1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những ông trùm buôn người ở Đông Nam Á (*): Bần cùng sinh đạo tặc

Trên có ông trùm, dưới có “cò” và “lái đò” buôn người. Họ vốn là ngư dân nghèo khổ, đánh bắt cá không đủ ăn. Từ ngày nở rộ các đường dây buôn người, họ quyết định “đổi đời” dẫu biết rằng phạm pháp.

Đảo Shah Porir Dwip giống một cảng đánh cá nhỏ hơn là nơi tạm trú của hàng ngàn di dân người Rohingya bị xua đuổi và người Bangladesh chạy trốn sự nghèo khó. Cảnh vật nơi đây hết sức hữu tình với những đọt dừa đong đưa theo gió biển, soi bóng xuống làn nước trong xanh, với những bãi cát dài miên man và trắng phau.

Tàu chở di dân bất hợp pháp người Rohingya và Bangladesh bị phát hiện trôi tự do trên biển. (Ảnh:
Tàu chở di dân bất hợp pháp người Rohingya và Bangladesh bị phát hiện trôi tự do trên biển. (Ảnh: COCONUTS BANGKOK)

Từ đảo Shah Porir Dwip, nằm ở huyện Cox’s Bazar thuộc phân khu Chittagong của Bangladesh, người ta có thể đi bộ vào đất liền khi thủy triều xuống. Có vẻ an bình là vậy nhưng mới đây, một biến cố lớn đã xảy ra. Lực lượng an ninh Bangladesh đột kích lên đảo, vây bắt các ngư dân tình nghi là “cò” và “lái đò” của những đường dây buôn người, đưa người trái phép vượt biển sang Malaysia và Indonesia.

Mờ mắt vì tiền

Kabir Hossain, sĩ quan cảnh sát địa phương, giải thích: “Tất cả đều là thuyền viên tàu đánh cá hoặc ngư dân. Đánh cá khó sống nên khi thấy buôn người kiếm được nhiều tiền, họ bỏ nghề và trở thành kẻ môi giới hoặc lái đò. Trên 60% cư dân sống trên đảo Shah Porir Dwip gián tiếp hoặc trực tiếp hoạt động buôn người”.

Cuộc đột kích do Tiểu đoàn RAB, lực lượng ưu tú nhất của cảnh sát, đảm trách. Khoảng 100 kẻ tình nghi bị bắt giữ. Ba “bố già” trên đảo bị bắn chết trong một cuộc đọ súng ác liệt. Trong đó,  Dholu Hossain, 45 tuổi,  là tên đầu sỏ lợi hại nhất. Một mình hắn đã thực hiện trót lọt phi vụ đưa khoảng 1.000 người Rohingya và Bangladesh đến Malaysia, Indonesia. Dân đảo đồn rằng hắn làm nổi chuyện lớn nhờ được một vị thẩm phán “chống lưng”. Cảnh sát đang điều tra vụ này.

Hòn đảo từng có 12.000 dân sinh sống giờ đây vắng như chùa Bà Đanh. Một đơn vị RAB túc trực tại đây 24/24 giờ.

Nạn buôn người từng tạo ra sự phồn thịnh trên đảo. Hầu hết nhà cửa ở đây được xây kiên cố bằng gạch, nhiều tầng lầu, khác xa những căn nhà xập xệ trên đất liền. Bangladesh là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Ngư dân cũng thuộc hạng nghèo nhất thế giới, tàu thuyền và ngư cụ lạc hậu. Cho nên, dễ đoán ra sự giàu có bất thường của dân trên đảo là từ việc làm ăn phi pháp chứ không thể từ nghề đánh cá.

Phất nhanh

Nạn nhân những đường dây buôn người không chỉ là người Rohingya. Ngày càng có nhiều người Bangladesh muốn đến Malaysia, một đất nước Hồi giáo giàu có ở Đông Nam Á. Dĩ nhiên, một chuyến đi như thế tốn rất nhiều tiền. Một chỗ trên tàu gỗ đi đến đất hứa Malaysia có giá từ 1.000 USD đến 3.000 USD. Chuyện vay nợ là tất yếu. Đầu tư lớn nhưng đi lọt hay không là chuyện hên xui. Những chuyến vượt biển như vậy ngày càng rủi ro.

Hầu hết cư dân trên đảo, nhất là người già, rất kiệm lời. Nhiều nhà báo phương Tây than phiền khó bắt chuyện với họ. Vài ngư dân trẻ tuổi dạn miệng tiết lộ: “Chúng tôi nghe nói những người vượt biển được chở trên ghe nhỏ đưa lên tàu lớn đậu ngoài khơi”. Tất cả đều rất cảnh giác trước người lạ. Họ không muốn gặp rắc rối với cảnh sát, đặc biệt là RAB.

Một viên chức Liên Hiệp Quốc công tác ở huyện Cox’s Bazar, một trong những  nơi có bãi biển dài nhất thế giới (120 km), cho biết nạn buôn người phát triển mạnh từ năm 2001. Lúc đó, người Rohingya ở Myanmar bắt đầu di cư sang Thái Lan và Malaysia. Họ ra đi vì cuộc sống ở Myanmar quá bấp bênh. Năm năm sau, đến lượt người Bangladesh cũng ra đi với lý do khác: Hy vọng thoát nghèo. Theo viên chức giấu tên vì lý do an ninh này, buôn người là một dạng tội phạm cực kỳ mang lại lợi nhuận “khủng”.

Mujibur Rahman, điều tra viên cảnh sát Bangladesh, kể lại: Một “cò” phụ nữ bị bắt gần đây khai đã kiếm được 3,1 triệu taka (khoảng 868 triệu đồng) chỉ trong 6 tháng. Đây là tài sản khổng lồ bởi theo Ngân hàng Thế giới, 3/4 người Bangladesh thu nhập mỗi ngày chưa tới 2 USD.

Chính quyền Bangladesh rất muốn dẹp nạn buôn người nhưng lực bất tòng tâm. Một viên chức Liên Hiệp Quốc nhận định: “Ngoài khơi Cox’s Bazar có khoảng 9.000 tàu thuyền, hầu hết đều hoạt động không phép”. Dễ hiểu tại sao chính quyền mất quyền kiểm soát, còn các ông trùm có thừa phương tiện để vận hành cỗ máy hái ra tiền. Dưới tay chúng có hàng ngàn “cò” và “lái đò” hoạt động rất hiệu quả.

Chuyện của Salim

Mohammed Salim, 30 tuổi, là người Rohingya sinh sống ở Myanmar. Một tay “cò” cũng là người đồng hương, biết Salim có anh trai đang ở Malaysia bèn dụ dỗ: “Chỉ cần anh trai chịu chi 4.000 ringgit (23,13 triệu đồng), anh sẽ được đưa đến Malaysia, không cần trả tiền trước”. Sau khi bàn bạc với anh trai, Salim đồng ý.

Salim được đưa đến miền Nam Thái Lan, tạm trú trong một lán trại bí mật. Sau đó, bọn buôn người đưa anh lên một chiếc tàu gỗ vượt biển đến Malaysia. Salim hoàn toàn không biết chính quyền Bangkok đang mở chiến dịch truy quét bọn buôn người. Bị truy nã gắt gao, bọn buôn người bí mật phá hỏng máy tàu trong đêm. Chiếc tàu gỗ trôi dạt vô định trên biển nhiều ngày liền. Lương thực cạn dần, nước uống cũng không còn.

Ngày 15-5, chiếc tàu chở trên 200 người “mua vé” đến Malaysia - đa số là người Rohingya, số ít là người Bangladesh - được Cảnh sát biển Thái Lan phát hiện cách đảo Koh Lipe của Thái Lan vài chục cây số. Sau khi được tiếp tế lương thực và nước uống, máy sửa xong, chiếc tàu tiếp tục cuộc hành trình vô định trên biển. Lúc đó, Thái Lan và các nước trong khu vực chưa có chính sách giữ tàu và di dân bất hợp pháp đưa vào đất liền để xử lý.

Trường hợp của Salim, theo Freeland Foundation, một tổ chức chống buôn người phi chính phủ, là còn may. Bọn buôn người thường kiếm tiền ngay lúc đưa khách vào các lán trại trên đất Thái. Thân nhân của khách bị đòi tiền chuộc trung bình 2.000 USD/người. Ai không đáp ứng yêu cầu bị chúng bán cho chủ tàu đánh cá lậu Thái Lan hoặc các cơ sở công nông nghiệp nhỏ ở Malaysia. Tại các nơi này, khách buộc phải lao động như nô lệ.

 
Theo Nguyễn Cao
Người Lao động