DMagazine

Những điều ít biết về 4 đơn vị đặc nhiệm tuyệt mật và tinh nhuệ nhất của Mỹ

(Dân trí) - Để đảm bảo tính bí mật trong tác chiến tại nhiều điểm nóng trên toàn cầu, quân đội Mỹ tổ chức các đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ nhất chuyên thực hiện các nhiệm vụ tuyệt mật.

NHỮNG ĐIỀU ÍT BIẾT VỀ 4 ĐƠN VỊ ĐẶC NHIỆM TUYỆT MẬT VÀ TINH NHUỆ NHẤT CỦA MỸ

Để đảm bảo tính bí mật trong tác chiến tại nhiều điểm nóng trên toàn cầu, quân đội Mỹ tổ chức các đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ nhất chuyên thực hiện các nhiệm vụ tuyệt mật. Những cái tên nổi danh như lực lượng biệt kích Delta hay SEAL… nằm trong số đó.

Trước khi xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ, Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của quân đội Mỹ (JSOC) là một lực lượng hầu như không ai biết đến.

Nhưng nay, JSOC là lực lượng hành động bí mật số 1 của Mỹ và được biết đến với một số hoạt động nổi tiếng, như cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.

Theo Military, JSOC hiện là một tổ chức khổng lồ, với hơn 70.000 thành viên và không khác nào một "quân đội bên trong quân đội", với cơ cấu tổ chức bài bản, có đơn vị tình báo riêng, sử dụng máy bay không người lái và máy bay thám thính, thậm chí cả vệ tinh riêng.

JSOC bao gồm nhiều đơn vị, một số rất nổi tiếng. Điểm nổi bật trong các hoạt động của JSOC là có 4 đơn vị đặc nhiệm cấp 1 hoạt động bí mật, tinh nhuệ và thường được giao những nhiệm vụ khó khăn nhất. Và các lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ luôn là niềm tự hào của quân đội Mỹ.

JSOC thường xuyên thay đổi tên của các đơn vị này và giữ bí mật các chi tiết khác để bảo mật hoạt động, có nghĩa là thông tin về đội quân này thường bị lỗi thời vào thời điểm nó được công khai.

Những điều ít biết về 4 đơn vị đặc nhiệm tuyệt mật và tinh nhuệ nhất của Mỹ - 1

Các đặc nhiệm Mỹ hoạt động ở Darbasiyah, đông bắc Syria hồi năm 2018 (Ảnh: Getty).

Bussiness Insider đã hé lộ về 4 đơn vị chủ chốt của JSOC, cách hoạt động và những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm mà họ đã thực hiện ở nhiều điểm nóng những năm gần đây.

LỰC LƯỢNG ĐẶC NHIỆM DELTA 

Delta là lực lượng tinh nhuệ và bí mật nhất của Lục quân Mỹ, được Đại tá Charlie Beckwith, một sĩ quan Mũ nồi xanh, thành lập năm 1977, thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt.

Ông Beckwith khi đó nhận thấy cần phải thành lập một lực lượng có thể huy động nhanh chóng để chống lại các mối nguy hiểm phi công ước.

Các chữ cái trong Delta là tên viết tắt thể hiện sứ mệnh của lực lượng này: bảo vệ, yểm trợ đồng đội; đón đầu kẻ thù; bảo vệ con tin; chiến thuật thông minh và luôn luôn hành động. Căn cứ của họ đặt ở Fort Bragg, bang North Carolina.

Những điều ít biết về 4 đơn vị đặc nhiệm tuyệt mật và tinh nhuệ nhất của Mỹ - 2

Lực lượng Delta được coi là đơn vị chống khủng bố số 1 thế giới (Ảnh: Nationalinterest).

Kể từ khi thành lập năm 1977, Delta từng trải qua vài lần thay đổi tên gọi để đảm bảo tính bí mật. Ngoài tên gọi đặc nhiệm Delta, còn một số tên gọi khác như Đội Chiến đấu Ứng dụng (CAG) hay các Nhân tố Chuyên biệt của Quân đội Mỹ (ACE). Đây là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, chuyên thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố.

Nhiệm vụ chính của lực lượng Delta là chống khủng bố. Tuy nhiên, lực lượng này có khả năng đảm trách nhiều loại nhiệm vụ bí mật, không giới hạn địa lý như giải cứu con tin, và các nhiệm vụ hành động trực tiếp của quân đội.

Lực lượng Delta đã tham gia vào hầu hết các cuộc xung đột lớn và nhỏ kể từ khi ra đời như ở Grenada năm 1983, Panama năm 1989, Somalia năm 1993 và trong những năm gần đây là ở Afghanistan, Iraq và Syria.

Lịch sử hoạt động của đội Delta có sự khởi đầu không thuận lợi khi hứng chịu thất bại nặng nề ngay lần đầu ra quân trong chiến dịch "Vuốt đại bàng" nhằm giải cứu 52 con tin Mỹ bị Iran bắt giữ.

Sau đó, Delta lấy lại danh tiếng khi tham gia chiến dịch năm 1993 nhằm bắt giữ lãnh đạo nhóm phiến quân Somalia Mohamed Farrah Aidid ở thủ đô Mogadishu và sau đó là cứu phi công lục quân Michael Durant sau khi trực thăng của anh này bị rơi trong khi tham gia chiến dịch. Năm đặc nhiệm Delta đã thiệt mạng trong vụ việc này, cùng với 14 lính Mỹ thuộc các đơn vị khác. Bên cạnh đó, hàng trăm chiến binh Somalia và dân thường cũng thiệt mạng.

Đặc biệt, Delta tham gia nhiều chiến dịch ở Afghanistan và Iraq. Họ cũng là lực lượng bắt sống cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein.

Delta rút khỏi Iraq khi các lực lượng Mỹ rời khỏi nước này vào năm 2011, nhưng có mặt thường xuyên trong các chiến dịch chống IS ở Iraq. Và nhiệm vụ gây chú ý nhất là chiến dịch đột kích tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi vào năm 2019.

Lực lượng Delta cũng là nòng cốt trong chiến dịch chống khủng bố quy mô nhằm vào Al-Qaeda ở Iraq vào giữa những năm 2000.

Vì vậy để vào được đội ngũ Delta, các thành viên phải trải qua quy trình tuyển chọn kỹ càng, cực kỳ bí mật và tất nhiên là cũng phải qua quy trình đào tạo khắc nghiệt.

Đặc nhiệm Delta có trụ sở ở căn cứ Fort Bragg bang North Carolina, chào đón mọi thành viên của lực lượng vũ trang, bao gồm cả quân đội Lực lượng Dự bị và Vệ binh Quốc gia. Tuy nhiên, giới lãnh đạo điều hành Delta thường đến từ Trung đoàn 75 Biệt kích của Lục quân có biệt danh là "Mũ nồi xanh".

BIỆT KÍCH SEAL ĐỘI 6

Nhóm Triển khai Chiến tranh Đặc biệt Hải quân Mỹ (DEVGRU), trước đây gọi là SEAL Team 6, được thành lập từ tháng 11/1980 sau cuộc khủng hoảng con tin Iran năm 1979.

Đây là đơn vị đặc nhiệm chuyên trách chống khủng bố, giải cứu con tin và hành động thuộc quyền quản lý của Hải quân, là một trong những tổ chức quân sự bí mật nhất, bị đồn thổi nhiều nhất tại nước Mỹ. Ngay cả Lầu Năm Góc cũng không chính thức công nhận cái tên này.

Những điều ít biết về 4 đơn vị đặc nhiệm tuyệt mật và tinh nhuệ nhất của Mỹ - 3

SEAL Team 6 hoạt động rất bí mật (Ảnh minh họa: Theintercept).

Được thành lập vào năm 1980 bởi Dick Marcinko, một sĩ quan Hải quân SEAL, DEVGRU chuyên thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố, trinh sát đặc biệt, giải cứu con tin và các sứ mệnh bảo vệ tầm gần.

Kể từ sau vụ khủng bố 11/9, ngân sách hoạt động và quân số của đội được tăng cường với 1.800 thành viên, trong đó có một số nữ binh sĩ thực hiện các nhiệm vụ tình báo.

Và đội này đã lập nhiều kỷ lục và gây tiếng vang.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ từ năm 1981, đơn vị này nổi tiếng nhất với Chiến dịch Neptune Spear, giải cứu thuyền trưởng Richard Phillips của con tàu Maersk Alabama khỏi những tên cướp biển Somali năm 2009, và đặc biệt là cuộc đột kích tiêu diệt thủ lĩnh khủng bố Al-Qaeda Osama bin Laden tại Pakistan năm 2011.

DEVGRU đã tham gia vào nhiều hoạt động khác, bao gồm cả việc giải cứu một người Mỹ bị bắt làm con tin ở Nigeria gần đây.

Tuy nhiên, danh tiếng của đơn vị bị phủ bóng u ám bởi cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, là "cỗ máy giết người" và hành vi của các thành viên trong và ngoài chiến trường đã khiến DEVGRU bị giám sát chặt chẽ hơn.

Theo các nguồn tin của báo New York Times, kể từ vụ tấn công khủng bố 11/9, Nhà Trắng quyết định đầu tư mạnh vào SEAL Team 6. Một cựu quan chức quân đội Mỹ cho biết, SEAL Team 6 hoạt động tự do hơn và ít bị giám sát.

Theo các nguồn tin, SEAL Team 6 bắt đầu hợp tác với CIA để mở rộng quyền chiến đấu. Với Chương trình Omega của CIA, đặc nhiệm SEAL Team 6 được quyền tổ chức các chiến dịch mật nhằm tiêu diệt Taliban tại Pakistan. Từ năm 2006, JSOC ra lệnh cho SEAL Team 6 tìm diệt Taliban đang trỗi dậy trở lại ở Afghanistan. Kể từ đó, SEAL Team 6 tổ chức nhiều trận truy quét trong đêm.

SEAL Team 6 bị lên án với quy định mà các đặc nhiệm SEAL Team 6 luôn thực hiện là bắn những kẻ đã ngã xuống để đảm bảo họ thực sự đã chết.

Điều mà DEVGRU khác với Delta là việc chỉ tuyển mộ từ các đơn vị Chiến tranh Đặc biệt của Hải quân, có nghĩa là chỉ những người lính Hải quân SEAL và Chiến binh Chiến đấu Đặc biệt mới có thể gia nhập DEVGRU.

PHI ĐỘI CHIẾN THUẬT ĐẶC BIỆT SỐ 24 

Về mặt giấy tờ, Phi đội Chiến thuật Đặc biệt số 24 chỉ là một trong số các phi đội hoạt động đặc biệt khác như Phi đội Chiến thuật Đặc biệt thứ 22 và 23.

Những điều ít biết về 4 đơn vị đặc nhiệm tuyệt mật và tinh nhuệ nhất của Mỹ - 4

Phi đội số 24 trong một cuộc tập trận tại Florida hồi năm 2021 (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Nhưng trên thực tế, đơn vị này là lực lượng ưu tú của Lực lượng Đặc nhiệm Không quân, tuyển dụng các thành viên đặc nhiệm từ các phi đội chiến thuật đặc biệt.

Đơn vị này bao gồm các nhà điều hành tác chiến, các nhà điều hành của Bộ Chỉ huy Tác chiến Đặc biệt (Pararescuemen), các nhà điều hành Trinh sát Đặc biệt và các biệt kích thuộc đội Kiểm soát Không quân Chiến thuật.

Theo trang Militay, nhiệm vụ của họ là triển khai bí mật vào môi trường chiến đấu và khu vực của kẻ thù để thiết lập các khu vực tấn công hoặc sân bay đồng thời thực hiện kiểm soát không lưu, hỗ trợ hỏa lực, chỉ huy và kiểm soát, hành động trực tiếp, chống khủng bố, phòng thủ đối ngoại, hỗ trợ nhân đạo và trinh sát đặc biệt.

Phương châm "First There" (Có mặt trước tiên) của họ tái khẳng định cam kết của lực lượng này trong việc thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm nhất phía sau chiến tuyến của kẻ thù bằng cách dẫn đường cho các lực lượng khác làm theo.

Đơn vị này đã tham gia rất nhiều vào các hoạt động ở Iraq và Afghanistan với tư cách là một phần của các nhóm trong JSOC gồm Lực lượng Đặc nhiệm 121, Lực lượng Đặc nhiệm 6-26 và Lực lượng Đặc nhiệm 145.

Để tham gia một trong những lĩnh vực hoạt động đặc biệt này, các thành viên phải vượt qua một quá trình tuyển chọn và đào tạo khắc nghiệt kéo dài tới 2 năm. Sau đó, sau một số năm phục vụ trong đội chiến thuật đặc biệt, một người phải vượt qua một cuộc tuyển chọn khác mới có thể đầu quân cho phi đội số 24.

Sự khác biệt chính so với phần còn lại là phi đội này hiếm khi hoạt động một mình mà thường kết hợp tác chiến với các đơn vị JSOC khác.

HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ TÌNH BÁO CỦA QUÂN ĐỘI 

Đây là đơn vị tuyệt mật nhất trong số 4 đơn vị tinh nhuệ của JSOC.

Những điều ít biết về 4 đơn vị đặc nhiệm tuyệt mật và tinh nhuệ nhất của Mỹ - 5

Sĩ quan Nathan Moyer, chuyên gia tình báo, nhận chỉ định Chuyên gia Chiến đấu Chiến tranh Viễn chinh (Ảnh: US Naval).

Hoạt động Hỗ trợ Tình báo (ISA) được thành lập sau khi chiến dịch giải cứu con tin tại đại sứ quán Tehran ở Iran thất bại vào năm 1980. Nhiệm vụ của đơn vị này nhằm cung cấp cho Lực lượng lính đặc nhiệm của quân đội (SOCOM) lúc đó và cả quân đội Mỹ những thông tin tình báo về con người và tín hiệu đáng tin cậy, kịp thời và có thể hành động.

Người ngoài biết rất ít về tổ chức hoặc các hoạt động của ISA, nhưng rõ ràng là họ hoạt động như một đơn vị tình báo quân sự và đã tham gia vào nhiều nhiệm vụ trên toàn cầu.

Lầu Năm Góc thường xuyên phủ nhận những thông tin liên quan đến hoạt động hoặc thậm chí là sự tồn tại của đơn vị này và liên tục đổi tên để đánh lạc hướng xác định về danh tính hoặc hoạt động của đơn vị này. Ban đầu được gọi là Lực lượng Đặc nhiệm Orange, đơn vị này sau đó được đổi nhiều tên khác bao gồm Centra Spike, Torn Victor và Grey Fox.

Trước khi hoạt động dưới tên ISA như hiện nay, đơn vị này được gọi là Nhóm Hoạt động Hiện trường (FOG). FOG được chú trọng phát triển vì giới chức Mỹ nhận thấy nhu cầu về khả năng thu thập thông tin tình báo rộng lớn hơn cho quân đội Mỹ.

ISA chuyên thu thập thông tin tình báo, phát tín hiệu tình báo và chiến đấu.

Năng lực độc đáo của họ được phát huy khi các lực lượng hoạt động đặc biệt khác không thể hoàn thành nhiệm vụ do lỗ hổng về thông tin tình báo. Các nhiệm vụ này bao gồm việc tìm ra trùm ma túy Colombia Pablo Escobar, xác định vị trí của tướng quân đội James Dozier khi bị Lữ đoàn Đỏ bắt cóc vào năm 1981 và tìm ra các điểm quan sát ở Afghanistan để bảo vệ các lực lượng thân thiện trong khu vực.

Tất nhiên, để được gia nhập ISA là chuyện không hề dễ dàng.

Các ứng viên phải là thành viên của một nhóm lực lượng hoạt động đặc biệt, sau đó trải qua một loạt các khóa học đánh giá và tuyển lựa khắt khe cũng như kiểm tra lý lịch và kiểm tra tâm lý.

Sau khi được nhận, các ứng viên phải vượt qua khóa huấn luyện tác chiến, dạy các kỹ thuật xâm nhập, hoạt động đường không nâng cao, lái xe tấn công và địa hình, các biện pháp phòng thủ cá nhân và thông tin liên lạc.

Thanh Thành

Theo BI, Military, Yahoo News