1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những kịch bản đảm bảo an ninh cho Ukraine hậu xung đột

Minh Phương

(Dân trí) - Xung đột Nga - Ukraine sẽ kết thúc, nhưng bằng cách nào, khi nào vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Quan trọng nhất là làm sao để đảm bảo an ninh cho Ukraine trong tương lai và ai sẽ làm điều đó.

Những kịch bản đảm bảo an ninh cho Ukraine hậu xung đột - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa một tổ hợp pháo ở Donetsk hôm 5/12/2022 (Ảnh: EPA).

Nếu Ukraine được kết nạp NATO

Nếu Nga thất bại và Ukraine giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ, bất kỳ sự đảm bảo an ninh nào cũng chỉ có thể giải quyết một phần. Tuy nhiên, giới chức và chuyên gia phân tích cho rằng, rất khó để khẳng định sẽ không xảy ra một cuộc xung đột nào khác trong tương lai.

Phần lớn vấn đề xoay quanh sự do dự của phương Tây, những người muốn bảo vệ Ukraine nhưng lại không muốn đối đầu quân sự trực tiếp với Nga. Thay vào đó, họ tìm một giải pháp có thể răn đe Nga mà không không "chọc giận" nước này.

Nathalie Tocci, giám đốc Viện các vấn đề quốc tế ở Rome, cho rằng nếu Ukraine tìm cách giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ từ Nga, thì ở châu Âu và Mỹ sẽ ngày càng có nhiều người hối thúc: "Hãy nhìn vào chi phí mà chúng ta phải gánh. Hãy thỏa hiệp đi".

Dù vậy, theo bà, Ukraine sẽ muốn đổi lại những cam kết an ninh chắc chắn và điều đó có thể gây chia rẽ phương Tây, khi các nước Trung và Đông Âu yêu cầu trao tư cách thành viên NATO cho Ukraine, còn các đồng minh Tây Âu phản đối.

Mặc dù NATO cũng như Liên minh châu Âu (EU) hứa hẹn kết nạp Ukraine song lại không đưa thời hạn nào. Việc phương Tây ủng hộ Ukraine ngay từ đầu là một trong những lý do mà Tổng thống Nga Vladimir Putin viện dẫn cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Chừng nào các vấn đề lãnh thổ chưa được giải quyết, thì Ukraine có rất ít khả năng giành được sự ủng hộ cần thiết để gia nhập một trong hai tổ chức trên.

Theo ông Thomas Kleine-Brockhoff, cố vấn quỹ Marshall Đức, xung đột kết thúc như thế nào rất quan trọng.

Vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu Ukraine giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ đã mất?

"Nếu Nga thất bại hoàn toàn, Ukraine sẽ giải quyết được vấn đề Crimea", ông nhận định. Khi đó, Ukraine có thể sẽ dễ chạm đến giấc mộng gia nhập NATO và được đảm bảo an ninh theo cơ chế dành cho thành viên. "Nhưng cái giá để có được chiến thắng toàn diện là rất cao", ông Kleine-Brockhoff cảnh báo.

Đây là kịch bản tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ mà nhiều lãnh đạo NATO dường như không mong muốn.

Ukraine không phải thành viên NATO

Những kịch bản đảm bảo an ninh cho Ukraine hậu xung đột - 2

Binh sĩ Ukraine tại chiến trường Donbass tháng 12/2022 (Ảnh: New York Times).

Ngược lại, nếu không được trở thành một thành viên của NATO, Kiev sẽ coi những lời hứa của phương Tây chỉ là sáo rỗng. Kịch bản này sẽ giống những gì đã xảy ra vào năm 1994, khi chính phủ Mỹ, Anh và Nga hứa hẹn sẽ đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine để đổi lại việc Kiev phải từ bỏ vũ khí hạt nhân dưới thời Liên Xô. Những đảm bảo đó không đi kèm với cam kết nào cả từ Nga, Mỹ và Anh, và trở nên vô giá trị.

Anders Fogh Rasmussen, cựu Tổng thư ký NATO, đã cố gắng làm điều không thể trong "Hiệp ước An ninh Kiev" - đề xuất mà ông và các đồng nghiệp đã soạn thảo vào mùa thu năm 2022 cùng với Andriy Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Hiệp ước nhằm cung cấp một điều khả thi nằm giữa những lời đảm bảo năm 1994 và tư cách thành viên NATO, EU. Hiệp ước kêu gọi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Ukraine và các nước phương Tây quan trọng, giúp Ukraine được trang bị vũ khí tốt để trở nên bất khả xâm phạm và có khả năng tự phòng thủ.

Ông Rasmussen so sánh mối quan hệ này với quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Israel mà không cần hiệp ước phòng thủ chính thức.

Về bản chất, đề xuất này là một liên minh không có thành viên, không hẳn là đảm bảo an ninh cho Ukraine và cũng không gây trở ngại lớn cho Nga.

"Có một điều trớ trêu, việc không phải thành viên NATO sẽ đòi hỏi ở phương Tây nhiều thứ hơn và lâu dài hơn so với việc Ukraine là thành viên chính thức", ông Kleine-Brockhoff nhận định.

Những người khác cho rằng, mỗi đồng minh, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Ba Lan, nên đưa quân đội của họ vào Ukraine hậu xung đột, giống như cách mà NATO đã đưa các lữ đoàn đa quốc gia vào các nước thành viên NATO có biên giới với Nga.

Tuy nhiên, sự hiện diện đáng kể của quân đội ở một quốc gia không phải là thành viên NATO sẽ bị Nga coi là hành động khiêu khích mạnh hơn, và củng cố cáo buộc của Moscow rằng NATO đang cố gắng tách Ukraine ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của Nga.

Theo ông Ben Hodges, tướng nghỉ hưu từng chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, Mỹ, Canada và các quốc gia khác đã đưa quân đội vào Ukraine, huấn luyện lực lượng Ukraine cho đến khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt và họ phải rút quân để tránh một cuộc đối đầu NATO - Nga. Ông cho rằng, cách duy nhất để có thể bảo đảm an ninh thực sự cho Ukraine là trao cho họ tư cách thành viên NATO.

Trong khi đó, Camille Grand, cựu trợ lý tổng thư ký NATO đang làm việc tại Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Hội đồng châu Âu, đánh giá xung đột có thể kết thúc với việc Nga đạt được "một phần mục tiêu". Ông nói: "Nga thất bại hoàn toàn và Ukraine gia nhập NATO chỉ là một kịch bản lạc quan".

Ông cho rằng, bất cứ giải pháp nào nếu không bao gồm việc trao tư cách thành viên NATO sẽ rất khó cho Ukraine để được đảm bảo an ninh, nhưng trong các kế hoạch, Nga luôn giả định rằng Ukraine sẽ gia nhập liên minh quân sự này, tương tự với Thụy Điển và Phần Lan.

Stefano Stefanini, cựu chuyên gia ngoại giao Italy tại Nga và cựu đại sứ tại NATO, cho rằng ý tưởng về đảm bảo an ninh đã lỗi thời. Cách đảm bảo an ninh duy nhất cho Ukraine là trao tư cách thành viên NATO, dù đó là một việc phức tạp. Trên thực tế, có được sự đảm bảo an ninh từ các nước lớn sẽ tương đương với việc được trao tư cách thành viên NATO nhưng nó cũng tiềm ẩn rủi ro.

Ông nhấn mạnh thêm: "Chiến thắng hoàn toàn cho bất kỳ bên nào dường như không thể xảy ra. Vì vậy, đến một lúc nào đó, các nhà ngoại giao sẽ phải sáng tạo, mang lại cho Ukraine một số triển vọng vững chắc về hòa bình và an ninh được các đồng minh bảo đảm bằng cách nào đó".

Theo New York Times, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine