1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những ông trùm buôn người ở Đông Nam Á

Cuộc khủng hoảng nhân đạo với nhiều mồ chôn tập thể và những chiếc tàu chở hàng ngàn người Rohingya, Bangladesh bị thả trôi vô định trên biển Đông Nam Á bắt đầu được làm sáng tỏ khi các ông trùm buôn người bị bắt giữ.

Ngày 4-6, trung tướng Manus Kongpan - 58 tuổi, cố vấn cao cấp quân đội Thái Lan - đã chính thức bị cáo buộc 13 tội danh liên quan đến buôn người và đưa người trái phép từ Myanmar, Bangladesh vào Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Trước đó 1 ngày, viên tướng 3 sao này đã tự nộp mình tại một đồn cảnh sát ở thị trấn Pedang Besar, miền Nam Thái Lan, gần biên giới với Malaysia. Thị trấn này nổi tiếng từ lâu là hang ổ của bọn buôn người qua biên giới.

Ông Manus đã bị thẩm vấn 8 giờ ngay sau đó, theo NNB (Văn phòng Thông tin Quốc gia) Thái Lan. Những cáo buộc bao gồm buôn người, bắt người trái phép, hỗ trợ nhập cảnh trái phép vào Thái Lan, giữ người đòi tiền chuộc, che giấu thi hài, phạm tội ác xuyên quốc gia.

Tự thú nhưng không nhận tội

Khi tự thú, tướng Manus tuyên bố ông vô tội: “Tôi đến đây để đòi sự công bằng. Tôi sẵn sàng hợp tác với cơ quan điều tra. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi phán quyết của tòa án”. Trái với đồn đoán, đơn xin đóng tiền tại ngoại hầu tra của ông không được chấp thuận.

Tướng Manus Kongpan
 
Tướng Manus Kongpan (bên phải) tự thú hôm 3-6 

Theo Chỉ huy trưởng Cảnh sát quốc gia Thái Lan Somyot Poompanmuang, tòa án cấp tỉnh Na Thawi đã tống đạt trát lệnh bắt giữ tướng Manus từ ngày 1-6. Ông Manus đã liên hệ với cảnh sát trước khi tự thú.

Manus là 1 trong 84 đối tượng có lệnh bắt giữ vì liên quan đến đường dây buôn lậu và đưa người trái phép từ Myanmar vào Thái Lan. Đến nay, cảnh sát Thái Lan bắt được 52 người, những kẻ còn lại đã cao chạy xa bay. Ông Somyot nhấn mạnh rằng tướng Manus là sĩ quan quân đội duy nhất dính líu đến nạn buôn người.

Theo nhật báo The Bangkok Post, Manus là sĩ quan cao cấp nhất bị khởi tố trong vụ xì-căng-đan bùng nổ trước đây 1 tháng khi người ta phát hiện mồ chôn tập thể di dân người Rohingya thuộc tỉnh Songkhla ở vùng biên giới Thái Lan - Malaysia. Hơn 50 viên chức cảnh sát tình nghi dính líu đến vụ xì-căng-đan này chỉ bị thuyên chuyển công tác chứ không bị bắt giữ.

Chiến dịch tấn công tội phạm buôn và đưa người trái phép xuyên biên giới của chính quyền Thái Lan phát động từ đầu tháng 5 vừa qua. Từ đó đến nay, khoảng 4.000 người, hầu hết là người Rohingya, đã nhập cư trái phép Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Trong khi đó, theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 2.000 người khác lênh đênh trên biển trong cảnh đói khát vì bọn tội phạm sợ bị bắt nên chọn giải pháp “bỏ của chạy lấy người”.

Bị lộ từ năm 2009

Tướng Manus từng giữ các vị trí cao nhất của quân đội ở 2 tỉnh Songkhla và Chumphon từ năm 2007 rồi được bổ nhiệm làm cố vấn cấp cao hồi tháng 4 vừa qua sau khi quân đội được cải tổ. Việc ông bị bắt nói chung không gây sốc ở Bangkok.

Thứ trưởng Quốc phòng Thái Lan Udomdej Sitabutr cho biết đã nắm được sự việc khi cảnh sát bắt đầu điều tra ông Manus. Theo ông, quân đội sẽ không can thiệp vì “cảnh sát đã thu thập đủ chứng cứ để tiến hành (việc bắt giữ)”.

Tờ The Bangkok Post dẫn nguồn tin quân đội cho biết Thủ tướng Thái Lan, tướng Prayut Chan-o-cha và Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Prawit Wongsuwon, đã được báo cáo về vụ này. Chính họ đã bật đèn xanh cho cảnh sát hành động.

Chính quyền Bangkok đã hành động quyết liệt như vậy sau một thời gian phủ nhận thông tin cho rằng một số sĩ quan quân đội và cảnh sát Thái Lan dính líu đến các đường dây buôn người, đưa người trái phép qua biên giới. Bangkok cũng từng chịu áp lực quốc tế khi báo cáo thường niên về buôn người năm 2014 của Bộ Ngoại giao Mỹ xếp Thái Lan đứng cuối bảng vì nước này thực thi pháp luật qua loa và một số quan chức dính líu đến tệ nạn này.

Nhật báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng xuất bản tại Hồng Kông cho biết cách đây 6 năm, đã có tin đồn quân đội Thái Lan từng trục xuất người Rohingya từ Myanmar trốn qua Thái bằng cách đưa họ lên những chiếc tàu không có động cơ rồi thả trôi tự do trên biển khiến cả trăm người chết. Tháng 1-2009, tờ báo này từng đăng trên trang 1 ảnh và bài phỏng vấn tướng Manus Kogpan, lúc đó là đại tá quân đội công tác ở SCOC (Bộ Chỉ huy An ninh nội địa), về các trại giam bí mật người Rohingya ở Koh Sai Daeng, một hòn đảo hẻo lánh của Thái Lan.

Trước thông tin người Rohingya bị quân đội Thái Lan ngược đãi, ông Manus phủ nhận hoàn toàn. Ông còn nói từng giúp đỡ người Rohingya, bỏ tiền túi mua lương thực và nước uống cho họ. Trong khi đó, người Rohingya tố cáo các băng nhóm tội phạm Thái Lan lừa đảo họ bằng cách hứa tìm công ăn việc làm ở Malaysia, Indonesia rồi thu phí cắt cổ hoặc đơn giản giữ họ làm con tin đòi tiền chuộc hoặc bán cho các chủ tàu đánh cá Thái Lan, lao động như nô lệ. Quân đội và cảnh sát Thái biết chuyện nhưng ngó lơ hoặc “hợp tác làm ăn” với bọn này.

Khổ như người Rohingya

Cộng đồng thiểu số người Rohingya theo đạo Hồi sinh sống chủ yếu ở bang Rakhine, miền Bắc Myanmar, với số dân khoảng 735.000 (số liệu năm 2013). Họ cũng có mặt ở Bangladesh, Thái Lan, Malaysia, Ả Rập Saudi, Pakistan và Indonesia nhưng không đông. Tổng số người Rohingya ước lượng từ 1,4 đến 2 triệu.

Chính phủ Myanmar gọi họ là người Bengali (từ gọi chung người Bangladesh và Rohingya), do đến bang Rakhine sống bất hợp pháp nên không cấp quốc tịch. Dân Myanmar ở bang Rakhine theo đạo Phật cũng coi họ là người nước ngoài. Năm 2012, từng xảy ra xung đột tôn giáo nghiêm trọng giữa người Rohingya và Myanmar ở Rakhine.

Bị coi là di dân bất hợp pháp, khó sống nên người Rohingya ở Myanmar tìm cách di cư sang các nước Hồi giáo ở Đông Nam Á, nhất là Malaysia và Indonesia. Thái Lan là điểm trung chuyển. Từ đây, họ vượt eo biển Malacca và biển Adaman đến Malaysia và Indonesia bằng tàu thuyền.

Theo số liệu của Ủy hội Người tị nạn Liên Hiệp Quốc, từ tháng 1 đến tháng 3-2015, ước tính có đến 25.000 người Rohingya dùng phương tiện thô sơ này dẫn đến 100 người chết ở Indonesia, 200 người ở Malaysia và 10 người ở Thái Lan. Khoảng 3.000 người được cứu mạng, 2.000 người hiện chưa rõ số phận. Cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng này do bọn buôn người và đưa người trái phép xuyên biên giới gây ra.

 
(Kỳ tới: “Đại ca” Tong)

Theo Nguyễn Cao
Người Lao động