1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những kỳ vọng lớn lao về thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội

(Dân trí) - Dư luận thế giới kỳ vọng Mỹ và Triều Tiên sẽ đạt được thỏa thuận cụ thể nhằm “giải bài toán” vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng trong nhiều năm qua, khi Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump họp thượng đỉnh tại Hà Nội.

 

trump 2 (1).JPG

Lãnh đạo Mỹ - Triều gặp nhau tại Hà Nội tối ngày 27/2 (Ảnh: Reuters)

 

Ông Donald Trump và ông Kim Jong-un bàn gì?

Hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục bàn về vấn đề tương tự cuộc gặp lịch sử lần đầu tiên giữa Chủ tịch Triều Tiên và Tổng thống Mỹ ở Singapore tháng 6 năm ngoái. Đó chính là số phận kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Thế giới nói chung và Mỹ nói riêng mong muốn Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm rằng họ sẽ chỉ làm như vậy chừng nào họ không cảm thấy phải đối mặt với mối đe dọa tới từ Mỹ và các đồng minh.

Chính vì điều này, Triều Tiên phải hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ lệnh cấm giao thương hoặc quan hệ với thế giới bên ngoài. Bình Nhưỡng mong muốn rằng Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt đang “bủa vây” nước này để họ có thể phát triển kinh tế sau khi phi hạt nhân hóa.

Trong cuộc họp thượng đỉnh năm ngoái, ông Trump và ông Kim đã ký tuyên bố chung Singapore, văn bản cho thấy sự kỳ vọng của 2 bên về vấn đề vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, thỏa thuận này được cho là chưa đi vào chi tiết những việc mà 2 bên cần làm.

Hai nhà lãnh đạo cam kết hòa bình và phi hạt nhân hóa, nhưng họ chưa định nghĩa cụ thể khái niệm trên cũng như nêu rõ từng bước cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra.

Triều Tiên đã phá hủy một cơ sở thử nghiệm hạt nhân. Mặc dù vậy, BBC cho rằng động thái này dường như là không cần thiết vì Triều Tiên biết rõ rằng những vũ khí hạt nhân của họ đã có thể hoạt động. Mặt khác, một số quan chức tình báo Mỹ tỏ ra hoài nghi với việc Triều Tiên phi hạt nhân hóa, vì họ cho rằng Triều Tiên coi số vũ khí trên là yếu tố quan trọng đảm bảo sự sống còn của chế độ.

Trong những tuần gần đây, ông Trump dường như đã giảm bớt kỳ vọng về vấn đề trên. Ông cho biết ông sẽ cảm thấy hài lòng chừng nào Triều Tiên ngừng các vụ thử tên lửa và bom hạt nhân. Vì vậy, Mỹ lần này có thể thúc giục Triều Tiên cung cấp danh mục đầy đủ các vũ khí hạt nhân họ đang sở hữu.

Hiệp ước hòa bình?

Những kỳ vọng lớn lao về thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội - 2

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thị sát vật thể được cho là đầu đạn tên lửa năm 2017 (Ảnh: Reuters)

 

Theo BBC, Mỹ vẫn coi Triều Tiên là mối đe dọa tiềm năng, viện dẫn những tuyên bố trước đó rằng họ có thể triển khai vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thường nếu cảm thấy bị đe dọa.

Các trong những quốc gia có mối quan ngại sâu sắc về năng lực hạt nhân của Triều Tiên là Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, Triều Tiên cũng từng nói rằng họ có tên lửa đủ mạnh tấn công được đến đất liền Mỹ.

Ngoài Hàn Quốc, về mặt kỹ thuật, Mỹ và Triều Tiên hiện vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 kết thúc với thỏa thuận ngừng bắn nhưng hiệp ước hòa bình chưa được ký kết.

Vào thời điểm hiện tại, Mỹ có hơn 23.000 quân nhân đồn trú tại Hàn Quốc và thực hiện các cuộc tập trận thường quy với Seoul. Hội nghị thượng đỉnh lần 2 có thể mở đường cho tuyên bố hòa bình, một điều mà cả Triều Tiên mong đợi.

Theo BBC, đây có thể không phải là một hiệp ước hòa bình chính thức, vì để đạt được điều này cần một quá trình chính trị phức tạp với những tác động rất lớn. Tuy nhiên, điều này nếu xảy ra cũng phần nào thể hiện thiện chí của 2 bên trong quá trình đàm phán và có thể mang lại một triển vọng tốt đẹp cho những cuộc đàm phán trong tương lai. 

Cuộc gặp như “phim khoa học viễn tưởng” của lãnh đạo Mỹ-Triều tại Singapore

Đức Hoàng

Theo BBC