1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Những mẫu máy bay trứ danh của Không quân Nga

(Dân trí) - Trong biên chế hiện tại của Không quân Nga, có nhiều mẫu máy bay được đưa vào sử dụng từ hơn 30 năm trước, nhưng vẫn đầy uy lực, thậm chí chưa có đối thủ khả dĩ để thay thế.

Phóng viên kiêm nhà phân tích quân sự Nga Vladimir Tuchkov mới đây đã có bài viết trên tờ Svobodnaya Pressa, tuyển chọn những mẫu máy bay quân sự huyền thoại của Không quân Nga. Tất cả những máy bay này đều được đưa vào biên chế trước năm 1980, nhưng nhiều mẫu chưa thể thay thế do những tính năng và hiệu suất cao.

“Con gấu” Tu-95

Được ông Vladimir Tuchkov xem là chiến binh kỳ cựu quan trọng nhất, những máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-95 thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 12/11/1952. Đến tháng 4/1956, “Con gấu” gia nhập biên chế Không quân Nga, trở thành vũ khí hạt nhân răn đe duy nhất của Nga khi đó. Một năm sau, những tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên mới xuất hiện.

Tu-95 (phải) được một chiến đấu cơ F-15C Eagle của Mỹ tháp tùng khi bay gần Alaska. (Ảnh: AP)
Tu-95 (phải) được một chiến đấu cơ F-15C Eagle của Mỹ tháp tùng khi bay gần Alaska. (Ảnh: AP)

“Về mặt chiến lược, Tu-95, mà NATO gọi là “Con gấu”, có thể so sánh với B-52 của Mỹ”, ông Tuchkov viết. Về mặt kỹ thuật, “Con gấu” có thể chở 12 tấn vũ khí vượt Đại Tây Dương chỉ với 4 động cơ, trong khi B-52 cần 8 động cơ. Vận tốc hành trình của hai máy bay là ngang nhau.

Về khả năng “tồn tại” trên chiến trường, B-52 khi mới ra mắt có ưu thế nhờ trần bay cao hơn. Tuy nhiên, đến cuối những năm 1950, khi nhiều tên lửa phòng không uy lực ra đời, ưu thế của B-52 so với Tu-95 đã giảm rõ rệt. Trong khi đó, về hỏa lực, “Con gấu” của Nga được trang bị 3 đại bác 2 nòng 23mm, mạnh hơn 3 đại bác 13mm của B-52.

Phiên bản Tu-95 mới nhất có tên Tu-95MS, được đưa vào biên chế năm 1983 với trang bị tên lửa hành trình Kh-55, có thể mang vũ khí hạt nhân đi xa 3000km. Cùng với sự xuất hiện của tên lửa hành trình Kh-102 năm 2013, tầm bắn 5500km, điều này có nghĩa là Tu-95 thậm chí có thể tấn công từ ngoài vùng phòng không của đối phương, ông Tuchkov khẳng định.

Su-24 - Nỗi khiếp sợ của các nhóm khủng bố tại Syria

Nhiều chiến đấu cơ Su-24M đang được triển khai tấn công khủng bố tại Syria. (Ảnh: Sputnik)
Nhiều chiến đấu cơ Su-24M đang được triển khai tấn công khủng bố tại Syria. (Ảnh: Sputnik)

Nằm trong số ít chiến đấu cơ chiến thuật kỳ cựu còn lại, Su-24 được đưa vào biên chế Không quân Nga năm 1975. Ưu điểm nổi bật của máy bay này là khả năng bay tầm thấp, bám địa hình ở tốc độ siêu thanh. Đặc điểm này giúp Su-24 có thể dễ dàng vượt qua lưới phòng không của đối phương.

Sau khi được nâng cấp toàn diện hệ thống điện tử và vũ khí, những chiếc Su-24M hiện tại được trang bị hệ thống tên lửa và ném bom mới có bán kính tác chiến 615km, tốc độ tối đa khi bay ở tầm thấp đạt 1400 km/h (1700 km/h ở độ cao lớn hơn). Máy bay có thể mang tối đa 8 tấn vũ khí, và có 8 điểm cố định để gắn tên lửa và bom chính xác. Đây chính là những chiến đấu cơ đang khiến các phần tử khủng bố tại Syria khiếp sợ.

Máy bay vận tải An-12

An-12 được đưa vào biên chế từ năm 1959 với động cơ cánh quạt mạnh mẽ. (Ảnh: RIA Novosti)
An-12 được đưa vào biên chế từ năm 1959 với động cơ cánh quạt mạnh mẽ. (Ảnh: RIA Novosti)

Được đưa vào biên chế Không quân Nga từ năm 1959, An-12 là máy bay đầu tiên của Liên Xô cũ giúp lục quân có thể tiến hành những cuộc đổ bộ đường không lớn, với khả năng vận chuyển 60 binh sỹ và hai xe chở bộ binh.

Ở thời của mình, An-12 là một máy bay vận tải rất mạnh mẽ, với 4 động cơ cánh quạt, công suất 4250 mã lực/động cơ. Với sức tải 20 tấn, máy bay có thể đạt vận tốc tối đa 660 km/h, vận tốc hành trình 570 km/h, trần bay 10.000m, với tầm bay 5.500km.

"Xe tải" bay An-26

Máy bay vận tải An-26 được đặt biệt danh xe tải bay. (Ảnh: Sputnik)
Máy bay vận tải An-26 được đặt biệt danh "xe tải" bay. (Ảnh: Sputnik)

Ra đời sau những chiếc An-12, An-26 được đưa vào biên chế năm 1973, với năng lực vận hành khiêm tốn hơn người tiền nhiệm, khi chỉ được trang bị 2 động cơ cánh quạt, với sức tải 5.500kg.

Ban đầu, mẫu máy bay này không được thiết kế để phục vụ chiến đấu hoặc dành cho các lực lượng Không quân. Nhưng cuối cùng những chiếc máy bay vận tải này lại chứng tỏ hiệu quả trong chuyên chở hàng hóa và binh sỹ, và được giao trọng trách vận chuyển đạn dược và tải thương. Nói cách khác, đây giống như một chiếc xe tải bay.

An-22 Antei - Gã “khổng lồ” bay

Những chiếc An-22 có kích thước đồ sộ với khả năng hạ cánh xuống đường băng thô sơ. (Ảnh: Geg)
Những chiếc An-22 có kích thước đồ sộ với khả năng hạ cánh xuống đường băng thô sơ. (Ảnh: Geg)

Năm 1969, quân đội Liên Xô bắt đầu đưa vào sử dụng các máy bay vận tải khổng lồ An-22 Antei. Thời điểm đó, đây là máy bay vận tải hạng nặng duy nhất trên thế giới có thể cất/hạ cánh trên đường băng thô sơ. Tổng cộng, tính tới năm 1976, có 68 chiếc An-22 được sản xuất.

Máy bay có sức tải 60 tấn, đủ sức vận chuyển 290 binh sỹ, 202 người bị thương trên cáng, hoặc 160 lính dù. An-22 có tốc độc tối đa 650km/h, tầm bay 5225km, trần bay 9000m. Kích thước khổng lồ của An-22 được thể hiện ở chiều dài 57m, cao 12,5m, sải cánh 64m.

Trinh sát Ilyushin Il-20

IL-20 ra đời từ những năm 1960 vẫn đang phục vụ quân đội Nga. (Ảnh: Wiki)
IL-20 ra đời từ những năm 1960 vẫn đang phục vụ quân đội Nga. (Ảnh: Wiki)

Được đưa vào biên chế Không quân Nga năm 1969, IL-20 được trang bị đầy đủ mọi loại thiết bị do thám cùng kết nối vệ tinh. Ra đời dựa trên mẫu máy bay chở khách IL-18, những chiếc IL-20 có động cơ mạnh mẽ hơn, cùng bồn nhiên liệu lớn hơn. Có 20 chiếc Il-20 được sản xuất, và hiện những máy bay này đang tiếp tục được hiện đại hóa.

IL-76 - Cựu chiến binh “trẻ mãi”

Có tải trọng nhỏ hơn người tiền nhiệm An-22, nhưng những chiếc Ilyushin Il-76, được đưa vào sử dụng năm 1976, lại được đánh giá cao hơn hẳn bởi thiết kế động cơ phản lực, thay vì động cơ cánh quạt. Đồng thời mẫu máy bay này cũng có vận tốc cao hơn.

Những chiếc IL-76 đang là máy bay vận tải chủ lực của Không quân Nga. (Ảnh: Sputnik)
Những chiếc IL-76 đang là máy bay vận tải chủ lực của Không quân Nga. (Ảnh: Sputnik)

Ban đầu những chiếc IL-76 có công suất vận chuyển 40 tấn, trước khi được nâng cấp lên 60 tấn.

Tháng 7/1975, khi chiếc IL-76 sản xuất hàng loạt đầu tiên bay thử, máy bay đã lập một loạt kỷ lục khi chở được lô hàng 70.121 kg lên độ cao 11.875m. Cùng ngày, chiếc máy bay vận tải này đã đạt vận tốc kỷ lục 857,65 km/h, khi chở theo 70 tấn hàng hóa, trên cự ly 1000km.

Phiên bản mới nhất của dòng máy bay này, có tên IL-76-MD-90A, tiếp tục được hiện đại hóa hoàn toàn và đưa vào sử dụng năm 2014. Ngoài năng lực vận tải nhiều hàng hóa hơn, có thể thực hiện các cuộc đổ bộ đường không mà còn có tính năng như một máy bay ném bom, khi có thể tự bảo vệ mình khi bay qua vùng chiến sự.

Máy bay được trang bị 2 đại bác 23mm, với hệ thống bắt mục tiêu bằng radar và quang học. Ngoài ra, IL-76-MD-90A có 4 điểm gắn vũ khí, để trang bị tên lửa và bom hoặc gắn bình nhiên liệu phụ. Hiện mẫu máy bay này vẫn đang là máy bay vận tải chủ lực của Không quân Nga, với khoảng 120 chiếc thuộc nhiều phiên bản. Trong đó 39 chiếc IL-76-MD-90A mới đang được đặt hàng.

Thanh Tùng

Theo Sputnik

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm