Những sự kiện khoa học hàng đầu năm 2005
Dưới đây là 6 trong 10 sự kiện khoa học được tạp chí Live Science bình chọn là những sự kiện hàng đầu của năm 2005.
Ngày tận thế, hay phản ứng của Mẹ Thiên nhiên?
Thiên tai trở nên quen thuộc với con người và thường xảy ra. Nhưng bạn đừng qui tội cho Mẹ Thiên nhiên; chính con người đang phá hoại môi trường và sinh thái: chúng ta xả khí thải gây hiệu ứng nhà kính quá mức, nên chuyển đến ở vùng bờ biển trong lành để rồi dễ bị thiên tai.
Trận động đất 7,6 độ Richter tàn phá Pakistan và làm hơn 80.000 người thiệt mạng là một thí dụ về việc chúng ta không đủ khả năng xử lý trước thảm họa thiên nhiên.
Giải mã bộ nhiễm sắc thể
Năm 2005 là năm quan trọng của tiến bộ giải mã bộ nhiễm sắc thể. Các nhà khoa học đã giải mã ADN của con tinh tinh, là con vật gần gũi nhất với con người về phương diện cấu tạo. Các giải mã này dần dần trở nên quen thuộc, đến nỗi người ta không còn chú ý nữa khi bộ gen của lúa được giải mã. Trong khi đó, việc nghiên cứu về ADN của chúng ta cho thấy rằng hai người sinh đôi cũng không giống hẳn nhau về bộ nhiễm sắc thể.
Phát hiện Siêu Trái đất
Hồi tháng tám, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) công bố chi tiết về một "loại hành tinh mới", gọi là Siêu Trái đất. Nhóm nghiên cứu do nhà thiên văn Geoffrey Marcy thuộc ĐH California đứng đầu đã phát hiện ra nó. Nó có khối lượng gấp khoảng 7,5 lần Trái đất, giống Trái đất về tính chất cũng như kích cỡ, và có lẽ phù hợp cho sự sống với một bầu khí quyển nhiều oxy và các đại dương.
Năm nay cũng kỷ niệm 10 năm ngày phát hiện Siêu Trái đất đầu tiên vào năm 1995, và từ đó đã phát hiện khoảng 150 hành tinh như thế.
Tái tạo cơ thể người
Năm 2005, các nhà khoa học chế tạo tứ chi giả dành cho khỉ. Các chú khỉ điều khiển tay robot của mình bằng ý nghĩ qua một máy điện toán nối vào não của chúng. Nghiên cứu cho thấy khỉ điều khiển tay này y như tay thật của chúng. Người ta hi vọng ngày nào đó con người mang tứ chi giả này sẽ hoạt động y như có tay chân thật. Trong khi việc tái tạo cơ thể người còn đang được thử nghiệm thì năm nay ca ghép da mặt đầu tiên đã diễn ra tại Pháp.
Tiến tới sự bất tử
Nhà nghiên cứu Aubrey de Gray cho rằng có thể ngăn chặn được tuổi già. Ông đang điều hành Giải thưởng chuột Methuselah trị giá 1 triệu USD/giải, nhằm trao giải cho những nghiên cứu đột phá nhằm kéo dài tuổi thọ của chuột: các nhà khoa học tin rằng nếu chuột sống thọ hơn thì con người cũng sống thọ hơn.
Một nghiên cứu đã cho thấy rằng sự tích lũy ADN đột biến gây ra sự chóng già nơi chuột. Sự kích thích một gen nào đó trong chuột dường như làm chậm lại tiến trình yếu xương, tắc mạch máu và yếu cơ bắp.
Bảo vệ Trái đất khỏi sự va chạm của thiên thạch
Ngày 3/7, phi thuyền Deep Impact (Mỹ) thả vật tác động - một "viên đạn" đồng có đường kính 1m, nặng 370kg - vào đường đi của sao chổi Tempel1 (Tempel1 có kích cỡ bằng 50% diện tích đảo Manhattan, New York). Vật tác động lao vào tâm sao chổi với tốc độ 37.000km/giờ, đủ để làm bốc hơi khối đồng.
Trong khi đó, Deep Impact lướt ngang bên dưới sao chổi ở khoảng cách gần 500km, và chụp ảnh vụ va chạm. Cơ quan NASA nói đang theo dõi chặt chẽ các thiên thể có thể va chạm Trái đất trong tương lai, và chuẩn bị đẩy xa chúng khỏi Trái đất khi cần.
Bốn sự kiện còn lại là dấu hiệu của sự sống trên sao Hỏa, sự ấm dần toàn cầu, các sản phẩm siêu nhỏ và sự ra đời của một lỗ đen.
Theo N.T.ĐA
Tuổi trẻ/SPACE, Live Science