1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những sắc màu “kỳ dị” của cuộc bầu cử Anh

Ngày mai bắt đầu cuộc bầu cử quốc hội ở Anh. Thế mà trong số 3.500 ứng viên có ít nhất một người tin chắc mình sẽ thất bại…

Ông là Alan "Howling Lord" Hope, "nghị sĩ Hú", lãnh đạo của Đảng Những tên khùng chuyên kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho những chuyện điên rồ.

 

"Nghị sĩ Hú" tuy vậy khẳng định rất nghiêm túc: "Tôi chỉ muốn có được cỡ 5.000 - 6.000 phiếu đủ để cho các đảng chính trị khác suy ngẫm về những sai lầm của họ".

 

 

Những sắc màu “kỳ dị” của cuộc bầu cử Anh - 1
 

Captain Beany, một người lập dị.

Những nhân vật như "nghị sĩ Hú" không thiếu trong các kỳ tổng tuyển cử ở Anh. Người ta có thể kể đến Đảng Đậu thiên niên kỷ mới với lãnh đạo Captain Beany thường gây ấn tượng khi tranh cử bằng cách tắm mình trong đậu với cà chua hoặc như Đảng Nhà thờ Elvis tôn thờ danh ca Elvis Presley...

 

Dù một số người kết tội các đảng này làm mất đi tính chính trị nghiêm túc thì một số chính trị gia "bình thường" khác lại tỏ ra rất tôn trọng những chính trị gia "kỳ dị" này.

 

Như khi David "nghị sĩ Thét" Sutch - chủ tịch Đảng Điên, qua đời năm 1999, Thủ tướng Anh Tony Blair từng có mặt trong lễ tang ông để ghi nhận "sự đóng góp đặc biệt của ông cho nền chính trị Anh".

 

Quả thật nhiều yêu sách của các đảng lạ thường trên sau đó lại được thực thi trong luật như quyền bỏ phiếu từ 18 tuổi, giấy phép mở quán rượu suốt ngày hoặc hộ chiếu cho những con vật cưng đi ra nước ngoài với chủ...

 

 

Những sắc màu “kỳ dị” của cuộc bầu cử Anh - 2
 

Các người mẫu đeo mặt nạ Blair bên

ngoài một cuộc họp báo ở London.

Trong những yêu sách lạ thường của cuộc vận động bầu cử năm nay có thể kể yêu cầu giảm diện tích lớp học bằng cách cho học sinh ngồi sát cạnh nhau hoặc phát hành loại đồng bạc 99 xu để... tiết kiệm được một xu! Nhưng cũng không thiếu những yêu sách nghiêm túc, đặc biệt là năm nay với những lời kêu gọi chống lại cuộc chiến tranh ở Iraq.

 

Như ứng viên Brian Haw có cách vận động kỳ lạ là dựng lều gần bốn năm qua trước tòa nhà Quốc hội Anh "đòi rút binh sĩ Anh từ Iraq về".

 

Trong truyền đơn của Brian Haw ghi rõ: "Hãy nhớ về một người mỗi ngày 24/24 giờ vận động vì quí vị và vì những người khác trên lề đường trước quốc hội. Quí vị không muốn người này đại diện cho quí vị trong hạ viện hay sao?".

 

Dĩ nhiên không ít chính trị gia "bất thường" mong muốn giành chiến thắng. Như trường hợp đã xảy ra hồi năm 1997 khi nhà báo Martin Bell đã "lật đổ" được ứng viên Bảo thủ hàng đầu khi ông vận động với chương trình chống tham nhũng. Hoặc như bác sĩ Richard Taylor từng trúng cử năm 2001 khi vận động để cứu lấy một bệnh viện ở địa phương.

 

 

Những sắc màu “kỳ dị” của cuộc bầu cử Anh - 3
 

Những chiếc mặt nạ bị tung lên.

Trong cuộc tổng tuyển cử ngày mai, Công Đảng của đương kim Thủ tướng Tony Blair được dự đoán tiếp tục giành thắng lợi. Nhưng một trong những ẩn số của cuộc bỏ phiếu chính là tỉ lệ người đi bầu, bởi lẽ một số nhà quan sát cho rằng tỉ lệ vắng cao có thể làm thay đổi những dự báo ban đầu.

 

Theo số liệu thống kê (của Viện ICM thực hiện cho BBC) có chưa đến 1/3 số cử tri đi bầu lần đầu cho biết sẽ chịu cất công đi bỏ phiếu. Tỉ lệ này vào năm 2001 là 38%. Câu trả lời của các cử tri trẻ là họ không nghĩ lá phiếu của mình có thể thay đổi được gì.

 

Nhưng họ cũng tiết lộ là có thể thực thi quyền công dân qua lá phiếu nếu cách thức bỏ phiếu "tương thích" với thời đại của họ như cho phép bỏ phiếu qua tin nhắn trên điện thoại di động hoặc qua Internet.

 

Theo N.Quân

Tuổi trẻ/Reuters, AP, AFP