1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những giả thiết về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên

Sau tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (còn gọi là bom H) của Triều Tiên ngày 6-1, khu vực Đông Bắc Á một lần nữa lại dậy sóng. Các chuyên gia chính trị và an ninh quốc tế đã có những phân tích về vụ việc này.

Bước thụt lùi trong quan hệ liên Triều

Các chuyên gia của Hàn Quốc cho biết, động thái của Triều Tiên lần này thực sự bất ngờ. Lần thử hạt nhân này Triều Tiên không thông báo trước với Mỹ hay Trung Quốc. Các nhà phân tích có chung một nhận định, vụ thử hạt nhân của Triều Tiên phủ bóng đen lên mối quan hệ liên Triều, mối quan hệ mà gần đây đã có một vài dấu hiệu cải thiện.

Giáo sư Kim Yong-hyun, chuyên nghiên cứu về tình hình Triều Tiên thuộc Trường Đại học Dongguk ở Seoul (Hàn Quốc), nói: “Vụ thử hạt nhân là bước thụt lùi trong quan hệ liên Triều, ít nhất là trong nửa đầu năm 2016”.

Những giả thiết về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên - 1

Khu vực Triều Tiên thử hạt nhân. (Ảnh: BBC)

Theo các chuyên gia, vụ thử hạt nhân chứng tỏ Triều Tiên không có ý định từ bỏ việc theo đuổi đồng thời hai mục tiêu là phát triển kinh tế song song với tăng cường hạt nhân.

Theo sự phân tích của Giáo sư Yang Moo-jin, thuộc Trường Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên: “Dường như Triều Tiên đang có ý định thăm dò phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với vụ thử".

Còn theo nhà nghiên cứu cao cấp Cheong Seoung-chang thuộc Viện Sejong, động thái trên dường như nhằm góp phần làm cho Triều Tiên được công nhận là một quốc gia hạt nhân trước khi Tổng thống Mỹ Barak Obama kết thúc nhiệm kỳ.

“Triều Tiên dường như muốn tiến hành đàm phán song phương với Mỹ, sau đó là tiến tới việc đạt được một hiệp ước hòa bình”, nhà nghiên cứu Cheong Seoung-chang nói.

Tuy nhiên, thật khó để ngồi vào bàn đàm phán sau những gì đã diễn ra. Ngay sau tuyên bố của Triều Tiên, trong một cuộc điện đàm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí với Tổng thống Obama rằng, quốc tế cần tỏ thái độ cương quyết trước hành động vừa qua của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, ông Obama cũng đã nói chuyện với người đồng cấp tại Hàn Quốc về các phương án đối phó. Một quan chức Hàn Quốc nói với Hãng tin Reuters rằng, Mỹ và Hàn Quốc có thể sẽ triển khai các vũ khí chiến lược của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên, tuy nhiên ông không cho biết thêm chi tiết.

Không dễ để chế tạo bom H

Ngay sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch, nhiều chuyên gia về vũ khí đã tỏ ý nghi ngờ về khả năng vụ thử vừa qua. Có thật đây là cuộc thử nghiệm bom H?

Chuyên gia phân tích John Nilsson-Wright cho rằng: "Còn quá sớm để có thể nói rằng đã diễn ra một thử nghiệm bom H thực sự. Nhưng nếu đúng như những gì Triều Tiên công bố, vụ thử vũ khí hạt nhân này sẽ là vấn đề lớn bởi vì điều đó đồng nghĩa rằng Triều Tiên đang trên đường tiến tới sở hữu một loại bom có khả năng công phá lớn hơn các loại bom Triều Tiên từng sử dụng trong ba vụ thử hạt nhân dưới lòng đất vào năm 2006, 2009 và 2013".

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích của Mỹ bày tỏ nghi ngờ về tuyên bố của Triều Tiên.

Anthony Cordesman, chuyên gia quốc phòng tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho rằng, Triều Tiên có thể đã tiến hành thử vũ khí nguyên tử được cải tiến, chứ không phải bom H.

Theo các chuyên gia vũ khí của Mỹ, sự khác biệt giữa bom hạt nhân và bom nhiệt hạch là ở cách chúng giải phóng năng lượng. Bom hạt nhân lấy năng lượng từ quá trình phân hạch, hay còn gọi là phân rã hạt nhân. Bom H lấy năng lượng từ quá trình nhiệt hạch mà ở đó hạt nhân được tổng hợp chứ không phải phân rã.

“Bom H” trên thực tế là loại bom kép, tức là nó tiến hành nổ một thiết bị hạt nhân “thứ nhất” gồm plutoni hoặc urani được làm giàu ở cấp độ cao để “làm mồi” cho thiết bị “thứ hai” gồm các chất đồng vị hydro. Bom nhiệt hạch có sức công phá lớn hơn nhiều so với bom nguyên tử.

Quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) hồi tháng 8-1945 giải phóng khoảng 15 kiloton, trong khi một quả bom nhiệt hạch giải phóng 1.000 kiloton.

Để biết liệu có phải Triều Tiên đã thử bom nhiệt hạch hay không, Mỹ và cộng đồng quốc tế có nhiều cách để phân tích một vụ nổ dưới lòng đất, bao gồm việc sử dụng máy đo địa chấn.

Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện của Liên hợp quốc cũng có các trạm giám sát trên khắp thế giới, đã từng phát hiện các đồng vị phóng xạ từ các vụ thử hạt nhân trước đây của Triều Tiên.

Lassina Zerbo, người đứng đầu trung tâm này cho biết, các máy phát hiện phóng xạ đang tìm kiếm các đồng vị phóng xạ từ vụ nổ hôm 6-1 để xác định xem có phải Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử hạt nhân hay không và liệu có phải đó là bom nhiệt hạch như nước này tuyên bố hay không.

Để giải tỏa nghi ngờ về kỹ năng kỹ thuật cần thiết để chế tạo bom nhiệt hạch của Triều Tiên, các chuyên gia so sánh thời gian cần thiết để chế tạo bom H.

Ông Norist cho biết, đối với Mỹ, thời gian cần thiết là 87 tháng, tính từ thời điểm vụ thử bom nguyên tử đầu tiên năm 1945 đến vụ thử bom khinh khí đầu tiên năm 1952. Trung Quốc cần thời gian là 32 tháng. Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006, như vậy, Triều Tiên đã tiến hành công cuộc này trong vòng ít nhất 10 năm.

Theo một số chuyên gia, nếu không thực sự là bom H, vậy câu hỏi đặt ra, tại sao Triều Tiên thử hạt nhân?

Chuyên gia phân tích John Nilsson-Wright và nhiều chuyên gia của Mỹ nghiêng về giả thiết động cơ của Triều Tiên là muốn cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ có các cuộc đàm phán với Triều Tiên.

Triều Tiên hy vọng thông qua các cuộc đàm phán, Mỹ sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế, xây dựng hiệp ước hòa bình, chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên, có được sự công nhận ngoại giao và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những nghiên cứu, phân tích chỉ là giả thiết.

Theo Hoa Huyền

Quân đội nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm