1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Những cuộc mặc cả giữa Washington và Tel-Aviv

Giải đáp câu hỏi rằng bắt đầu từ những nguyên nhân lịch sử nào khiến Washington ủng hộ Tel-Aviv như thấy hiện nay có thể giúp giải thích thêm nhiều về chính sách Washington đối với khu vực, hiện tại cũng như tương lai...

"Mềm nắn rắn buông"

 

Sau Cuộc chiến 6 ngày vào tháng 6/1967, Israel nhanh chóng tăng cường xây dựng “mối quan hệ nguy hiểm” bằng chuyến công du chính thức của Thủ tướng Levi Eshkol vào tháng 1/1968, gặp Tổng thống Lyndon Johnson. “Tình cảm” giữa hai nguyên thủ đã trở nên gần gũi hơn, kể từ lần gặp nhau đầu tiên vào năm 1964. Một lần nữa, Thủ tướng Israel kinh lý Hoa Kỳ với mục đích duy nhất: xin viện trợ vũ khí, cụ thể là máy bay F-4 Phantom.

 

Israel tỏ ra nóng ruột vì F-4 Phantom không những được dùng cho mục đích quân sự mà cho cả ý đồ mang tính chính trị. Ai Cập đang đổ bom vào một số vùng đất do Israel chiếm giữ và Israel cần một công cụ hỗ trợ để giải quyết chuyện này. F-4 Phantom là thứ công cụ như vậy. Oanh tạc cơ này có thể mang đến 6 tấn bom và vài chiếc thôi cũng đủ dằn mặt Ai Cập.

 

Như đôi tri kỷ lâu ngày không gặp, Johnson mời Eshkol đến trang trại Texas để cả hai cùng hưởng không khí gia đình và để giữ nội dung nói chuyện hoàn toàn bí mật. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng có sự tham dự của các chuyên gia tư vấn quân sự của Tổng thống Mỹ và bên Israel có sự hiện diện của Tổng tư lệnh Không quân Motti Hod. Tại cuộc gặp, Johnson hứa rằng Mỹ sẽ cung cấp 50 chiếc Phantom (tuy trước đó các nhà quân sự Mỹ đề nghị Johnson không nên giao loại máy bay quá mạnh như Phantom cho Israel).

 

Tất nhiên, Mỹ chẳng cho không: Israel phải tiết lộ toàn bộ kế hoạch hạt nhân cho Washington. Ngoài ra, sự hỗ trợ Phantom cho Israel giúp Mỹ duy trì cán cân quyền lực ở khu vực Trung Đông với Liên Xô. Tuy nhiên sau đó, Johnson không còn tâm trí để ý đến chuyện Trung Đông vì cuộc chiến leo thang ở Việt Nam. Chỉ vài ngày trước khi rời khỏi ghế tổng thống, Johnson mới ký quyết định giao Phantom cho Israel và chuyến hàng đầu tiên đã đến Israel vào tháng 9/1969 và đợt tấn công đầu tiên của Israel vào Cairo xảy ra vào tháng 1/1970.

 

Sự kiện Israel - Ai Cập vừa chấm dứt thì lại bùng lên vụ khủng hoảng ở Jordan mà Mỹ cho rằng Liên Xô đứng phía sau. Cuộc khủng hoảng bắt đầu khi Mặt trận Nhân dân giải phóng Palestine (PFLP) đánh cướp 3 máy bay ở một sân bay ở Jordan vào ngày 6/9/1970, giữ 421 hành khách mà trong đó có nhiều người Mỹ, nhằm buộc Israel phải thả tù nhân của họ. Với Nixon, vụ không tặc chẳng những không phải là mối đe dọa mà là một cơ hội cho chính Mỹ. Như sau này Henry Kissinger đã viết trong hồi ký: “Tổng thống (Nixon) xem chuyện này như là cái cớ hợp lý để nện Palestine, qua tay Jordan”.

 

Ngày 16/9, sau khi tham vấn với CIA, Vua Jordan Hussein quyết định tấn công các doanh trại Palestine. Với lực lượng mỏng, Palestine nhanh chóng bị đánh bật khỏi Amman (Jordan). Tiếng kêu cứu của họ gặp phải sự phớt lờ trong thế giới Arập, ngoại trừ Damascus. Tổng thống Hafez al-Asad phái quân đội Syria thâm nhập Bắc Jordan mà quân Palestine đã chiếm giữ một phần.

 

Hành động của Hafez làm cho Washington lo ngại và Nixon - Kissinger nghĩ ngay rằng toàn bộ sự tình do Liên Xô giật dây. Nhà Trắng gửi tín hiệu báo động đến Quân đoàn Không quân 82 ở cảng Bragg và bật đèn xanh cho Hạm đội 6 Hải quân Mỹ chuẩn bị tư thế...

 

Tuy nhiên, Mỹ còn đủ tỉnh táo nhận ra rằng không nên trực tiếp nhúng tay, nếu không, Liên Xô không để yên. Bởi vậy, Mỹ bí mật giục Israel vào cuộc. Đợi khi Thủ tướng Israel Golda Meir (kế nhiệm Eshkol) sang Mỹ để quyên tiền trong cộng đồng Do Thái tại New York (với sự tham dự của Đại sứ Yitzhak Rabin), Kissinger chộp ngay cơ hội gặp Rabin tại buổi ăn tối ở New York vào ngày 20/9/1970, thông báo: “Vua Hussein đã gặp chúng tôi, nói rõ tình hình về quân đội mình và yêu cầu chúng tôi chuyển lại lời nhắn rằng Jordan muốn nhờ không lực của các ngài tấn công vào quân Syria đang đóng ở Bắc Jordan. Tôi cần câu trả lời ngay bây giờ”.

 

Rabin, có phần thẳng thắn đến mức thô lỗ, nói rằng mình “ngạc nhiên trước chuyện Mỹ đóng vai trò như một anh liên lạc viên”. Rabin nói thêm, Israel sẽ chẳng hứa điều gì trừ khi đích thân Nixon yêu cầu.

 

 Tuy nhiên, khuya hôm đó, Rabin lại đổi ý, cho biết Israel sẽ đưa quân đến biên giới Syria, đồng thời thực hiện các phi vụ do thám để quan sát sự chuyển quân của  Syria. Đổi lại, Chính phủ Israel muốn Washington phải cam kết rằng Mỹ sẽ bảo vệ Israel một khi Ai Cập hoặc Liên Xô ủng hộ Syria bằng vũ trang. Ngoài ra, Rabin cũng đòi Mỹ phải tăng cường viện trợ vũ khí cho Israel.

 

Tay trong tay

 

Mỹ hứa và trong thực tế đã không nuốt lời. Khi kế hoạch tiêu diệt Palestine triển khai, Nixon đã đồng ý tăng viện trợ quân sự cho Israel lên đến 500 triệu USD và giao nhiều Phantom hơn.

 

Trong 3 năm sau đó, kể từ năm 1970, Mỹ đã tung ra 1,608 tỉ USD cho Israel. Tháng 12/1970, Mỹ-Israel ký Hiệp ước trao đổi dữ liệu phát triển quốc phòng toàn diện, với nội dung Israel được cung cấp thông tin về kỹ thuật chế tạo vũ khí, đồng thời Israel được phép chế tạo động cơ J-79 dùng cho oanh tạc cơ Kfir của mình.

 

Tại sao Mỹ lại tử tế như vậy? Thật ra, đó là màn dụ ngọt để Israel củng cố thế đứng vững chắc ở Trung Đông, làm rào chắn chặn Liên Xô và ngăn bớt sức ảnh hưởng của làn sóng Đỏ. Tuy nhiên, Mỹ cũng đã buộc Israel chỉ sử dụng những gì thu được cho riêng Israel chứ không được bán. Trong thực tế, Mỹ chẳng dại gì cung cấp hết bí quyết và Israel cũng chẳng quá ngây thơ tin vào Mỹ. Kết quả là Israel tổ chức đánh cắp thông tin tuyệt mật về các chương trình hạt nhân và vũ khí của Mỹ. Điều mỉa mai là Israel dùng tiền viện trợ Mỹ để lập nguồn ngân sách cho các chương trình đánh cắp tư liệu quốc phòng ở Washington.

 

Với “giấy phép” do Nixon cấp trong việc chế tạo động cơ J-29, Israel đã đi xa hơn khi bán lại máy bay Kfir (sử dụng động cơ J-29) do họ sản xuất cho Ecuador. Năm 1977, chuyện này đổ bể và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter quyết định cấm xuất khẩu J-29 (tuy thế, Mỹ cũng không dám nặng tay khi sau đó tung ra 285 triệu USD cho Israel như là một khoản bồi thường). Máy bay Kfir thật ra chẳng là công trình nghiên cứu của Israel mà là một phiên bản chiến đấu cơ Mirage của Pháp.

 

Ngày 16/8/1966, một chiếc MiG-21 hạ cánh xuống căn cứ không quân ở Bắc Israel. Mỹ và Israel đến lúc này mới có thể nghiên cứu kỹ thuật của loại chiến đấu cơ được đánh giá hiện đại nhất bấy giờ. Kế hoạch đánh cắp máy bay MiG được phác thảo từ giữa năm 1962 và từng thực hiện nhiều lần nhưng không thành công và phải đến lần thứ ba mới đạt kết quả. Cuối năm 1964, một tay lái buôn Do Thái ở Iraq tên Yosef móc nối với tình báo Israel và cho biết mình có thể lấy cắp một chiếc MiG dễ như lấy một món đồ chơi. Josef nói rằng người em gái của cô bồ hắn có chồng là một phi công Iraq, tên Munir Radfa, chỉ huy phó một phi đội máy bay Iraq.

 

Yosef được lệnh thuyết phục Radfa đồng ý gặp đại diện Israel ở châu Âu. Buổi gặp gỡ được tổ chức tại một khách sạn ở Rome. Vấn đề lớn nhất là làm sao mang gia đình Radfa ra khỏi Iraq. Một nhóm Mossad được bí mật gửi đến Baghdad để bắt liên lạc với Radfa. Giữa năm 1966, Radfa chuyển đến căn cứ Rashid gần Baghdad. Trong cùng thời gian, thân nhân Radfa được đưa đến châu Âu để “trị bệnh” và “đi du lịch”.

 

Đầu tháng 8/1966, Radfa thông báo mình sẽ điều khiển một chuyến bay dài với đầy đủ nhiên liệu. Ngày 16/8, radar không quân Jordan phát hiện một chiến đấu cơ bay với tốc độ cao ngang không phận nước họ. Khi liên lạc với Syria, không quân Jordan được thông báo đó có thể là một oanh tạc cơ của Syria đang bay tập. Cuối cùng, như đã biết, đó là chiếc MiG-21 do Radfa đánh cắp.

 

Vào buổi sáng mà Radfa bắt đầu leo lên máy bay để chuồn đi, điệp viên Mossad đã thuê hai xe to để đưa tất cả thân nhân còn lại của Radfa “đi picnic”. Đến biên giới Iran, họ được một nhóm người Kurd dẫn đường thoát chạy. Khi vào Iran, một trực thăng đón họ và chở sang Israel. Vài tháng sau, Israel đã cho Mỹ “mượn” chiếc MiG-21 để nghiên cứu...

 

Theo Mạnh Kim

An ninh thế giới