1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những phát hiện tình cờ nhưng mang tính đột phá trên thế giới

Khắc Nam

(Dân trí) - Thế giới từng chứng kiến những phát hiện tình cờ nhưng mang lại những bước đột phá về khoa học và lịch sử.

Phát minh nhờ quên rửa tay

Những phát hiện tình cờ nhưng mang tính đột phá trên thế giới - 1

Ảnh 1: Constantin Fahlberg và saccharin do ông tình cờ phát hiện ra (Ảnh: Wikimedia).

Cách đây 124 năm, nhà hóa học người Đức gốc Nga Constantin Fahlberg đã tình cờ tìm ra chất làm ngọt nhân tạo đầu tiên trên thế giới do quên rửa tay sau giờ làm việc. Chính xác hơn, vào năm 1879, khi Fahlberg đang nghiên cứu về benzoic sulfimide dẫn xuất nhựa than đá trong phòng thí nghiệm của Ira Remsen tại Đại học Johns Hopkins (Baltimore, Mỹ), ông đã quên rửa tay khi về nhà.

Fahlberg đã nhận thấy vị ngọt khác lạ của món ăn. Do vợ nói không dùng đường nên ông đã phát hiện vị ngọt đó đến từ chất dẫn xuất hóa học mà ông làm thí nghiệm còn sót lại trên tay.

Ngày hôm sau, Fahlberg đến phòng thí nghiệm tiếp tục nghiên cứu, ông đã nếm thử tất cả các cốc đã sử dụng, may thay không có thứ nào chứa chất độc. Kết quả, phát hiện thấy thành phần tạo ngọt là một hợp chất có tên benzoic sulfimide, ngọt gấp 300 lần đường bình thường. Trong một phiên bản khác của khám phá, Fahlberg đã bất cẩn để điếu thuốc trên băng ghế phòng thí nghiệm của mình. Khi hút lại thấy điếu thuốc có vị ngọt giống như món ăn.

Theo Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ (ACS), Fahlberg đã đặt tên hợp chất này là saccharin. Theo tiếng Latinh có nghĩa là đường, đây là chất tạo ngọt không dinh dưỡng đầu tiên được thương mại hóa tại Đức.

Ngay từ đầu thế kỷ XX, saccharin đã gây tranh cãi, ngay cả Harvey Wiley, nhà hóa học từng đứng đầu Bộ Nông nghiệp Mỹ, cũng đã đưa ra đề nghị cấm saccharin nhưng Tổng thống Mỹ khi đó là Theodore Roosevelt cần giảm cân nên đã tuyên bố "bất cứ ai nói saccharin gây hại cho sức khỏe đều là những người ngốc".

Từ đó, sự nghiệp của Wiley kết thúc, còn việc sử dụng saccharin trở nên phổ biến hơn, nhất là trong Thế chiến I do tình trạng thiếu đường trầm trọng. Vào những năm 1960, nó bắt đầu được quảng cáo để giảm cân. Ngay sau đó, các nhà khoa học thực phẩm đã vào cuộc và phát hiện thấy saccharin có nguy cơ gây ung thư bàng quang ở chuột.

Năm 1977, một đạo luật của Quốc hội Mỹ yêu cầu bao bì của chất tạo ngọt phải có nhãn cảnh báo ung thư. Nhưng vào năm 2000, các nhà khoa học phát hiện thấy rằng con người chuyển hóa saccharin khác với chuột. Yêu cầu về nhãn cảnh báo đã bị hủy bỏ. Ngày nay, bất chấp sự cạnh tranh từ các chất tạo ngọt khác và dư vị kim loại của nó, saccharin vẫn là một lựa chọn phổ biến.  

Phát minh nhờ làm rơi cốc hóa chất

Những phát hiện tình cờ nhưng mang tính đột phá trên thế giới - 2

Hai nhà khoa học Samuel Smith và Patsy Sherman (Ảnh: Wikimedia).

Năm 1952, hai nhà khoa học tên là Patsy Sherman và Samuel Smith được tập đoàn 3M của Mỹ thuê để nghiên cứu, phát triển loại cao su mới sử dụng trong dây chuyền nhiên liệu máy bay. Khi đang nghiên cứu thì ai đó vô tình làm rơi một chiếc cốc chứa đầy hóa chất xuống sàn. Sherman sau đó nhận thấy rằng bà không thể làm sạch hỗn hợp này. Hợp chất này sau đó thành thương phẩm với tên gọi Scotchgard, một chất bảo vệ đồ nội thất phổ biến.

Ban đầu Patsy Sherman nghĩ chỉ cần dùng xà phòng, nước sẽ rửa sạch, nhưng thực tế không phải vậy. Quá tò mò, bà quyết định xem xét kỹ hơn và phát hiện ra rằng đó là một polymer fluoro có tác dụng chống lại hầu hết các dung môi. 

Với sự giúp đỡ của cộng sự Samuel Smith, Patsy Sherman đã nghiên cứu tạo ra scotchgard protector, một chất bảo vệ vải và đồ nội thất phổ biến ở Mỹ từ năm 1956. Scotchgard protector được tạo thành từ các hạt dính ở một mặt, giúp bám vào vải và mặt kia đủ trơn để chống lại vết bẩn. Khi được áp dụng cho thảm hoặc vải bọc, công thức bao quanh các sợi vải và ngăn bụi bẩn, nước, dầu và hầu hết các chất lỏng khác xuyên qua.  

Phát hiện chấn động khi xây hầm

Những phát hiện tình cờ nhưng mang tính đột phá trên thế giới - 3

Nhà voi ma mút (Ảnh: Wikimedia).

Năm 1965, khi đang xây dựng căn hầm của gia đình, một nông dân ở thị trấn Mezhyrich, miền trung Ukraine đã tình cờ phát hiện thấy xương hàm dưới của một con voi ma mút. Khi khai quật tiếp, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra 4 túp lều cổ xưa được làm từ 149 bộ xương voi ma mút. Những ngôi nhà này được cho là xây dựng bởi người tiền sử, có niên đại ít nhất 15.000 năm tuổi.

Việc tìm thấy 4 túp lều cổ xưa cũng như những túp lều làm bằng xương voi ma mút khác được phát hiện ở Moravia, Cộng hòa Séc và miền nam Ba Lan cho thấy đây là những "kiến trúc hoành tráng" đầu tiên do người tiền sử tạo ra. Riêng 4 túp lều được tìm thấy ở Mezhyrich được tạo thành từ tổng cộng 149 bộ xương voi ma mút với hàng trăm chiếc xương và ngà lớn nhỏ, đặt trong một vòng tròn thô có đường kính từ 6-10 mét. Rất có thể công trình này là của bộ lạc người Cro-Magnons, có niên đại vào khoảng từ 23.000 TCN đến 12.000 TCN.

Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ còn tìm thấy một lò sưởi ở chính giữa nơi mà trước đây người ta tìm thấy các công cụ bằng đá. Xương voi ma mút khổng lồ nặng tới hàng trăm cân ngay cả khi được làm khô. Giới khảo cổ suy đoán, xương và ngà xuất hiện trong các đợt săn bắn, trong đó toàn bộ đàn voi ma mút trưởng thành và còn nhỏ đã bị sát hại, trong khi những người khác tin rằng chúng được tìm thấy một cách tự nhiên. Tuy nhiên, với khám phá tình cờ này, thế giới đã phần nào có được một bức tranh toàn cảnh mang ý nghĩa tôn giáo hoặc xã hội về tiến trình phát triển của giai đoạn cuối thuộc Kỷ Băng hà.