1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Kỷ niệm 100 năm thành lập Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI)

Những sự kiện mang dấu ấn đậm nét nhất trong lịch sử FBI

(Dân trí) - Ngày 26/7, Cục Điều tra Liên Bang Mỹ (FBI) kỉ niệm 100 năm ngày thành lập. Trong một thế kỉ qua, FBI đã phá hàng vạn vụ án lớn nhỏ trên khắp nước Mỹ, bảo vệ liên bang trước các tình báo nước ngoài và các hoạt động khủng bố.

Dưới đây là những sự kiện có tính chất bước ngoặt và để lại dấu ấn đậm nét nhất trong lịch sử 100 năm FBI.

 

Ngày 26/7/1908: Thành lập Cục Điều tra Liên bang FBI

 

FBI được Tổng chưởng lý Charles Bonaparte thành lập - tiền thân từ lực lượng Special Agents - vào ngày 26/7/1908, trong nhiệm kì của Tổng thống Theodore Roosevelt. FBI (viết tắt: Federal Bureau of Investigation) là cơ quan cảnh sát và tình báo liên bang, thuộc biên chế và là cánh tay phải của Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ). 

 

Trụ sở FBI là tòa nhà J. Edgar Hoover- số 935 Đại lộ Pennsylvania, quận Columbia, phía Tây Bắc Washington DC. Khẩu hiệu của FBI là: Trung thành, dũng cảm, liêm chính.

 

Ban lãnh đạo FBI gồm: 1 giám đốc, 1 cố vấn cao cấp của giám đốc, 1 phó giám đốc, 1 trợ lý phó giám đốc và lãnh đạo một số đơn vị chủ lực. Theo điều luật năm 1976, giám đốc FBI được Tổng thống Mỹ đề cử và công tác trong nhiệm kì 10 năm.

 

Nhiệm vụ của FBI: bảo vệ nước Mỹ khỏi các hoạt động khủng bố và hoạt động do thám của tình báo nước ngoài; bảo vệ nhân quyền của công dân Mỹ; bảo vệ luật pháp trên toàn lãnh thổ liên bang; hỗ trợ các cơ quan của liên bang, địa phương cũng như các cơ quan quốc tế… 

 

FBI có quyền hạn điều tra trên 200 danh mục tội phạm liên bang, và do vậy, FBI là cơ quan có thẩm quyền điều tra lớn hơn bất kì một cơ quan thi hành luật pháp nào. Hiện nay, các hoạt động FBI ưu tiên điều tra là: Chống khủng bố, tình báo nước ngoài, và tội phạm tin học mạng.

 

Lực lượng: Tính đến ngày 30/6/2008, FBI có tổng cộng 30.847 nhân viên, bao gồm 12.737 điệp viên đặc biệt và 18.110 nhân viên hỗ trợ chuyên nghiệp (phân tích tình báo, chuyên gia ngôn ngữ, các nhà khoa học, chuyên gia IT…). Ngân sách hoạt động năm 2007 là 6,04 tỷ USD.

 

Ngày 10/5/1924: Giám đốc J. Edgar Hoover cải tổ FBI

 

John Edgar Hoover được chỉ định làm giám đốc FBI nhằm “dọn dẹp” một vụ xì-căng-đan của FBI lúc bấy giờ. Tân giám đốc 29 tuổi này ngay lập tức bắt đầu thiết lập một loạt các cải cách giúp FBI trở nên “chuyên nghiệp” như ngày nay. Hơn một thập kỉ sau, Hoover đã tăng cường sức mạnh cho FBI, tạo ra một kho lưu trữ quốc gia các bản thống kê và nhận dạng tội phạm, xây dựng một phòng thí nghiệm kỹ thuật (tiền thân của FBI Lab ngày nay), bắt đầu thu thập và thống kê tình trạng tội phạm quốc gia, thúc đẩy một chương trình hợp tác chặt chẽ về luật pháp giữa Mỹ và quốc tế.

 

Ngày 17/6/1933: Vụ thảm sát tại thành phố Kansas City

 

Trong 1/4 thế kỉ đầu tiên sau khi thành lập, các đặc vụ FBI không được phép tùy tiện bắt giữ người khác, và bản thân khi đó chỉ được mang vũ khí trong một số trường hợp hạn chế. Quy tắc này đã thay đổi từ ngày 17/6/1933, sau khi một vụ thảm sát kinh hoàng ở bên ngoài một nhà ga xe lửa tại thành phố Kansas City, bang Missouri.

 

Sáng hôm đó, Charles Floyd - biệt danh “Pretty Boy”- và những tên găngxtơ khác bất ngờ nổ súng tấn công một nhóm cảnh sát khi họ áp giải hắn đến trại giam. Cuộc tấn công đã giết chết 2 nhân viên cảnh sát, 1 cảnh sát trưởng và 1 đặc vụ của FBI. Cuộc tấn công gây chấn động dư luận và sau này được biết đến với tên gọi “Vụ thảm sát Kansas City”.

 

Đáp lại hành động trên, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật cho phép các đặc vụ FBI được phép mang theo súng, được quyền bắt giữ nghi phạm và ngăn chặn sự “bành trướng” của thế giới găngxtơ Mỹ.

 

Ngày 22/7/1934: Tiêu diệt trùm găngxtơ khét tiếng Dillinger

 

John Dillinger - được biết đến là một tay găngxtơ khét tiếng nhất lúc bấy giờ - là kẻ đứng đầu một băng nhóm tội phạm vũ trang tàn bạo chuyên cướp ngân hàng và lừa đảo. Danh tiếng và khả năng trốn tránh luật pháp của hắn nổi như cồn, vì vậy sau đó FBI đã mở cuộc săn lùng Dillinger quy mô lớn vào mùa đông 1933/1934. Kết cục sau đó, các đặc vụ FBI đã bắn chết hắn trên đường phố Chicago vào ngày 22/7/1934, ngay sau khi hắn vừa rút súng.

 

Thành công của cuộc điều tra này khiến danh tiếng của FBI được biết đến trên toàn thế giới, đồng thời cũng kết thúc kỉ nguyên của những tên găngxtơ sống ngoài vòng pháp luật.

 

Ngày 26/6/1939: Chuẩn bị cho Chiến tranh Thế giới II

 

Hơn 2 năm trước khi Trân Châu cảng của Mỹ bị Nhật ném bom, FBI đã chuẩn bị sẵn sàng nhằm bảo vệ nước Mỹ từ các quốc gia thù địch khác. Vào tháng 6/1939, Tổng thống Franklin Roosevelt kí một sắc lệnh bí mật cho phép FBI phụ trách đảm bảo an ninh quốc gia, bao gồm hoạt động do thám, phá hoại ngầm và lật đổ.

 

Tháng 6/1940, FBI được yêu cầu thu thập thông tin tình báo nước ngoài ở khu vực Trung và Nam Mỹ. Lực lượng tình báo đặc biệt SIS (Special Intelligence Service) của FBI khi đó đã phát hiện và bắt giữ 887 gián điệp của khối phát xít (Đức- Ý- Nhật). Mặc dù sau này CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương) ra đời, song vai trò của SIS là không thể phủ nhận và thay thế trong cuộc chiến chống khủng bố và tội phạm toàn cầu ngày nay. Trước và trong Chiến tranh Thế giới II, FBI đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình khi đã không để bất cứ một hành động phá hoại nào của kẻ thù xảy ra trên đất Mỹ.

 

 Ngày 21/6/1964: Vụ án Mississippi (MIBURN)

 

Trước những năm 1960, vấn đề quyền công dân đang bắt đầu dấy lên mạnh mẽ ở Mỹ, song những kẻ chậm tiến từ đảng KKK (Klu Klux Kan) và những đảng khác đang trỗi dậy và phản kháng không ngừng

 

Ngày 21/6/1964, 3 thanh niên tình nguyện tới giúp đỡ những cử tri người Mỹ gốc Phi đăng kí bầu cử đã bị mất tích một cách đáng ngờ. Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Johnson đã ra lệnh cho FBI điều tra.

 

Trong thời gian ngắn, FBI tìm thấy xác của 3 thanh niên này, bị cột chặt vào một chiếc xe tải bị cháy dưới lòng sông Mississippi. Sau vụ án này, và mặc dù phải mất vài thập kỉ đấu tranh “khó khăn”, cuối cùng Luật về quyền bầu cử đã được thông qua vào năm 1965. Cùng với Luật Nhân quyền năm 1964, hai bộ luật này đã giúp cho FBI có sức mạnh thực sự trong việc bảo vệ nhân quyền và tự do của toàn thể nhân dân Mỹ.

 

Ngày 15/10/1970: Bộ luật RICO được thông qua

 

Mùa thu năm 1970, Quốc hội Mỹ thông qua Luật Chống Tham nhũng và Tội phạm có tổ chức (RICO). Với Luật này, FBI đã được bật “đèn xanh” trong việc điều tra các tổ chức tội phạm quy mô lớn như Mafia - điều tra các công ty của chúng, những người đứng đầu và tất cả nhân viên - thay vì chỉ điều tra các cá nhân phạm tội.

 

Với bộ luật này, FBI nhanh chóng hợp tác với các cơ quan liên quan nhằm triệt phá các gia đình mafia “trùm” lớn nhất nước Mỹ lúc bấy giờ. Ngoài ra, FBI cũng sử dụng Luật này để đối phó với các nhóm găngxtơ đường phố, các tổ chức buôn bán ma túy, điều tra các hoạt động tham nhũng và thậm chí cả những hoạt động tài chính ủng hộ chủ nghĩa khủng bố trên đất Mỹ.

 

Ngày 18/11/1975: Đánh giá lại chính sách An ninh Nội địa

 

Trong những năm 1970, đặc biệt sau cái chết của cựu giám đốc J. Edgar Hoover vào tháng 5/1972, các bí mật bắt đầu lộ diện trong cộng đồng tình báo Mỹ. Năm 1975, theo sau vụ nghe lén Watergate và những biến đổi trên chính trường Mỹ, Thượng nghị sĩ Frank Church đã mở một loạt các phiên chất vấn chưa từng thấy trước đây, mà FBI luôn đóng vai trò trung tâm trong các phiên chất vấn này.

 

FBI đã bị chỉ trích nặng nề vì việc điều tra vụ ám sát mục sư Martin Luther King năm 1968 cũng như các vụ liên quan khác. Vì vậy, FBI đã gấp rút tái thẩm định lại các chương trình an ninh nội địa của mình và làm việc với Tổng chưởng lý nhằm vạch ra các nguyên tắc và chiến lược mới. Những thay đổi này đã tạo nên các giới hạn rõ ràng hơn đối với công việc điều tra của FBI, và giúp các nhân viên FBI ý thức được sự cần thiết của việc bảo vệ hiến pháp Mỹ.

 

Ngày 11/9/2001: Al Qaeda khủng bố nước Mỹ

 

Sau buổi sáng “kinh hoàng” 11/9/2001, nước Mỹ nói chung và FBI nói riêng đã bị thay đổi. Vụ tấn công nhanh chóng trở thành cuộc điều tra lớn nhất trong lịch sử FBI, với sự tham gia trực tiếp của 1/4 tổng số đặc vụ và nhân viên hỗ trợ của cơ quan này.

 

Trước vụ 11/9, FBI đã được lệnh điều tra các âm mưu tiến hành khủng bố, và đã ngăn chặn được hàng tá âm mưu như vậy (gần 60 vụ trong suốt những năm 1990 đến khi đó). Song, chuỗi tấn công 11/9 đã chỉ ra rằng chiến lược của FBI phải được “điều chỉnh” lại. Họ cần đi trước các tên khủng bố, tích cực do thám, điều tra và ngăn chặn trước khi chúng “ra tay” trước họ.

 

Sự kiện 11/9 đã làm biến đổi “sâu sắc” cơ cấu tổ chức và hoạt động của FBI. FBI đã củng cố khả năng chống khủng bố và tình báo theo nhiều cách mới. Suốt 7 năm qua, các thành tựu mà FBI thu được không đếm xuể, từ việc ngăn chặn sự phát triển của các âm mưu khủng bố trên đất Mỹ đến việc giúp đỡ huấn luyện và chia sẻ thông tin tình báo đối với các quốc gia khác trên thế giới.

 

Nguyễn Khoa

Theo FBI

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm