1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những chuyến bay “lạ”

Việc hàng loạt máy bay không người lái (UAV) gần đây “tự do” lượn lờ ở các địa điểm nhạy cảm tại Pháp và Mỹ giữa lúc các tổ chức khủng bố đang tìm mọi cách gieo rắc nỗi sợ hãi thông qua các vụ tấn công đẫm máu, đã làm dấy lên sự hoài nghi trong dư luận đối với công tác bảo đảm an ninh của chính phủ các nước.

Chiếc UAV cỡ nhỏ được xác định rơi trong khuôn viên Nhà Trắng vào tháng 1-2015
Chiếc UAV cỡ nhỏ được xác định rơi trong khuôn viên Nhà Trắng vào tháng 1-2015

Nhan nhản UAV

AFP cho biết, 3 nhà báo làm việc cho Đài Truyền hình Al-Jazeera ngày 25-2 đã bị bắt giữ sau khi cho một UAV bay ở ven thủ đô Paris. Nguồn tin an ninh cho biết, trong 3 người này, 1 người đang điều khiển máy bay, 1 người xem và 1 người quay phim. Các vụ bắt giữ diễn ra sau khi 2 đêm liền, nhà chức trách phát hiện nhiều UAV lượn lờ ở Paris, gần các địa điểm nhạy cảm như: Đại sứ quán Mỹ, tháp Eiffel... mà họ chưa thể xác định người điều khiển.

Trong những tháng gần đây, Pháp thường xuyên phải chứng kiến sự xuất hiện của nhiều loại UAV bay trên bầu trời nước này. Ngày 20-1 vừa qua, một máy bay loại này đã bay qua Dinh Tổng thống Pháp ở Paris, trong khi khoảng 20 chiếc khác được phát hiện đang bay lượn trên các nhà máy điện hạt nhân của nước này.

Trong khi đó, cách đây không lâu, vào rạng sáng ngày 26-1, Cơ quan Mật vụ Mỹ đã phát hiện một UAV cỡ nhỏ được điều khiển từ xa tại khuôn viên Nhà Trắng. Tờ New York Times dẫn nguồn tin từ Cơ quan Mật vụ cho biết, một nhân viên chính phủ (không nêu đích danh) đã điều khiển chiếc máy bay phục vụ cho nhu cầu giải trí nhưng mất kiểm soát. Cơ quan Mật vụ không giải thích vì sao người đàn ông này vốn không làm việc tại Nhà Trắng có thể điều khiển thiết bị bay vào giờ đó. Cơ quan này vẫn đang tiến hành các cuộc thẩm vấn và xem xét tất cả các hướng điều tra khác.

Gieo rắc nỗi sợ hãi?

Các chuyến bay “lạ” kể trên đã buộc chính phủ và quân đội Pháp mở cuộc điều tra về nguồn gốc của những chiếc máy bay. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cho đến nay họ vẫn chưa thể xác định được những đối tượng đứng sau hoạt động của các "vật thể bí ẩn".

Trả lời phỏng vấn tờ Telegraph, ông Christophe Naudin, một chuyên gia an ninh hàng không Pháp cho rằng, những người điều khiển UAV trên thuộc một tổ chức có quy củ muốn thử thách khả năng của tình báo Pháp và “đang cố chứng tỏ chính quyền Pháp không có đủ khả năng bảo vệ người dân”. Theo chuyên gia này, việc ngăn chặn các UAV trong khu vực nhiều tòa nhà san sát nhau là điều gần như không thể. “Cảnh sát không thể bắn hạ một UAV trong thành phố bởi vì đạn lạc có thể trúng vào các tòa nhà hoặc ai đó đang đứng trên ban công. Nếu mục tiêu của những người điều khiển UAV bí ẩn thật sự là gây sợ hãi, thì họ đã thành công”, ông C.Naudin nhận định.

Theo AFP, dư luận Pháp đã bày tỏ bức xúc trước các vụ việc. “UAV bay khắp bầu trời Paris và vẫn không thể tìm ra người điều khiển. Thật không có gì đảm bảo an toàn”, một cư dân mạng tên Roberte Chabault viết trên Twitter. Trong khi đó, Phát ngôn viên của Chính phủ Pháp Stephane Le Foll cho rằng, người dân không nên quá lo lắng “nhưng phải cảnh giác vì đây là một vấn đề nghiêm trọng”.

AFP cho biết, UAV có đủ hình dạng và kích cỡ, có thể được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như do thám, chụp ảnh, làm phim, tìm kiếm, cứu nạn và nghiên cứu khoa học. Giá thành của các máy bay điều khiển từ xa này có loại hiện nay đã xuống khá thấp nên nhiều người có thể mua một cách dễ dàng.
 
Cơ quan an ninh tại nhiều quốc gia đã xác định UAV cỡ nhỏ là mối nguy cơ tiềm tàng gây mất an toàn đối với hoạt động hàng không hoặc thậm chí là bị lợi dụng để khủng bố. Chính vì lẽ đó mà theo quy định hiện hành, Pháp cấm tất cả các máy bay hoạt động dưới độ cao 6.000m ở trung tâm Paris.
 
Việc sử dụng bất kỳ máy bay nào dưới độ cao đó, bao gồm UAV, trực thăng cảnh sát và trực thăng cứu thương, phải được sự cho phép của giới chức thành phố. Việc sử dụng UAV vào ban đêm bị cấm hoàn toàn. Những người vi phạm có thể bị phạt tối đa một năm tù và khoản tiền phạt 85.000USD. Pháp cũng đã tiến hành một chương trình trị giá 1,1 triệu USD với mục tiêu phát triển những biện pháp nhằm phát hiện và ngặn chặn UAV.
 
Tại Mỹ, ngày 25-2, tờ The Verge cho biết, Cơ quan Mật vụ đã tuyên bố rằng, họ sẽ bắt đầu thử nghiệm dùng UAV nhằm phục vụ công tác bảo vệ Nhà Trắng. Theo đó, các chuyến bay thử sẽ được thực hiện ngay trong khu vực cấm bay trong phạm vi thủ đô Wasington.
 
Cách đây không lâu, một số nguồn tin cho rằng, Bộ An ninh Nội địa và quân đội Mỹ cũng đã tiến hành những thử nghiệm tương tự nhằm xem xét tính khả thi của việc dùng các UAV trong công tác bảo vệ, đồng thời tìm cách ngăn chặn nguy cơ kẻ xấu dùng các UAV thương mại được trang bị vũ khí tự động và chất nổ để tiến hành khủng bố.
 
Theo tờ Wall Street Journal, kể từ năm 2011, các nhà chức trách Mỹ, Đức, Tây Ban Nha và Ai Cập đã phá vỡ ít nhất 6 vụ âm mưu tấn công bằng UAV.

Không dễ đối phó

Dư luận đang lo ngại những kẻ khủng bố có thể “cải tiến” UAV để tấn công bằng bom và vũ khí hóa học, sinh học, nhằm vào các mục tiêu quan trọng. Ông Fabian Lanzini, Giám đốc Kỹ thuật của nhà sản xuất máy bay điều khiển từ xa Work Fly-Civic, thừa nhận loại máy bay điều khiển từ xa thông dụng trên thị trường hiện nay (có giá khoảng 500 euro) có thể chở tối đa 2kg nhưng “chỉ cần thực hiện vài thay đổi ở phần động cơ và cánh quạt thì thiết bị bay đó có thể chở theo vật nặng hơn nhiều và rõ ràng là nó có thể trở thành vũ khí tấn công”.

Trong một nỗ lực nhằm đối phó mối đe dọa từ các UAV “lạ”, Công ty Resilient Solutions Ltd (Mỹ) cho biết, đang cùng một nhà thầu quốc phòng châu Âu hợp tác phát triển một hệ thống tinh vi có thể phát hiện, theo dõi bất kỳ chiếc UAV nào và xác định xem liệu nó có gây ra mối đe dọa nào không.
 
Trong khi đó, Công ty Dedrone GmbH của Đức vào tháng 4 sẽ bắt đầu bán hệ thống phát hiện UAV được trang bị radar, camera nhiệt độ, camera hồng ngoại và bộ cảm biến âm thanh. Riêng Công ty Sentien Robotics LLC (Mỹ) đang tìm cách trang bị cho UAV của Mỹ bộ cảm biến tần số vô tuyến để giúp phát hiện những vị khách UAV khác “không mời mà đến”.
 
Tuy vậy, tờ Wall Street Journal cho biết, những công ty nói trên thừa nhận sứ mệnh của họ gặp không ít khó khăn bởi nhiều UAV có kích thước nhỏ nên radar không thể phát hiện trong khi các bộ cảm biến có thể hoạt động không chính xác trong những điều kiện môi trường nhất định.
 
Theo Hoàng Vũ
Quân đội Nhân dân