1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Những nắp cống đẹp cuốn hút trên đường phố Nhật Bản

(Dân trí) - Ngành cấp thoát nước Nhật Bản đã âm thầm tô điểm cho những chiếc nắp cống trong hàng chục năm qua, nhằm xóa bỏ định kiến về những chiếc cống không mấy sạch sẽ, đồng thời mang văn hóa và lịch sử đất nước.

Nắp cống Hello Kitty, biểu tượng của văn hóa Nhật Bản. (Ảnh: AFP)
Nắp cống Hello Kitty, biểu tượng của văn hóa Nhật Bản. (Ảnh: AFP)

Người Nhật yêu thích sự tỉ mỉ. Vì vậy, giới chức nước này đã quyết định đưa ra kế hoạch trang trí cho những chiếc nắp cống tại khoảng 1.700 thị trấn, thành phố, làng mạc trên khắp quốc gia này như một cách truyền bá văn hóa Nhật Bản từ những chi tiết gần gũi nhất.

Các trang trí trên nắp cống đại diện cho những giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với từng vùng miền. Nó có thể là một thị trấn, con phố nhuốm màu thời gian, cây cầu cảng hay ngọn núi Phú Sĩ - biểu tượng văn hóa của đất nước mặt trời mọc.

Thành phố Tama, nằm ở phía tây của Tokyo, muốn thu hút khách du lịch đến đây nhiều hơn vì vậy họ lựa chọn hình ảnh chú mèo nổi tiếng, Hello Kitty, cùng hình ảnh công viên giải trí nổi tiếng tại địa phương.

“Chúng tôi sẽ cảm thấy rất hạnh phúc nếu du khách đến đây và dành thời gian đi dạo trong thành phố để tìm kiếm những chú mèo Hello Kitty nằm trên những nắp cống”, ông Mikio Narashima, người đứng đầu cơ quan thoát nước thành phố Tama, chia sẻ.

Với những người khác, nghiên cứu nắp cống là một hành trình văn hóa. Ông Shoji Morimoto cho biết niềm đam mê với những chiếc cống của của ông khởi nguồn từ hình ảnh 2 chú phượng hoàng tại một nắp cống ở thị trấn Fukui. Sau khi tìm hiểu, ông phát hiện ra đây là biểu tượng của sự thịnh vượng của niềm hy vọng sau khi thị trấn này hứng chịu nhiều tai họa liên tiếp trong quá khứ.

Nắp cống đã trở thành sứ giả truyền bá những giá trị văn hóa, lịch sử tới người dân và khách du lịch 1 cách gần gũi nhất. (Ảnh: AFP)
Nắp cống đã trở thành sứ giả truyền bá những giá trị văn hóa, lịch sử tới người dân và khách du lịch 1 cách gần gũi nhất. (Ảnh: AFP)

Đối với nhiều người lớn, kham phá nắp công giống một cuộc truy tìm kho báu. Ông Morimoto tiết lộ rằng ông đã khám phá hầu hết các tác phẩm nghệ thuật trên tất cả các nắp cống tại khu vực ông sinh sống và ông đang tính tới việc đi xa hơn để học hỏi thêm về lịch sử và văn hóa của từng địa phương. Thậm chí, một hội nghị về nắp cống đã được tổ chức ở Tokyo và thu hút 3.000 người tham dự.

Một người đam mê nắp cống có tên Tetsuro Sasabe cho biết sự tò mò và sự ham muốn khám phá câu chuyện đằng sau những chiếc nắp cống đã khiến ông nghiêm túc tìm hiểu về cách thức tạo ra chúng. Ông cho rằng, để sưu tập hình ảnh nắp cống không hề dễ dàng như sưu tập tem hay tiền xu. Đó là một hành trình tốn nhiều thời gian di chuyển, nghiên cứu, ghi chép và tìm hiểu.

Nhằm đáp ứng mong muốn nghiên cứu về nắp cống, mạng lưới GKP, mạng lưới thành lập với nhiệm vụ nâng cao nhận thức về thoát nước, đã phát hành 1,4 triệu tấm thẻ về 293 nắp cống khác nhau. Chúng miễn phí, tuy nhiên chỉ được phát thông qua chính quyền địa phương.

Những tấm thẻ này đã trở thành “nam châm” hút khách du lịch. Trên những tấm thẻ có hình ảnh, thông tin và địa điểm chính xác của những chiếc nắp cống cho những người ưa khám phá có thể dễ dàng tìm hiểu.

Và mỗi khi, chính quyền địa phương công bố kế hoạch thanh lý nắp cống đã qua sử dụng, ngay lập tức nhu cầu sở hữu những món đồ độc đáo này lại tăng nhanh chóng. Thành phố Maebashi từng tổ chức bán đấu giá 10 nắp cống và đã nhận được tới 190 hồ sơ tham gia.

Một nghệ nhân tô màu cho nắp cống. (Ảnh: AFP)
Một nghệ nhân tô màu cho nắp cống. (Ảnh: AFP)

Nhật Bản đã bắt đầu trang trí nắp cống từ 40 năm trước nhằm thay đổi diện mạo cũng như định kiến về sự kém vệ sinh của hệ thống thoát nước. Các thiết kế cần có độ ma sát nhất định để xe hơi hay người đi qua không bị trượt ngã. Điều này đã dẫn tới việc những chiếc nắp cống được trang trí hình ngôi sao, đám mây, bầu trời, cây cối, nhà cửa được dập nổi...

Nhìn chung, trên toàn bộ đất nước Nhật Bản có khoảng 15 triệu nắp cống và chỉ có số ít trong đó được trang trí bằng màu sắc và sơn vẽ cẩn thận bằng tay. Hầu hết các nắp cống được dập nổi những hình ảnh về cảnh vật, đồ vật, lịch sử, văn hóa trên nền kim loại.

Một nắp cống thông thường tốn khoảng 600 USD mỗi chiếc, nhưng những nắp cống được trang trí thường tốn chi phí gấp 2 lần tùy thuộc vào màu sắc và sự tỉ mỉ cũng như công sức các nghệ nhân bỏ ra để hoàn thiện tác phẩm.

Đức Hoàng

Theo Straits Times