Những “Cô gái sông Lam” giữa dòng đời ở Mátxcơva
(Dân trí) - Ở Mátxcơva thủ đô tráng lệ của nước Nga này, có bao nhiêu người con gái Xứ Nghệ - thành Vinh đang bươn chải với thương trường, lặn lội thân cò nơi đồng xa kiếm từng đồng rúp nuôi sống gia đình và bản thân mà nhiều lúc nước mắt cứ phải lặn vào trong.
Hoa cho chị em trong ngày 8.3.2012 của Hội đồng hương Nghệ An
Lặn lội thân cò…
Xa quê bao tháng ngày, sáng nay bỗng nghe khúc hát mới: “Cô gái sông Lam” (của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, phỏng thơ Lê Tuấn Hòa do ca sĩ Anh Thơ thể hiện) mà trong lòng tôi cứ cảm thấy nao nao vì nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Nước mắt cứ chực trào, cổ nghèn nghẹn đắng…Cái vùng đất Xứ Nghệ đầy gió Lào bỏng rát những trưa hè mà sao cứ như ma men thiêu đốt lòng người đến thế?
Ở Mátxcơva thủ đô tráng lệ của nước Nga này, có bao nhiêu người con gái Xứ Nghệ - thành Vinh đang bươn chải với thương trường, lặn lội thân cò nơi đồng xa kiếm từng đồng rúp nuôi sống gia đình và bản thân mà nhiều lúc nước mắt cứ phải lặn vào trong. Họ bán buôn quanh các khu chợ trời ở thủ đô Nga suốt bao nhiêu năm qua. Nếm đủ mùi vị cay đắng, có những lúc trắng tay…Nhưng cái sức sống bên trong của người phụ nữ VN thật kì lạ. Chẳng có gì làm họ chùn bước. Cứ mất mát lần này họ lại bươn chải làm lại lần khác. Có vẻ như khó khăn nghiệt ngã càng làm những cô gái “quê choa” dày dạn hơn, kinh nghiệm hơn. Số đông chị em còn sót lại từ thời hợp tác lao động vào những năm 80 không về hoặc “Nga quay”, sau này được bổ sung thêm từ lớp du lịch ở lại.
Có lần tôi hỏi một chị bán hàng áo quần thể thao ở chợ Liu (TTTM Mátxcơva) về tình hình gia cảnh. Chị Lê Thị Thu Hòa, tuổi ngoài bốn mươi, quê Nghi lộc (Nghệ an) vốn là dân lao động cũ, trước làm xưởng dệt ngay tại Mátxcơva. Chị cười hồn hậu với cái chất giọng rất đặc trưng của vùng quê chị mà người Bắc, Nam nếu nghe sẽ cảm thấy rất “lạ”: “Nói thực với anh, sống ở Nga quen mất rồi, về nước một dạo nhớ quá, mà ở nhà cũng kiếm ăn khó khăn nữa, nên tìm cách sang lại mà mọi người hay gọi là Nga quay đó anh. Buôn bán lúc được lúc không. Có nhiều lúc hàng hóa bị mất trắng anh ạ, lại còn nạn giấy tờ đến khốn khổ. Đó là chưa nói chuyện chợ dẹp, phải chạy tới chạy lui. Được đồng nào găm ở quê lại tức tốc gửi sang, có khi còn vay mượn thêm. Nay càng ngày càng khó khăn hơn. Vì người mua hàng thì có hạn mà người bán hàng nhất là người địa phương bung ra quá nhiều nên ta khó mần ăn hơn mười mấy năm trước”.
Thực tế, lượng người Nga mà nhất là “dân đầu đen” (người gốc Trung Á – Liên xô cũ) bung ra làm ăn nhiều. Họ không mất tiền hộ khẩu hàng ngàn USD mỗi năm như người VN; người họ với nhau có những mối quan hệ dễ trao đổi trong việc mua bán nên sự cạnh tranh vì thế mà gắt gao hơn. Tuy nhiên, những khó khăn đó càng không làm cho bà con mình nản chí mà trái lại, họ lại càng quyết tâm cao hơn.
Những người con gái xứ Nghệ chân yếu tay mềm có mặt không chỉ ở ngoài chợ trời, cạnh tranh gay gắt với các bạn hàng địa phương mà họ còn có mặt rải rác trên những cánh đồng trồng rau khi mùa hè nắng cháy và mùa đông tuyết băng giá rét. Họ phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” từ sáng sớm đến chiều tối trên những cánh đồng Nga hay trong nhà kính hàng ngày để mong nhận được vài trăm USD/1 tháng.
Những “cô gái sông Lam” còn là những người thợ may khéo tay hay lam hay làm. Dù tay nghề nhiều người còn bỡ ngỡ, nhưng họ đã chịu khó học hỏi để không chịu thua chị kém em. Bởi kiếm tiền nơi đất khách đâu phải là chuyện dễ. Khá nhiều người đã tích cóp được kha khá món tiền từ sức lao động chính đáng của mình.
(Tuy nhiên, vẫn có những chuyện buồn không đáng có như, có những người thợ không gặp may mắn khi phải ở trong những xưởng may chưa hợp pháp. Chấp nhận sống với cảnh chật chội, ăn uống có nhiều xưởng không được tốt lắm, làm việc vất vả hàng chục tiếng đồng hồ/1 ngày. Lương khi có khi không. Lại thỉnh thoảng phấp phỏm vì những cảnh khám xét, kiểm tra của các ngành chức năng Nga. Và cũng buồn thay khi chứng kiến cảnh những người bạn của mình phải khăn gói trở về vì vi phạm luật nhập cư, luật lao động…của nước sở tại. Lỗi này không phải từ họ, mà do ở những ông bà chủ thiếu trách nhiệm ở một số ít xưởng may của người VN tại Nga bất chấp luật pháp. Biết vậy nhưng họ là thân đi làm thuê.)
…thành công nơi đất khách
Tuy nhiên, tôi cũng đã gặp ở nơi đây biết bao người con gái Xứ Nghệ thành danh. Một trong những số đó là: chị Hạnh Hoàng, Thu Sơn, Huệ Vinh v.v…chủ nhân của những nhà hàng ăn nên làm ra. Nhưng họ cũng đã phải trải qua không biết bao nhiêu lần gặp khó khăn, mất mát để tồn tại.
Như chị Thu Sơn, một cử nhân và cũng là chủ của “Nhà hàng sông Lam” (địa chỉ số 11, Nôvinxki Bunvar hiện nay) với 2 lần trải qua nạn “bà hỏa” gây thiệt hại về người và của ở địa chỉ cũ cạnh ga xe điện ngầm Taganxkaia. Nhưng vợ chồng chị vẫn vượt lên hết thảy khó khăn để phát huy những tiềm năng sẵn có và với lòng đam mê ẩm thực VN mang đến cho thực khách những phút giây thư giãn cũng như quảng bá cho món ẩm thực Việt tại Nga.
Còn chị Hạnh Hoàng là một tiến sĩ, chủ nhà hàng “Nems”. Cũng một thời nhà hàng của chị làm ăn khấm khá ở trong khu vực siêu thị “Ramsto” (vùng Medvedkovo) vào những năm đầu 2000. Hiện nay hai vợ chồng anh chị (anh Hoàng, cũng là một tiến sĩ) vẫn tiếp tục phát triển sự nghiệp kinh doanh với nhà hàng “Nems” tọa lạc tại ga xe điện ngầm Yugo Zabadnaia. Khách hàng chủ yếu là người Nga, Philippin, Hàn quốc, Trung Quốc và Việt Nam. Đây còn là nơi gặp gỡ giao lưu của giới văn nghệ sĩ, trí thức, công chức...Việt tại Nga và cả từ trong nước sang công tác.
Hay với chị Huệ Vinh vốn là dân hợp tác lao động cũ thời những năm 80, nay có nhà hàng “Sài gòn” ở vùng đất Saliut 5 cũ, cũng đã lao tâm khổ tứ khi Saliút 3 thất thủ, phải chạy ngược xuôi tìm đất kinh doanh.
Dân trồng rau thì tôn chị Nghệ, cũng là dân xuất khẩu lao động cũ làm “sư phụ”…vì chị có thâm niên về nghề.
Cánh xưởng may với “nam tướng” át “nữ tướng”, nhưng không vì thế mà chị Sinh (vốn là dân du lịch sang Nga rồi ở lại), phải chịu cảnh lép vế trước cánh mày râu. Xưởng may của chị tuy nhỏ, nhưng cũng đảm bảo cuộc sống an bình và công việc ổn định cho công nhân dù chỉ có mấy chục người.
Trong lĩnh vực dạy người như chị Điềm, một nhà giáo đã nghỉ hưu, có tâm huyết đã dốc cả tình cảm và vốn liếng truyền thụ cho học sinh tại nơi chị nhận dạy kèm trong căn hộ bé nhỏ khiêm tốn của chị.
Còn một thế hệ (F2) là các cháu gái Xứ Nghệ sinh ra và lớn lên trên xứ sở bạch dương tuyết trắng vừa học hành giỏi giang lại ngoan hiền xinh đẹp như: Hoàng Hà, Thảo Nguyên v.v…Hiện nay 2 cháu này đang là những nữ sinh viên ưu tú.
Còn biết bao tấm gương thầm lặng của họ nơi đây. Có thể nói những người con gái sông Lam – Nghệ an nói riêng, hiện đang làm việc và sinh sống tại Mátxcơva – Nga là những hình ảnh cho sự cần cù chịu khó chịu thương của người phụ nữ VN nói chung. Luôn chấp nhận hi sinh thiệt thòi về mình và biết vượt lên khó khăn cho gia đình được vẹn toàn. Thật đáng ngưỡng mộ.
Võ Hoài Nam (từ Mátxcơva)