1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đánh dấu 2 năm nắm quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình:

Những "chông gai" trên con đường ngoại giao của Trung Quốc

(Dân trí) - Từ thỏa thuận quy tắc ứng xử quân sự với Mỹ cho tới cam kết cho Đông Nam Á vay 20 tỷ USD, Bắc Kinh đã đặt sang một bên các căng thẳng trong những năm gần đây để thể hiện sự mềm mỏng hơn với thế giới trong tuần vừa qua.

Những chông gai trên con đường ngoại giao của Trung Quốc
Dù lãnh đạo Trung, Nhật đã có cuộc gặp thượng đỉnh bên lề APEC nhưng quan hệ giữa 2 nước dược dự đoán sẽ vẫn căng thẳng trong thời gian tới.

Nhưng liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có thực sự muốn thu hẹp các khác biệt vốn nổi lên 2 năm đầu cầm quyền của ông sẽ phụ thuộc vào việc các mâu thuẫn dai dẳng của Trung Quốc sẽ được xử lý ra sao trong những tháng tới.
 
Các bất đồng là rất nhiều, như do thám mạng, các hoạt động cải tạo đất phi pháp tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông, quan hệ Trung-Nhật trước dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến 2 vào năm 2015.
 
Hai năm qua, Trung Quốc đã gây ra nhiều lo ngại khi đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Hoa Đông, đưa dàn khoan vào sâu trong lãnh hải Việt Nam, "trình làng" các hệ thống vũ khí mới tiên tiến, trong đó có một máy bay chiến đấu tàng hình.
 
Nhưng trong những ngày gần đây, Trung Quốc đã tỏ ra đấu dịu khi nước này làm chủ nhà thượng đỉnh APEC lần thứ 25.
 
Bắc Kinh đã có các hành động hòa giải với Philippines, Nhật Bản, Việt Nam. Trung Quốc và Mỹ cũng đã nhất trí về một thỏa thuận khí hậu và giảm nguy cơ các hiểu lầm trong các cuộc đối đầu quân sự.
 
"Chúng ta sẽ vẫn phải quan sát những gì sẽ xảy ra trong 6-12 tháng tới hoặc thậm chí lâu hơn. Nhưng tôi nghĩ rằng giờ đây chúng ta đang đứng ở điểm bắt đầu của một thay đổi lớn trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc", Shi Yinhong, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, người cũng cố vấn cho chính phủ về các vấn đề ngoại giao, cho biết.
 
Sức mạnh quân sự đã được thay thế bằng sức mạnh tài chính để dẫn đường chính sách ngoại giao của Trung Quốc, ông Shi nói thêm, chỉ ra quỹ 40 tỷ USD dành cho "Con đường Tơ lụa mới" và 50 tỷ USD dành cho Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á được công bố trước APEC.
 
Kể từ tháng 5, hơn 120 tỷ USD cũng được cam kết cho châu Phi, Đông Nam Á và Trung Á.
 
"Thông điệp là Trung Quốc thật sự hi vọng có thể đóng vai trò như một cường quốc có trách nhiệm", tờ China Daily viết trong một bài xã luận hôm 17/11.
 
Các nguyên nhân gốc rễ âm ỉ
 
Các nguyên nhân gốc rễ của những bất đồng trong quá khứ giờ đây đã được đặt sang một bên dù vẫn âm ỉ. Hãng tin chính thức Xinhua đã tìm cách giảm nhẹ các kỳ vọng sau cuộc gặp với Tổng thống Obama hồi tuần trước, nói rằng bất chấp "giọng điệu hòa giải, vẫn còn nhiều điều cần phải làm để biến những lời hứa thành hiện thực".
 
Như để nhắc nhở Mỹ về sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc, một ngày trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Obama-Tập Cận Bình, quân đội Trung Quốc đã trình làng một mẫu máy bay chiến đấu tàng hình tinh vi tại một triển lãm hàng không miền nam nước này.

“Rất nhiều vấn đề còn tồn tại và sẽ còn nhiều những điều chưa rõ ràng trong những ngày tới”, Jia Qingguo, hiệu trưởng Trường nghiên cứu quốc tế tại Đại học Peking, người cũng cố vấn cho chính phủ về chính sách ngoại giao, cho hay.

Trung Quốc từ lâu đã tìm cách xoa dịu những lo ngại trong khu vực và trên toàn cầu rằng sự phát triển kinh tế chắc chắn sẽ mang lại sức ảnh hưởng ngoại giao và quân sự mạnh mẽ hơn.

Trong một hội nghị các lãnh đạo Đông Nam Á tại Myanmar hồi tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề xuất một hiệp ước thân thiện với ASEAN, nhưng vẫn giữ quan điểm rằng Bắc Kinh sẽ chỉ giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trực tiếp với các bên liên quan.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho hay ông và ông Tập đã có một cuộc hội đàm tích cực tại Bắc Kinh, nhưng quân đội Philippines nói rằng không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ giảm sự hiện diện tại cá khu vực ở Biển Đông mà Manila tuyên bố chủ quyền.

Di sản chiến tranh vẫn đeo đẳng

Trung Quốc và Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 2 và 3 thế giới, đã tranh cãi gay gắt trong 2 năm qua về một quần đảo tranh chấp ở Hoa Đông, sự ảnh hưởng trong khu vực và sự chiếm đóng của Nhật với Trung Quốc trong Thế chiến II.

Mặc dù ông Tập và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có cuộc hội đàm bước ngoặt ngay trước APEC, thừa nhận rằng cuộc tranh cãi giữa họ đã gây thiệt hại kinh tế và sự ngờ vực vẫn ăn sâu.

“Liệu các vụ xô xát có thể được ngăn chặn hay không giữa hai nước phụ thuộc vào hành động và thái độ của Nhật Bản”, ông Han Zhiqiang, quyền đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, nói.

Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tổ chức các sự kiện lớn để đánh dấu 70 năm Thế chiến II vào năm tới, tạo một cơ hội khác để cáo buộc Nhật hành động không đúng đắn trong quá khứ.

“Nhật Bản đặc biệt lo ngại về cách thức lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức tại Trung Quốc”, một phái viên phương Tây tại Bắc Kinh tiết lộ.

Ấn Độ là một vấn đề khác, khi không có một dấu hiệu và giải pháp lâu dài cho cuộc tranh chấp biên giới dai dẳng giữa hai nước.

Thừa nhận những lo ngại của thế giới, ông Tập đã trích dẫn một câu nói nổi tiếng để xoa dịu các lo ngại khi có bài phát biểu trước quốc hội Úc trong tuần này: “Một quốc gia hiếu chiến cuối cùng sẽ diệt vong dù có lớn đến đâu”.

Nhưng ông tập đã không dẫn phần còn lại của câu nói: “Dù thế giới có hòa bình, bạn sẽ bị nguy hiểm nếu không chuẩn bị trước cho chiến tranh”.

An Bình