Những dấu mốc trong 15 năm cầm quyền của Tổng thống Putin
(Dân trí) - Hôm qua (7/5) là ngày đánh dấu 15 năm kể từ khi ông Vladimir Putin lần đầu nhậm chức Tổng thống Nga. Nhân dịp này, tờ báo Nga RT đã có một bài viết nhìn lại những dấu mốc quan trọng mà ông chủ điện Kremlin đã trải qua trong khoảng thời gian trên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên thệ nhậm chức vào năm 2000 - Ảnh: RIA Novosti.
Sau khi ông Boris Yeltsin từ chức Tổng thống Nga vào ngày 31/12/1999, ông Putin - khi đó đang giữ cương vị Thủ tướng - tiếp quản ghế Tổng thống, trở thành người lãnh đạo của một đất nước cùng lúc đang phải đương đầu với tình hình kinh tế u ám và mất trật tự an ninh-xã hội.
Bởi vậy, ông Putin - khi đó còn chưa được nhiều người biết đến - đối mặt hàng loạt thách thức. Báo chí phương Tây ngay lập tức tỏ ra có thiện cảm với ông. Một số tờ báo phương Tây nói rằng việc Putin “kết hợp giữa tư tưởng tự do và sự cứng rắn có vẻ như được lòng người dân Nga”.
Đầu tiên, Putin đã xử lý cuộc khủng hoảng ở nước Cộng hòa Chechnya thuộc Nga - khu vực vào thời điểm đó là một “điểm nóng” của chủ nghĩa khủng bố. Putin đã có một câu nói sau này trở thành biểu tượng cho quyền lực chính trị trong tay ông: “Chúng tôi sẽ truy lùng những kẻ khủng bố ở khắp mọi nơi, tại các sân bay, và nếu bắt được bọn chúng trong nhà vệ sinh, chúng tôi sẽ ném chúng vào bồn cầu”.
Bởi vậy, sau một loạt cuộc tấn công khủng bố trên khắp nước Nga, Putin bắt đầu chiến dịch “Chechnya thứ hai” với những cuộc đụng độ quyết liệt. “Quả đấm thép” không giúp Putin được truyền thông nước ngoài ca ngợi, nhưng lại khiến ông nhận được sự nể trọng và ủng hộ lớn ở trong nước.
Tiếp theo, Putin chuyển sự chú ý sang giới tài phiệt Nga, những người rất mạnh ở Nga vào cuối những năm 1990. Nhiều nhà tài phiệt đã lần lượt bị “hạ bệ” sau đó. Tuy vậy, con đường mà Putin phải trải qua để chống lại ảnh hưởng rộng lớn của các nhà tài phiệt đầy chông gai.
“Một vài người trong số họ tới văn phòng của tôi và nói với tôi rằng: ‘Ông có nhận ra rằng ông sẽ không bao giờ là Tổng thống’”, Putin nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình mới đây.
Sau khi đã giải quyết xong các vấn đề trong nước, Putin chuyển sang tăng cường quan hệ đối ngoại của nước Nga.
“Tôi nhìn vào mắt của ông ấy và nhận ra rằng ông ấy rất thẳng thắn và đáng tin cậy. Chúng tôi đã có một cuộc đối thoại rất tốt. Tôi có thể cảm nhận được tâm hồn của ông ấy”, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush nói về cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin ở Slovenia vào năm 2001.
Tuy vậy, nhiệm kỳ đầu tiên của Putin không hề dễ dàng. Thảm họa tàu ngầm Kursk vào tháng 8/2000 đã gây bất bình trong dư luận Nga và khiến hình ảnh của nước Nga trên trường quốc tế bị suy giảm. Trong thảm họa này, toàn bộ 118 thủy thủ và sỹ quan trên tàu ngầm đã thiệt mạng.
Nhưng từ năm 2000-2004, nước Nga chứng kiến GDP tăng trưởng mạnh mẽ, nền kinh tế khởi sắc và giới tài phiệt được đưa vào khuôn khổ. Với thành công này, ông Putin dễ dàng có được nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai.
Tuy vậy, nhiệm kỳ này của ông đã bắt đầu bằng một trong những thảm họa lớn nhất mà nước Nga hiện đại phải trải qua: vụ thảm sát tại một trường học ở Beslan. Hơn 1.000 người đã bị bắt làm con tin ở ngôi trường thuộc Bắc Ossetia vào ngày đầu tiên của năm học mới, trong đó có 800 trẻ em. Khoảng 200 trẻ em đã thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố kéo dài 3 ngày này.
Các lực lượng an ninh Nga và bản thân Tổng thống Putin là đối tượng bị chỉ trích khi xảy ra vụ thảm sát đẫm máu này. Sau đó, các biện pháp kiểm soát an ninh được tăng cường trên toàn nước Nga để đối phó với các phần tử Hồi giáo cực đoan. Cách làm này khiến báo chí phương Tây cho rằng ông Putin “đang giành quyền kiểm soát cả hai viện Quốc hội và tất cả các đảng phái chính trị”, rằng ông đang “đàn áp các nhóm xã hội dân sự không chịu đứng về phía ông”.
Tuy nhiên, những cáo buộc này dường như không thể làm suy giảm sự ủng hộ của người dân Nga đối với Tổng thống Putin. Dân chúng Nga không khi nào thôi ngạc nhiên trước những gì mà vị Tổng thống của họ có thể làm: từ hát tới chơi đàn dương cầm, từ đấu võ judo tới lái xe đua…
Theo quy định của Hiến pháp Nga, ông Putin không được chạy đua tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2008. Ông chuyển sang giữ cương vị Thủ tướng, trong khi ghế Tổng thống do ông Dmitry Medvedev đảm nhiệm.
Cùng năm đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến nền kinh tế Nga chao đảo.
“Cách đây 1 năm, ngay trên chính sân khấu này, những người bạn Mỹ đã nói với chúng ta về nền tảng của đồng USD”, ông Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2008.
Từng bước chậm mà chắc, Nga đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng và tầng lớp trung lưu của nước này bắt đầu phát triển mạnh, dẫn tới một hiện tượng khác là “chống chủ nghĩa Putin”.
Những lời cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2011 đã khiến hàng nghìn người xuống đường trên khắp nước Nga. Điều này khiến chiến thắng của Putin trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2012 càng trở nên quan trọng hơn đối với đại đa số dân chúng Nga - những người ủng hộ ông.
“Tôi đã hứa với các bạn là tôi sẽ thắng mà. Chúng ta đã chiến thắng!” Putin tuyên bố trước đám đông đang reo hò sau khi kết quả cuộc bầu cử được công bố.
Đến năm 2013, nền kinh tế Nga đã tăng trưởng gấp 10 lần dưới sự lãnh đạo của Putin, trong khi nợ công của Nga giảm xuống hàng thấp nhất trong số các nước phát triển. Tiền lương nói chung và lương hưu của người Nga tăng mạnh.
Dĩ nhiên, không có cách nào tốt hơn để ăn mừng những thay đổi lớn lao này bằng cách đăng cai Thế vận hội mùa đông. Bất chấp mọi cáo buộc về tham nhũng và những lời đe dọa tấn công khủng bố, Thế vận hội mùa đông do Nga đăng cai ở Sochi đã thành công tốt đẹp và nước Nga đứng đầu trên bảng tổng sắp huy chương.
Nhưng tâm trạng chiến thắng không kéo dài lâu. Một cuộc đảo chính bạo lực diễn ra ở nước láng giềng Ukraine đã đặt Nga vào thế khó về vấn đề Crimea, bán đảo nơi người dân tộc Nga chiếm 65% dân số. Crimea cũng là nơi Nga đặt hạm đội Biển Đen và hàng nghìn binh sỹ.
“Chúng tôi buộc phải áp dụng các biện pháp nhằm ngăn tình hình diễn biến theo cách những gì đã xảy ra sau đó ở miền Đông Ukraine - nơi có xe tăng và những phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan được trang bị vũ khí. Các binh sỹ của chúng tôi đã hành động phù hợp, quả quyết và chuyên nghiệp”, Putin lý giải sau đó về việc sáp nhập Crimea.
Vài tuần sau khi đảo chính xảy ra ở Ukraine, một cuộc trưng cầu dân ý nhanh chóng được tổ chức ở Crimea. Kết quả, 96% cử tri nhất trí với việc bán đảo này gia nhập liên bang Nga. “Đó là hàng triệu người Nga, hàng triệu đồng bào của chúng ta, những người cần chúng ta giúp đỡ và ủng hộ”, ông Putin nhấn mạnh.
Việc sáp nhập Crimea khiến Nga bị loại khỏi nhóm G8 và chịu những đòn trừng phạt mạnh từ phương Tây.
Sau 15 năm nắm quyền, Vladimir Putin đã làm rõ một điều: Ông không phải là một con người ngần ngại trước thử thách.
“Có thể con gấu của chúng tôi muốn ngồi yên, ăn những trái dâu và mật ong. Có thể là sau đó con gấu sẽ bị bỏ mặc một mình. Nhưng không - họ sẽ luôn tìm cách xiềng xích chú gấu, và ngay khi làm được điều đó, họ sẽ nhổ sạch răng và móng vuốt của nó”, Tổng thống Putin phát biểu tại cuộc họp báo thường niên với giới truyền thông quốc tế hồi năm ngoái.
Phương Anh
Theo RT
Theo RT