1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những sự kiện lớn chi phối thế giới năm 2019

(Dân trí) - Thế giới vừa bước qua một năm 2018 nhiều biến động. Năm 2019 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm với nhiều biến động nữa khi cả thế giới hồi hộp theo dõi những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, chiến sự ở Syria hay liệu Mỹ và Trung Quốc có thể tránh một cuộc chiến thương mại sau thỏa thuận đình chiến hay không.

Những sự kiện lớn chi phối thế giới năm 2019

 

Năm 2019, cả thế giới hồi hộp theo dõi xem quá trình Brexit của Anh có diễn ra suôn sẻ, chiến sự ở Syria hay liệu Mỹ và Trung Quốc có thể tránh một cuộc chiến thương mại sau thỏa thuận "đình chiến" hay không?

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung


Những sự kiện lớn chi phối thế giới năm 2019 - 1
 
Những sự kiện lớn chi phối thế giới năm 2019 - 2
 
Những sự kiện lớn chi phối thế giới năm 2019 - 3
 

Mỹ và Trung Quốc quyết định đình chiến thương mại 90 ngày kể từ 1/12/2018 sau khi đã áp thuế lên 360 tỷ USD hàng hóa của nhau. (Ảnh: Reuters, EPA, AFP)

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu leo thang từ khoảng giữa năm 2018 khi chính quyền Tổng thống Trump bắt đầu áp thuế 25% lên 800 mặt hàng có tổng kim ngạch 34 tỷ USD từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ mỗi năm.

Trước khi đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại kéo dài 90 ngày, hai bên đã áp thuế lên tổng cộng 360 tỷ USD hàng hóa của nhau, trong đó, Mỹ áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh áp thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa của Washington.

Thỏa thuận "đình chiến" có thể đã tạm khép lại một năm 2018 đầy sóng gió trong quan hệ Mỹ - Trung song không thể đảm bảo chắc chắn một triển vọng hòa hoãn trong năm 2019. Washington Post dẫn nhận định của một số chuyên gia cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trong năm 2019 thậm chí có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn. Một số nhà quan sát của Trung Quốc thậm chí lo ngại một cuộc "chiến tranh Lạnh mới".

Thực tế, Tổng thống Trump cảnh báo, sau thời hạn 90 ngày, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, Mỹ có thể áp thuế lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc.

Về phần mình, trong một bài phát biểu hồi tháng 12/2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuy không đề cập đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhưng tuyên bố: "Không ai có thể chỉ bảo Trung Quốc làm gì hay không làm gì".

Brexit suôn sẻ hay hỗn loạn?


Những sự kiện lớn chi phối thế giới năm 2019 - Ảnh 2.

Năm 2019 được dự đoán tiếp tục là một năm thách thức với kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: AFP)

"Cuộc ly hôn" giữa Anh và EU (hay Brexit) những tưởng sẽ suôn sẻ nhưng đã lại cho thấy điều ngược lại. Kể từ khi tiếp quản chính quyền từ tháng 7/2016, Thủ tướng Anh Theresa May cũng bắt đầu một quá trình đàm phán dai dẳng, gai góc.

Tuy nhiên, một thỏa thuận sơ bộ mà bà May đạt được với EU chỉ càng khiến bà đối mặt thêm nhiều khó khăn, thậm chí đối mặt với sự "nổi loạn" trong nội bộ đảng Bảo thủ của bà.

Việc đạt thỏa thuận cuối cùng trong năm 2018 để Anh có thể rời EU vào ngày 29/3/2019 là không thể khi cuộc bỏ phiếu ở quốc hội Anh bị hoãn đến ngày 14/1/2019.

Giới quan sát dự đoán, trong năm 2019, Anh sẽ tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng mới liên quan đến Brexit. Anh có thể sẽ rời EU mà không đạt được một thỏa thuận với EU hoặc Anh sẽ phải tiến hành lại một cuộc trưng cầu dân ý lần hai về việc có rút khỏi EU hay không - một phương án mà Thủ tướng May đã nhiều lần bác bỏ.

Rút khỏi EU với một thỏa thuận cũng khiến Anh hứng chịu thiệt hại, tuy nhiên, thiệt hại đó chắc chắn sẽ hạn chế hơn so với việc không có thỏa thuận. Chính phủ của bà May đã ra sức lên kế hoạch ứng phó trong trường hợp rời EU không thỏa thuận, đó là kịch bản đồng Bảng có nguy cơ mất giá 25%, GDP giảm sút cùng hàng loạt hệ lụy xã hội khác.

Bán đảo Triều Tiên chờ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai


Những sự kiện lớn chi phối thế giới năm 2019 - 5
 
Những sự kiện lớn chi phối thế giới năm 2019 - 6
 
Những sự kiện lớn chi phối thế giới năm 2019 - 7
 

  Triều Tiên đã ngừng các vụ thử tên lửa, đồng thời phá dỡ đường hầm thử hạt nhân để mở đường cho các cuộc hội đàm với Mỹ. (Ảnh: Reuters, Getty)  

Bán đảo Triều Tiên khởi đầu năm 2018 bằng tín hiệu tích cực khi Triều Tiên để ngỏ khả năng đối thoại với Mỹ và Hàn Quốc. Năm 2019 được kỳ vọng sẽ tiếp tục tín hiệu tích cực đó khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến tiến hành hội nghị thượng đỉnh lần hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngay đầu năm.

Hội nghị lần một đã góp ngăn chặn nguy cơ xung đột vũ trang ở bán đảo Triều Tiên, nhưng vẫn chưa thể gỡ được bế tắc hạt nhân khi hai bên vẫn hoài nghi lẫn nhau.

Hôm 20/12, hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên ra một thông cáo nói rằng, Triều Tiên sẽ không giải trừ hạt nhân cho đến khi Mỹ đồng ý loại bỏ mối đe dọa hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên và khu vực.

Vipin Narang, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Triều, nhận định: "Thông điệp này rất quan trọng, nó ngầm nói rằng: Chúng tôi sẽ không từ bỏ nếu các ngài không từ bỏ".

Nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiếp tục khẳng định lại quan điểm này trong bài phát biểu năm mới, chính quyền Tổng thống Trump sẽ càng hoài nghi hơn về cam kết Triều Tiên sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân. Điều này cũng có thể khiến ông Trump mâu thuẫn với chính chính quyền của mình khi Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Triều Tiên không nghiêm túc với cam kết hạt nhân, trong khi ông Trump luôn tin rằng ông đã tạo được đột phá trong vấn đề Triều Tiên.

Một cuộc chạy đua vũ trang mới?


Những sự kiện lớn chi phối thế giới năm 2019 - 8
 
Những sự kiện lớn chi phối thế giới năm 2019 - 9
 

  Hiệp ước INF được Mỹ và Nga ký kết năm 1987. (Ảnh: On Rocks)  

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 10/2018 bất ngờ cảnh báo rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga với cáo buộc Moscow vi phạm thỏa thuận này. Bất chấp những ý kiến phản bác từ Nga, Washington ngày 4/12 đã cho Moscow 60 ngày để quay lại tuân thủ thỏa thuận, nói cách khác, Mỹ có thể sẽ chính thức rút khỏi INF vào cuối tháng 2 tới.

Nga cho rằng, rút khỏi INF sẽ cho phép ỹ triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại châu Âu, giống như thời Chiến tranh Lạnh. Vì vậy, Điện Kremlin nhấn mạnh: "Mối đe dọa với Nga buộc chúng ta đặt toàn bộ các hệ thống tên lửa Mỹ trong tầm ngắm để tạo thế cân bằng".

Giới chuyên gia quân sự cảnh báo, trong trường hợp Mỹ rút khỏi INF, Nga có thể sẽ chĩa các tên lửa thuộc diện cấm trước đó theo INF vào các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Điều này có thể kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và các nước phương Tây, khiến nội bộ NATO chia rẽ khi các bên khó thống nhất về cách thức đối phó Moscow.

Mỹ "nhường sân"?

 

Ông Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Năm 2019 được dự đoán tiếp tục là một năm ghi dấu ấn chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump sau khi Washington rút khỏi hàng loạt thỏa thuận quốc tế trong vòng 2 năm qua. Các thỏa thuận đó có thể kể đến như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Tổng thống Trump mới đây bất ngờ tuyên bố Mỹ sẽ rút quân "hoàn toàn" và "ngay lập tức" khỏi Syria, đồng thời rút binh sĩ khỏi Afghanistan. Ông Trump nhấn mạnh, quân đội Mỹ không nên chiến đấu cho cái mà ông cho là "cuộc chiến dành cho những người khác". "Các nước khác từ nay trở đi đừng hòng mong chờ Mỹ chiến đấu thay cho mình, trừ phi họ sẵn sàng chi tiền cho việc đó. Mỹ không thể tiếp tục làm cảnh sát toàn cầu", ông Trump tuyên bố trong chuyến thăm bất ngờ tới Iraq.

Nhiều người cho rằng, ông Trump đã sai lầm khi tìm cách phá bỏ trật tự của một thế giới tự do trên cái gọi là "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" bằng cách đặt "Nước Mỹ trên hết". Ông đang phá bỏ vai trò truyền thống của nước Mỹ bằng việc rút lui khỏi các tổ chức và hiệp ước quốc tế, bỏ rơi các thoả thuận thương mại đa phương hay thậm chí là bỏ rơi các đồng minh.

Việc Mỹ "nhường sân" sẽ là cơ hội để Nga hay Trung Quốc tăng cường vai trò và tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Trung Đông tiếp tục diễn biến phức tạp


Những sự kiện lớn chi phối thế giới năm 2019 - 10
 
Những sự kiện lớn chi phối thế giới năm 2019 - 11
 
Những sự kiện lớn chi phối thế giới năm 2019 - 12
 
Những sự kiện lớn chi phối thế giới năm 2019 - 13
 

Tình hình Trung Đông được dự báo tiếp tục phức tạp trong năm 2019. (Ảnh: Reuters, Getty, EFE, AFP)  

Trung Đông được dự báo tiếp tục là điểm nóng thế giới trong năm 20109 với các cuộc xung đột chưa có hồi kết và các cuộc xung đột mới.

Mặc dù Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria nhưng điều đó không có nghĩa là điểm nóng nhất của Trung Đông đã hạ nhiệt, thậm chí giới chuyên gia cho rằng, tình hình thậm chí sẽ trở nên phức tạp hơn nữa khi Mỹ rút đi. Thực tế, ngay sau khi Mỹ tuyên bố rút quân, các lực lượng tham chiến ở Syria đã sẵn sàng cho một cục diện mới mà ở đó là sự can dự sâu hơn của Thổ Nhĩ Kỳ hay cuộc đối đầu căng thẳng hơn giữa Israel và Iran khi Tehran đang có cơ hội lớn hơn để mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Trong khi đó, tiến trình hòa bình Trung Đông nhằm giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine khó có tiến triển khi hai bên không nhượng bộ trong các vấn đề cốt lõi như vấn đề thành lập nhà nước Palestine độc lập, tranh chấp ở Jerusalem...

Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh giữa một bên là nhóm các nước Ả rập do Ả rập Xê út dẫn đầu và một bên là Qatar cũng khó lòng giải quyết trong năm 2019. Căng thẳng nổ ra từ ngày 5/6/2017, khi hàng loạt quốc gia Ả rập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc chính quyền Qatar ủng hộ các nhóm khủng bố trong khu vực, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này và hậu thuẫn các nhóm phá hoại ổn định chính trị. Trong khi Ả rập Xê út tìm cách củng cố tầm ảnh hưởng, thì Qatar tìm cách đối trọng và khẳng định khả năng phá vỡ áp lực bị bao vây, trừng phạt.

Tổng hợp :
Minh Phương