. Liên minh châu Âu tiến bộ hơn, hứa sẽ đơn phương giảm 20% lượng khí thải trong khu vực, thậm chí giảm 30% nếu những nước khác làm theo gương của họ… Tuy nhiên, lời hứa vẫn chỉ là lời hứa. Để lời hứa trở thành hiện thực, cần phải chờ xem thái độ của các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh sắp tới, cũng như hàng động của họ sau sự kiện quan trọng này.

Những cam kết  đưa ra trước hội nghị

- ASEAN nhất trí mục tiêu hạn chế nhiệt độ trái đất nóng lên không quá 2 độ C.

- EU cam kết đóng vai trò chính tại Hội nghị, cam kết cắt giảm 20% và hơn nữa nếu các quốc gia khác đạt được sự đồng thuận. 

- Mỹ cam kết cắt giảm 17% lượng khí thải vào năm 2020. Tuy thấp hơn so với lời kêu gọi giảm 20% của Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và các nhà khoa học LHQ, song đây là con số cam kết đầu tiên được nền kinh tế lớn nhất thế giới đưa ra.

- Trung Quốc đã công bố mục tiêu vào năm 2020, sẽ cắt giảm từ 40% đến 45% lượng khí thải trên một đơn vị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) so với năm 2005.

 - Đức dự kiến sẽ cung cấp bổ sung 400 triệu euro/năm trong thời kỳ từ năm 2010 đến 2012, hỗ trợ cho các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu.

 - Hàn Quốc cam kết  đến năm 2020 Hàn Quốc sẽ giảm 4% lượng khí  thải so với năm 2005.

 - Canada tuyên bố cắt giảm 20% lượng khí thải vào năm 2020.

- Ấn Độ cam kết cắt giảm từ 20-25% lượng khí thải vào năm 2020 so với mức của năm 2005.

- Đan Mạch đề xuất cắt giảm 50% lượng khí thải vào năm 2050 so với mức của năm 1990.

- Ấn Độ đề xuất giảm lượng khí thải CO2 tới 25%. 

- Nga cam kết giảm 25% lượng khí thải so với mức của năm 1990 vào năm 2020. 

Nguyễn Viết
Tổng hợp