Những địa điểm đặc biệt trên trái đất
(Dân trí) - Trải qua quá trình hình thành và tái tạo, trái đất ngày nay đã sở hữu một "vóc dáng" tương đối ổn định với những địa điểm đặc biệt về địa lý và khí hậu, tạo nên những cái nhất về điều kiện tự nhiên.
1.Nơi vỏ trái đất dày nhất
Đỉnh Chimborazo có độ cao 6.310m so với mực nước biển. Tuy không phải là đỉnh núi cao nhất của dãy Andes, nhưng nó lại là nơi dày nhất của vỏ trái đất. Nếu tính từ tâm Trái Đất thì phần lồi ra xa tâm nhất là đỉnh Chimborazo, độ dày là 6.384km. Trên dãy Andes có rất nhiều núi lửa và nhiều dòng suối băng. Ở độ cao khoảng 460m trở lên quanh năm băng tuyết không bao giờ tan.
| |
Đỉnh Chimborazo. |
Đỉnh núi Chimborazo thuộc miền Trung thuộc dãy núi Andes, chạy qua lãnh thổ của nhiều quốc gia Nam Mỹ dọc theo bờ Đông của Thái Bình Dương. Đây là vùng cao nguyên có ngành chăn nuôi gia súc và trồng trọt rất phát triển.
2.Sa mạc lớn nhất
Sa mạc Sahara lớn nhất thế giới, bao trùm hầu như toàn bộ khu vực phía Bắc châu Phi gồm 11 quốc gia. 1/5 diện tích của Sahara được bao phủ toàn cát, còn lại là vùng đá dăm và đá lớn, phân bố đan xen với nhau. Theo thói quen, người ta hay gọi đây là sa mạc, nhưng phải gọi là hoang mạc mới chính xác vì Sahara không chỉ là một sa mạc điển hình với nhiều đồi cát lớn mà còn có một diện tích lớn nham thạch lộ thiên hoặc chỉ có một lớp mỏng nham thạch vụn (hoang mạc đá) cùng với các bãi đã cuội và sỏi (sa mạc).
| |
Sahara, với nhiều người, đồng nghĩa với từ sa mạc. |
Sa mạc Sahara kéo dài từ biển Đại Tây Dương ở phía Tây sang tới biển Hồng Hải ở phía Đông. Phía bắc giáp với biển Điạ Trung Hải và dãy núi Atlas, phía Nam là vùng bán sa mạc Sahel. Đặc điểm địa hình ở khu vực Sahara chủ yếu là những vùng cát và đá xen lẫn với những bồn địa nông và những khu vực cao nguyên bằng phẳng nhiều bụi cây mọc thấp.
Thổ nhưỡng khu vực này chủ yếu là những vùng có hàm lượng chất hữu cơ thấp, chứa muối nên không thích hợp cho việc trồng trọt. Sahara được phân chia làm 2 vùng theo điều kiện khí hậu. Vùng phía Bắc là khu vực á nhiệt đới, nhiệt độ trong ngày chênh lệch khá nhiều. Mưa thường tập trung vào mùa đông nhưng mùa hè có khi xuất hiện mưa lũ, mùa xuân có gió nóng từ miền Nam thổi lên. Phía Nam là khu vực có khí hậu khô nóng, nhưng mùa đông thường có gió cát từ phía bắc thổi xuống.
3.Biển có nước ấm nhất
Biển Đỏ nằm giữa vùng Đông Bắc châu Phi và bán đảo Ả Rập với diện tích tổng cộng là 45 vạn km2. Đây là biển có nhiệt độ nước ấm nhất trên thế giới. Phía Bắc biển Đỏ có 2 vịnh nhỏ. Đó là vịnh Suye, thông qua kênh đào Suye để thông sang Địa Trung Hải và vịnh Aqaba.
| |
Bão trên Biển Đỏ. |
Theo kết quả nghiên cứu địa chất thì lục địa châu Phi và bán đảo A Rập đã bị tách ra và tạo thành biển Đỏ vào khoảng 20 triệu năm trước đây. Ngày nay, 2 bờ của biển Đỏ vẫn tiếp tục dịch chuyển ra xa nhau với tốc độ mỗi năm là 1cm. Địa hình 2 bờ của biển Đỏ tương đối dốc đứng, có nhiều đá san hô vì vậy có rất ít hải cảng thiên nhiên tốt.
Độ sâu trung bình của biển Đỏ là 558m, độ sâu tối đa là 2514m. Do bị kẹp bởi lục địa châu Phi và bán đảo A Rập nóng nực nên khí hậu của biển Đỏ oi nóng, có nhiều bụi cát. Lượng mưa ở đây thấp nhưng độ bay hơi nước rất cao. Biển Đỏ là một trong những biển có nhiệt độ nước và độ mặn cao nhất thế giới. Nhiệt độ mặn nước biển vào tháng 8 khoảng 27 đến 32 độ C.
4. Cao nguyên cao nhất
Cao nguyên Thanh Tạng của Trung Quốc, cao hơn 3.500m so với mực nước biển được mệnh danh là "nóc nhà của thế giới". Diện tích là 2,4 triệu km2. cao nguyên bao trùm toàn bộ khu tự trị Tây Tạng, tỉnh Thanh Hải, phần phía nam của Khu tự trị Tân Cương, một phần tỉnh Cam Túc và Vân Nam. Bao bọc xung quanh cao nguyên là những dãy núi lớn và cao, như dãy núi Himalaya hoặc dãy Côn Lôn.
| |
Hình do vệ tinh NASA chụp phần phía Nam cao nguyên Thanh Tạng. |
Trên cao nguyên còn rất nhiều những dãy núi cao khác với độ cao trung bình đều trên 5.500m. Riêng dãy núi Hymalaya cao nhất thế giới có tới 18 ngọn núi cao hơn 8.000m và nổi tiếng nhất là đỉnh Evest cao 8.848m. Cao nguyên Thanh Tạng có nhiều bồn địa và nhiều hồ lớn như hồ Thanh Hải, hồ Nạp Mộc Tích. Đây cũng là nơi phát nguyên của nhiều con sông nổi tiếng của Trung Quốc như sông Trường Giang, Hoàng Hà, Lan Thương, Nộ Giang v.v...
HH
tổng hợp